Như chúng ta biết, những bệnh lý đường hô hấp thường có thể gây ra triệu chứng ho vào ban ngày và cả ban đêm, tuy nhiên có những trường hợp người cao tuổi ban ngày không ho nhưng ban đêm lại ho rất nhiều. Nguyên nhân là do:
Thông thường, những người có tuổi sẽ có những bệnh lý ở cột sống nên thường được khuyên nằm ngủ với tư thế đầu thấp hoặc nằm không gối để tránh tổn thương lâu dài cho cột sống cổ. Hơn nữa, khi nằm thấp, cột sống cổ không bị gấp khúc sẽ tạo điều kiện cho việc bơm máu lên não được dễ dàng hơn. Tuy nhiên, với tư thế nằm đầu thấp hoặc nằm không gối lại làm cho dịch trong đường hô hấp kích thích và dễ dàng gây ho khi ngủ.
Đặc biệt, với những người lớn tuổi bị viêm xoang, ban ngày dịch chảy xuống hầu họng, chúng ta dễ dàng khạc nhổ ra ngoài, nhưng khi đêm về, nằm ngủ với tư thế nằm ngang thì dịch nó sẽ đọng lại ở hầu họng, tạo ra những kích thích và gây ho.
Nếu cơ thể tồn tại bệnh hen phế quản (hen suyễn) thì người bệnh rất dễ bị ho vào ban đêm. Nguyên nhân là do ban đêm, khi thời tiết chuyển lạnh, người bệnh hen dễ lên cơn khó thở và khi lên cơn khó thở như vậy sẽ kèm theo khò khè và sau đó là ho.
Những người bị viêm phổi, khi nằm ngủ đầu thấp thì các chất dịch tiết nó sẽ kích thích vào phế quản, tạo ra phản xạ ho.
Mặc dù hội chứng trào ngược dạ dày không phải là bệnh đường hô hấp nhưng nó cũng gây ra chứng ho đêm rất nhiều. Khi mà chúng ta nằm ngủ với tư thế đầu thấp, dịch từ dạ dày, các axit dịch vị có khuynh hướng trào ngược lên và nó là tác nhân kích thích và gây ho. Cơn ho này thường không có kèm theo đàm.
Những người hút thuốc lá kéo dài thường bị ho cả ngày lẫn đêm, nhưng ban đêm cơn ho sẽ xuất hiện nhiều hơn.
Như vậy, tình trạng ho đêm ở người lớn tuổi có thể do bệnh lý từ đường hô hấp trên hoặc bệnh tại phổi, phế quản hoặc do bệnh trào ngược dạ dày thực quản, hút thuốc lá lâu năm gây ra.
Theo khuyến cáo, nếu nhận thấy cơn ho đêm kéo dài quá 4 – 5 ngày thì người bệnh cần phải đi khám để được các bác sĩ chẩn đoán, tìm ra nguyên nhân và từ đó mới có cách khắc phục hiệu quả. Nếu loại bỏ các nguyên nhân hiệu quả và đẩy lùi được những bệnh lý đang có thì người bệnh sẽ không còn thấy ho nhiều vào ban đêm.
Tình trạng ho đêm không nên kéo dài vì nó không chỉ ảnh hưởng đến giấc ngủ mà còn làm tổn thương đến niêm mạc hầu họng, lâu dần sẽ dẫn đến viêm mãn tính đường hầu họng. Người bệnh có thể sử dụng một số loại thuốc ho thông thường để giảm ho, nếu không mắc bệnh tiểu đường thì có thể chọn các loại siro ho.
Bên cạnh đó cần chú ý một số điều sau đây:
Nếu không có bệnh lý của cột sống cổ thì hãy nằm ngủ ở tư thế cao đầu, hơi dốc một chút chứ đừng quá cao vì nằm đầu quá cao sẽ dẫn đến tình trạng gập cổ.
Giữ ấm cơ thể, ưu tiên uống nước ấm thay cho nước lạnh.
Nếu mắc các bệnh lý đường hô hấp thì nên tắm nước ấm. Nếu sức khỏe ổn định, bình thường thì nên tắm nước lạnh, bởi vì việc tắm nước lạnh sẽ giúp hệ tĩnh mạch có cơ hội tăng các hoạt động, đồng thời hoạt động của hệ miễn dịch cũng được tốt hơn.
Có thể sử dụng một số thực phẩm giúp giảm ho như tần dày lá, kinh giới, tía tô,…đây là những loại thực phẩm có tinh dầu và có tính kháng sinh, nó sẽ giúp giảm các kích thích của vùng hầu họng. Người bệnh có thể dùng cành và lá của các loại thực phẩm này để nấu nước uống trong ngày. Ban đêm có thể uống thêm nước gừng ấm để ngăn ngừa cơn ho xảy ra.
Nếu bệnh vẫn kéo dài, không thuyên giảm thì người bệnh có thể sử dụng một số thuốc ho theo hướng dẫn của người thầy thuốc.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Bệnh viện Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh