Nguyên nhân gây nóng từ mì ăn liền so với các loại thực phẩm khác

Nội dung

Năng lượng mà chúng ta ăn vào hàng ngày đến từ 3 thành phần chính: tinh bột (carbohydrate), chất đạm (protein) và chất béo (lipid). Ngoài ra, mỗi loại thực phẩm đều có chứa muối khoáng và vitamin cùng một số dưỡng chất khác. Sự khác nhau của các nhóm thực phẩm là từ tỷ lệ giữa các thành phần.

Xét về thành phần chính thì mì ăn liền cấu tạo giống các thực phẩm giàu tinh bột  khác. Ngoài tinh bột, mì ăn liền còn chứa một phần chất đạm và béo. Vậy tại sao nhiều người cho rằng mì ăn liền gây nóng trong người? Phải chăng xuất phát từ quan điểm cho rằng mì ăn liền được làm từ bột lúa mì và chiên qua dầu nên gây nóng?

 

Lí giải 1: Tinh bột/ nguyên liệu lúa mì có phải nguyên nhân gây nóng?

Nếu so với các món ăn khác thì mì ăn liền có lượng tinh bột tương đương với một bát miến ngan hoặc phở gà bình dân, nhỉnh hơn 10g so với một bát phở bò, kém hơn 30g so với bánh bao nhân thịt, hơn 20g so với bánh mì.

Trong đó, bánh mì hay bánh bao đều là những loại bánh được làm từ bột lúa mì, giống như mì tôm. Nhưng không thấy nhiều người phàn nàn ăn bánh mì hay bánh bao bị nóng cả.

Xét góc độ khoa học nói tinh bột hay bột lúa mì là nguyên nhân gây nóng là chưa chính xác và thiếu căn cứ. Bởi lẽ, theo y học hiện đại, không có thực phẩm nào là nóng hay lạnh, do đó, khó có thể nói thực phẩm là nguyên nhân gây nóng trong. Đối với y học cổ truyền, thực phẩm nóng không hẳn là nguyên nhân gây nóng vì cơ thể mỗi người lại có thể hàn (lạnh) và thể nhiệt (nóng) khác nhau, nên quan trọng nhất là cân bằng hàn – nhiệt với chế độ dinh dưỡng hợp lý.

 

Lí giải 2: Dầu trong mì ăn liền có đủ sức gây nóng?

Có nhiều người lại cho rằng dầu trong mì ăn liền nhiều nên gây ra tình trạng nóng. Lượng dầu trong mì ăn liền, bao gồm luôn cả gói dầu gia vị chiếm khoảng 13-17g (trong sản phẩm 75g). Hãy thử tưởng tượng nếu bạn ăn hết 4 miếng đậu rán thì lượng chất béo bạn nạp vào khoảng 11,3g tương đương với ăn một bát mì ăn liền. Hay lượng dầu cũng chỉ nhỉnh hơn 1g so với việc ăn một bát phở gà bình dân. Nhưng mọi người không phàn nàn hay đổ tội ăn đậu rán hay 1 tô phở gà gây nóng.

Bên cạnh đó, xét về bản chất, dầu (chất béo) cũng không phải nguyên gây nóng dù theo quan  điểm Đông y hay Tây y. Ngoài ra, có rất nhiều yếu tố của thói quen sinh hoạt khiến bạn bị thay đổi nội tiết, thay đổi vị giác, thay đổi quá trình tiêu hóa mà biểu hiện ra bên ngoài những dấu hiệu mà bạn coi đó là bị “nóng”.

Có thể nói, không có một thực phẩm riêng lẻ nào hoàn hảo về mặt dinh dưỡng. Nếu muốn có các bữa ăn hoàn hảo về mặt dinh dưỡng, mỗi người chúng ta phải tự biết cách nấu nướng. Còn với mì ăn liền, hãy xem bạn có ăn mì kèm với rau xanh và thịt, trứng, hải sản không? Bạn có uống đủ nước và ăn nhiều hoa quả trong quãng thời gian vừa qua không? Bạn có thức khuya không. Vì thế đừng vội vàng quy tội cho thực phẩm là nguyên nhân gây nóng và “bó buộc” khẩu vị của mình vì những lầm tưởng hay những tin đồn thiếu cơ sở.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top