✴️ Ngoại tâm thu thất là gì và phương pháp chẩn đoán bệnh

1. Ngoại tâm thu thất là gì?

Bệnh ngoại tâm thu thất là tình trạng buồng tâm thất (buồng tim dưới) co lại bất thường trước chu kỳ co bóp, làm xuất hiện 1 nhịp đập sớm xảy ra trước nhịp đập bình thường. Tình trạng này xảy ra khá phổ biến, nếu bệnh xuất hiện ở người khỏe mạnh, không mắc vấn đề tim mạch thì hầu hết trường hợp bệnh là vô hại. Tuy nhiên, ngoại tâm thu thất nặng, nhất là xảy ra ở người mắc bệnh tim mạch thì nó trở nên nguy hiểm hơn, có thể gây ra rối loạn nhịp tim nghiêm trọng, đột tử.

Chứng ngoại tâm thu thất được chẩn đoán phân loại theo từng mức độ để việc theo dõi và điều trị có ý nghĩa hơn. Hiện nay, thang đánh giá của Lown được sử dụng nhằm phân dạng ngoại tâm thu thất, giúp bác sĩ tiên lượng, điều trị bệnh. 

Cụ thể, ngoại tâm thu thất được chia thành các cấp độ sau:

Cấp độ 1

Đây là dạng ngoại tâm thu thất đơn, tỉ lệ xuất hiện nhịp tim bổ sung là dưới 30 nhịp mỗi giờ.

Cấp độ 2

Đây là dạng ngoại tâm thu thất đơn, khi mỗi giờ nhịp bất thường xuất hiện trên 30 cái.

Cấp độ 3

Là các trường hợp ngoại tâm thu thất đa dạng.

Cấp độ 4 - A

Đây là mức độ nặng khi ngoại tâm thu thất chuỗi 2, nghĩa là cứ 1 nhịp đập bình thường sẽ đi kèm với 1 nhịp ngoại tâm thu thất.

Cấp độ 4 - B

Những người bệnh được xếp vào nhóm này khi có cơn ngoại tâm thu thất chuỗi 3 hoặc nhanh thất ngắn.

Cấp độ V

Là tình trạng ngoại tâm thu thất R/T.

Trong đánh giá sơ bộ, ngoại tâm thu thất được coi là nguy hiểm nếu tình trạng này xuất hiện thường xuyên (từ 6 lần/phút trở lên), hoặc thành chuỗi ngắn, bệnh lý tiến triển trên nền nhồi máu cơ tim.

Không phải tất cả các trường hợp mắc bệnh đều lý giải được nguyên nhân rõ ràng. Các nhà khoa học cho rằng, những thay đổi trong cơ thể, bệnh lý tim mạch hoặc yếu tố kích hoạt có thể khiến tế bào tâm thất hoạt động không ổn định, gây ra xung điện lạc chỗ và xuất hiện cơn co thắt tâm thất sớm.

Các yếu tố nguy cơ dẫn đến cơn ngoại tâm thu thất bao gồm: Sử dụng chất kích thích (Rượu, ma túy, Cafein), tác dụng phụ của thuốc điều trị (tiêu biểu như thuốc chữa bệnh hen,…), tình trạng mất cân bằng điện giải trong cơ thể, tổn thương cơ tim do nhiễm trùng, bệnh động mạch vành, bệnh tim bẩm sinh,… 

2. Chẩn đoán ngoại tâm thu thất như thế nào?

Kiểm tra nhịp tim sẽ phát hiện được những cơn co thắt tim sớm, tuy nhiên để chẩn đoán chính xác tình trạng bệnh, cần đến các xét nghiệm cận lâm sàng khác. 

2.1. Điện tâm đồ

Đây là kỹ thuật thăm dò chức năng, kiểm tra nhịp tim thường quy tại nhiều bệnh viện chuyên khoa tim mạch. Kết quả khám ghi lại hoạt động điện của tim, thấy được những cơn co tâm thất sớm xuất hiện khi nào, tần suất nhiều hay ít,… Đôi khi, điện tâm đồ tiêu chuẩn trong thời gian ngắn không giúp theo dõi tình trạng ngoại tâm thu thất, bác sĩ cần theo dõi trong thời gian dài hơn.

