✴️ Cân nặng và chỉ số BMI cho người lớn tuổi

Chỉ số khối cơ thể, cũng gọi là chỉ số thể trọng- thường được biết đến với tên viết tắt BMI theo tên tiếng Anh Body Mass Index, là một cách nhận định cơ thể của một người là gầy hay béo bằng một chỉ số. Hướng dẫn khuyến nghị rằng tất cả người trưởng thành nên duy trì chỉ số BMI trong khoảng từ 18 đến 25; BMI trên 25 cho thấy thừa cân, trong khi một trên 30 cho biết tình trạng béo phì.

Tuy nhiên, tùy theo thể trạng và tuổi tác ở mỗi người mà có những đánh giá chênh lệch khác nhau.

BMI ảnh hưởng đến người cao tuổi như thế nào

BMI được tính bằng cách chia cân nặng (kg) cho chiều cao (mét) bình phương. Có nhiều vấn đề về sức khỏe liên quan đến chỉ số BMI cao, chẳng hạn như bệnh tim, cao huyết áp, tiểu đường và bệnh mạch máu xuất hiện theo từng nhóm tuổi.

Viện Y tế Quốc gia Hoa Kỳ đề nghị rằng người cao tuổi nên duy trì BMI từ 25 đến 27 là tốt nhất.

     Chỉ số BMI

Nguy cơ thiếu cân

Một trong những nghiên cứu lớn nhất đặt ra để xác định mức độ ảnh hưởng của BMI đến sức khỏe của người cao tuổi đã được công bố vào năm 2014 trên Tạp chí Dinh dưỡng lâm sàng Hoa Kỳ. Trong đó, các nhà nghiên cứu đã thu thập dữ liệu BMI từ 32 nghiên cứu, bao gồm 197.940 người tham gia trưởng thành (tất cả đều trên 65 tuổi), những người được theo dõi ít nhất 5 năm.

Trái với suy nghĩ của nhiều người hiện nay, nghiên cứu đã chỉ ra rằng đối với người lớn trên 65 tuổi, thiếu cân làm tăng nguy cơ tử vong hơn thừa cân.

Đôi khi những người tham gia nghiên cứu thừa cân và béo phì có kết quả sức khỏe tốt hơn, tuy nhiên hiện chưa có đủ bằng chứng về lợi ích cũng như rủi ro khi thừa cân ở người lớn tuổi. Vì vậy tốt nhất nên ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng, vận động thể lực thường xuyên và duy trì cân nặng ở mức hợp lý.

Rủi ro và thách thức về sức khỏe

Mặc dù những nghiên cứu này cho thấy một góc nhìn khác về chỉ số BMI ở người lớn tuổi. Tuy nhiên một số bệnh mãn tính trở nên trầm trọng hơn do thừa cân bao gồm bệnh tim, huyết áp cao, tiểu đường, bệnh túi mật, viêm xương khớp, bệnh gút và rối loạn hô hấp như ngưng thở khi ngủ…

Nhiều tình trạng sức khỏe khác chẳng hạn như ung thư, bệnh đường tiêu hóa và bệnh thần kinh có thể gây ra các vấn đề khiến người cao tuổi không đủ dinh dưỡng dẫn đến chỉ số BMI thấp.

Thiếu cân làm tăng nguy cơ mắc các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng và giảm khả năng phục hồi sau khi bị bệnh. Những người thiếu cân sau đột quỵ thường có biến chứng nặng hơn so với các bệnh nhân khác.

Mục tiêu duy trì cân nặng

Đối với sức khỏe của bản thân nên trao đổi với bác sĩ để đặt mục tiêu phù hợp với mình. Chỉ số BMI lý tưởng không giống nhau đối với mọi người mà cần dựa vào tình trạng sức khỏe, thể chất. Nếu bị tiểu đường, việc giảm cân có thể được khuyến nghị hay tăng bổ sung dinh dưỡng nếu có tình trạng như thiếu máu.

Khi lớn tuổi, các vấn đề về sức khỏe, giảm mức độ hoạt động thể chất, thuốc men, thay đổi trong quá trình trao đổi chất của cơ thể có thể khiến việc điều chỉnh theo chỉ số BMI mục tiêu trở nên khó khăn hơn. Có thể cần sự giúp đỡ của chuyên gia dinh dưỡng để được hướng dẫn về mục tiêu cân nặng và nhu cầu cần bổ sung vitamin và khoáng chất.

Điều quan trọng không kém là phát hiện tình trạng tụt cân bất thường đồng thời thực hiện các bước để điều chỉnh trước khi tình trạng  trở nên trầm trọng.

Liên hệ tại Việt Nam

Thực ra chưa có một nghiên cứu nào chính thức về BMI và những mối quan hệ đến sức khỏe người cao tuổi được làm trên một quẩn thể rộng tại Việt Nam, tuy nhiên, những góc nhìn ban đầu này cũng khẳng định tầm quan trọng về chiến lược cần duy trì và theo đuổi cân nặng hợp lý không chỉ là câu chuyện của riêng người trẻ tuổi.

Xem thêm: Ho nhiều về đêm ở người lớn tuổi

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top