Tác hại của việc làm dụng thuốc kháng sinh đường ruột

Bệnh nhân đã đến đúng tuyến chuyên khoa (Khoa Nội tiêu hóa - Bệnh viện TWQĐ 108), được chẩn đoán nhanh và điều trị kịp thời cuối cùng đã xuất viện trong niềm hạnh phúc của gia đình, của bệnh nhân và cũng là niềm hạnh phúc cho những người Thầy thuốc trực tiếp cứu chữa cho bệnh nhân này.

Ngày 04/07/2015, Bộ môn-Khoa Nội tiêu hóa –Bệnh viện TƯQĐ 108 tiếp nhận bệnh nhân Trần Thị M –sinh năm 1949, quê quán: Châu Minh, Hiệp Hòa, Bắc Giang. Về tiền sử: Bệnh nhân đau dạ dày từ 05/2015, đã kiểm tra tại bệnh viện tuyến huyện. Bệnh nhân đã được dung cùng lúc nhiều loại thuốc khác nhau trong thời gian trên 10 ngày. 

Từ 15/06/2015, bệnh nhân thấy người mệt mỏi, đại tiện phân lỏng (6-10 lần), phân nhầy, có dịch đục, nhưng không có máu. Bệnh nhân có kèm theo sốt nhẹ, buồn nôn, nhưng không nôn được, bụng chướng dần, da và niêm mạc khô, nhăn nheo (do đi ngoài nhiều, rối loạn điện giải). Đến đầu tháng 07/2015, bệnh nhân khó thở nhẹ, bụng chướng dần và có dịch ổ bụng. Cuối cùng bệnh nhân được chuyển vào điều trị tại Bệnh viện TƯQĐ 108.

Khám thấy: da và niêm mạc xạm, sốt nhẹ 38,0, bụng mềm, dịch ổ bụng trung bình, không có hạch. Các xét nghiệm: bach cầu: 20,7 G/L (N = 80,8%), hồng cầu: 3,9 T/L, huyết sắc tố = 128 g/l, protid: 42 g/l (bình thường: 66-80 g/l); albumin 21 g/l (bình thường: 35-50 g/l). Nội soi dạ dày: bình thường. Siêu âm ổ bụng thấy dịch đục trong ổ bụng và có dịch màng phổi. Ngày 06/07/2015, nội soi đại tràng: Hình ảnh điển hình viêm đại tràng giả mạc do Clostridium difficile (hậu quả dùng kháng sinh nhiều loại).

Kết quả chụp phim X-quang phổi: Hình ảnh tràn dịch màng phổi bên phải. Ngày 05/07/2015, bệnh nhân khó thở, vì có nhiều dịch ổ bụng chèn ép. Đã tiến hành chọc hút dịch ổ bụng khoảng 2 lít. Xét nghiệm dịch ổ bụng: Rivalta (+).

Bệnh nhân đã được điều trị tích cực: Truyền dịch, cân bằng điện giải, bù albumin (2 g/ngày x 7-10 ngày), dùng kháng sinh: Vancomycin 1 g x 2 lọ/ngày x 10 ngày. Sau 10 ngày dùng tiếp: Metronidazole 250 mg x 8 viên/ngày x 10 ngày. 

Sau 15 ngày điều trị, bệnh nhân tỉnh táo, đại tiện 2 lần/ngày, phân vàng, dịch ổ bụng hết. Các kết quả xét nghiệm huyết học và sinh hóa về gần bình thường và ra viện. Đã nội soi đại tràng lại sau 3 tuần điều trị: Không còn vết loét và giả mạc tại đại tràng

Lời bình: Quá trình tiêu hóa thức ăn, hấp thu các chất dinh dưỡng và tạo phân trong đại tràng phải nhờ đến hệ vi khuẩn sống cộng sinh trong lòng đại tràng.

Tuy nhiên, khi người bệnh dùng kháng sinh bừa bãi, không tuân thủ theo phác đồ và đặc biệt dùng nhiều loại khác nhau sẽ là điều kiện thúc đẩy cho các vi khuẩn có hại gây tổn thương đại tràng: Gây viêm và loét đại tràng toàn bộ. Vi khuẩn Clostridium difficile thường gây bệnh ở những bệnh nhân dùng kháng sinh không tuân thủ phác đồ của thầy thuốc.

Nếu điều trị không kịp thời sẽ đưa đến hậu quả khôn lường và nhận biết bệnh còn rất khó, đặc biệt ở các tuyến huyện, khi chưa có các thiết bị trợ giúp chẩn đoán và có các chuyên gia giàu kinh nghiệm. Điều quan trọng nữa cần khuyên cáo với người bệnh là phải tuân thủ nghiêm ngặt các phác đồ điều trị của thầy thuốc và khi có bất thường phải đến bệnh viện sớm. 

Viêm đại tràng màng giả hay viêm ruột màng giả, viêm ruột giả mạc, là bệnh nhiễm khuẩn ở ruột già do vi khuẩn Clostridium difficile gây ra. Bệnh nhân có triệu chứng đau quặn bụng, sốt, tiêu chảy rất nhiều lần… có thể nguy hiểm đến tính mạng. Nguyên nhân chủ yếu là loạn khuẩn đường ruột do dùng kháng sinh, hoặc bị suy giảm miễn dịch vì nhiều lý do khác nhau, đặc biệt là ở người già. 

Vi khuẩn C. difficile là loại vi khuẩn kỵ khí, có nha bào, vì vậy sức đề kháng rất cao khi ra bên ngoài cũng như trong đường tiêu hóa. Vi khuẩn C. difficile sẽ sản sinh ra độc tố ruột và độc tố gây độc tế bào.

Độc tố tác động vào niêm mạc đại tràng gây viêm và tăng bài tiết tạo thành giả mạc màu trắng. Giả mạc này mềm, dễ bong và khi bong ra sẽ để lại viêm, loét và gây chảy máu niêm mạc. Vì vậy, một số trường hợp sau khi dùng kháng sinh một thời gian hoặc đã ngưng dùng thuốc mà thấy đi ngoài ra máu thường nghĩ rằng do tác dụng phụ.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top