Chẩn đoán ngoại tâm thu thất như thế nào

2.2. ECG tiêu chuẩn

Đây là kỹ thuật điện tâm đồ tiêu chuẩn được theo dõi các tin hiệu đi qua tim bằng thiết bị cảm biến đặc biệt gắn vào ngực và chân tay. Thông thường, ECG theo chuẩn sẽ theo dõi nhịp tim trong vòng vài phút, bệnh nhân được thực hiện tại phòng khám chuyên khoa hoặc bệnh viện.

2.3. ECG gắng sức

Kỹ thuật này cho phép theo dõi hoạt động của tim khi người bệnh hoạt động, thường là đạp xe tại chỗ hoặc đi bộ trên máy chạy bộ. Sự xuất hiện của ngoại tâm thu thất có thể khiến hoạt động của tim kém đi, nhất là khi hoạt động gắng sức. Vì thế ECG gắng sức sẽ tiết lộ ngoại tâm thu thất vô hại hay nó có nguy cơ cao dẫn đến các vấn đề tim mạch nghiêm trọng khác.

2.4. Theo dõi Holter

Đây cũng là một kỹ thuật theo dõi hoạt động của tim tiên tiến, điểm khác biệt là phương pháp này theo dõi trong thời gian dài hơn, thường là 24 giờ. Thông tin từ theo dõi Holter đem lại cho phép bác sĩ có cái nhìn tổng quan hơn về hoạt động của tim.

2.5. Điện tâm đồ sự kiện

Điện tâm đồ sự kiện cũng theo dõi hoạt động của tim trong thời gian dài, tuy nhiên không ghi liên tục mà chỉ ghi lại khi người bệnh có triệu chứng bất thường. Do cần điều khiển từ người bệnh và bật theo dõi nếu bản thân có dấu hiệu bất thường nên kết quả điện tâm đồ sự kiện có thể không chính xác và khách quan.

2.6. Thăm dò điện sinh lý

Ở phương pháp chẩn đoán này, bác sĩ sẽ sử dụng 1 ống thông đặc biệt đưa vào tim. Nó có vai trò kích hoạt cơn rối loạn nhịp tim và ghi lại hoạt động của tim trong cơn rối loạn này, giúp đánh giá mức độ loạn nhịp và từ đó điều trị hiệu quả hơn.

2.7. Xét nghiệm khác

Tùy vào trường hợp bệnh cụ thể, bác sĩ sẽ cần chỉ định thực hiện xét nghiệm chẩn đoán hỗ trợ khác như: Xét nghiệm máu, Test căng thẳng, nghiệm pháp bàn nghiêng,…

3. Ngoại thu tâm thất cách chữa

Nếu ngoại thu tâm thất xảy ra ở người bình thường, có sức khỏe tốt và không mắc bệnh lý tim gì thì không cần điều trị. Bệnh nhân chỉ cần lưu ý theo dõi và thăm khám định kỳ để kiểm tra tiến triển của bệnh. Tuy nhiên khi ngoại tâm thu thất nặng, tần suất cao kèm theo bệnh tim mạch hoặc rối loạn nhịp tim khác thì nguy cơ biến chứng cao. Bệnh nhân cần được điều trị bằng thuốc, đốt điện tim hoặc cấy máy khử rung.

Kiểm soát tốt chứng ngoại tâm thu thất và điều trị bệnh lý tim mạch kèm theo cần kiên trì, thường xuyên theo dõi triệu chứng và tái khám. Nếu chủ quan, bệnh hoàn toàn có thể tiến triển nặng gây ra biến chứng rối loạn nhịp tim, đột tử nguy hiểm.

Cùng với điều trị theo chỉ định của bác sĩ, bệnh nhân cần thay đổi lối sống lành mạnh, kiểm soát căng thẳng, hạn chế chất kích thích gây hại đến tim và sinh hoạt, nghỉ ngơi điều độ. 

Xem thêm: Những điều cần biết vể rối loạn nhịp tim

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top