✴️ Rối loạn giấc ngủ: Những hệ lụy và giải pháp

Nội dung

Rối loạn giấc ngủ là một căn bệnh phổ biến, thường gặp nhất ở người già và trẻ em. Nữ giới thường dễ mắc hơn nam giới. Có 50% trẻ nhỏ gặp phải những cơn ác mộng trong giấc ngủ. 50-85% người trưởng thành cũng dễ gặp phải ác mộng…Tình trạng này kéo dài sẽ dẫn đến mất ngủ kéo dài, cơ thể suy nhược và các bệnh lý khác.

Rối loạn giấc ngủ ảnh hưởng tiêu cực tới chất lượng cuộc sống

 

1. Rối loạn giấc ngủ là gì?

Tình trạng giấc ngủ bị rối loạn gọi theo tên khoa học là Sleep Disorders, là một căn bệnh phổ biến hiện nay. Bệnh làm giảm chất lượng giấc ngủ, ngủ không sâu giấc, ngủ chập chờn, mất ngủ. Nhiều người còn dễ gặp phải ác mộng khiến họ cảm thấy sợ phải đi ngủ hoặc thường xuyên giật mình thức dậy nhiều lần trong đêm.

Bệnh sẽ trở nên nghiêm trọng hơn khi nó sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới cuộc sống hàng ngày. Tình trạng mất ngủ kéo dài sẽ khiến người bệnh thấy mệt mỏi, căng thẳng, lo âu. Cơ thể uể oải, không tập trung nổi vào công việc.

Vì thế nếu không điều trị kịp thời, bệnh rối loạn giấc ngủ sẽ dẫn đến các bệnh lý rối loạn tâm thần khác.

 

2. Những nguyên nhân gây rối loạn giấc ngủ

Một vài nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng rối loạn về giấc ngủ bao gồm:

– Stress: căng thẳng do áp lực của học tập, công việc và đặc biệt là những thay đổi đột ngột trong cuộc sống khiến bản thân chưa đáp ứng kịp thời.

– Chấn thương: sau các cuộc va chạm, tai nạn, bệnh nhân thường hoảng hốt hoặc hay gặp ác mộng trong những giấc ngủ

– Thiếu ngủ: nếu ngủ không đủ giấc kéo dài, bạn cũng sẽ dễ dàng bị rối loạn giấc ngủ do giờ giấc sinh học bị thay đổi.

– Đọc sách hoặc xem phim kinh dị: những tình tiết của phim ảnh dễ khiến chúng ta bị ám ảnh và dễ gặp phải ác mộng

– Sử dụng thuốc: một số thuốc như thuốc trầm cảm, thuốc huyết áp, thuốc lợi tiểu,…

– Lệch múi giờ

– Một số rối loạn khác: rối loạn tính cách, rối loạn tâm lý….

– Các bệnh lý kèm theo: viêm dạ dày, tiểu đường, viêm khớp,…thường gây ra những triệu chứng khó chịu, dai dẳng vào ban đêm khiến bệnh nhân trằn trọc khó ngủ, nhưng chủ yếu nguyên nhân này chỉ xuất hiện với người già.

Ngoài ra còn một số yếu tố khách quan khác như: ánh sáng, môi trường, nhiệt độ, thời tiết….

Đặc biệt những yếu tố trên sẽ một phần nào đó tấn công vào các mạch máu. Thúc đẩy hình thành các cục máu đông và những mảng xơ vữa. Thậm chí có thể làm cản trở quá trình vận chuyển oxy lên não, gây ra những rối loạn của cơ thể trong đó có rối loạn về giấc ngủ.

 

3. Các loại rối loạn giấc ngủ phổ biến nhất

Dưới đây là một số loại rối loạn thường gặp nhất:

3.1. Mất ngủ

– Mất ngủ thoáng qua: stress do mất việc, nhà có người mất, suy nghĩ nhiều, thay đổi giờ giấc làm việc, sinh hoạt, thay đổi múi giờ sinh hoạt từ đất nước này tới đất nước khác…. Tuy nhiên, đó không phải là tất cả yếu tố gây ra rối loạn về giấc ngủ, nhiều khi chúng ta mất ngủ không vì nguyên nhân nào rõ ràng.

– Mất ngủ mạn tính: khó ngủ, khó đi vào giấc ngủ, ngủ chập chờn không sâu giấc. Tình trạng này kéo dài nhưng cũng sẽ có nhiều bệnh nhân mất ngủ xen lẫn với những đêm vẫn ngủ bình thường.

3.2. Rối loạn giấc ngủ do hội chứng ngưng thở khi ngủ

Hội chứng ngưng thở khi ngủ là một hội chứng điển hình của bệnh rối loạn về giấc ngủ

 

– Đây là một loại rối loạn rất phổ biến hiện nay. Khi chìm vào giấc ngủ, đường thở có thể sẽ bị hẹp lại gây tắc nghẽn. Người bệnh sẽ đi vào tình trạng ngừng thở.

– Người gặp phải tình trạng này sẽ ngáy to hơn. Khi thức dậy có thể não và cơ thể sẽ bị thiếu oxy do đã có lúc ngưng thở vào ban đêm. Ngưng thở khi ngủ có thể xảy ra một đến hai lần trong một đêm, nhưng cũng có thể xảy ra rất nhiều lần khi tình trạng trở nên nghiêm trọng.

Một vài dấu hiệu có thể gặp phải khi mắc hội chứng ngưng thở khi ngủ:

– Giật mình dậy nhiều lần trong đêm, khô rát hoặc đau ở vùng họng.

– Đôi khi có cảm giác nghẹt thở, khó thở

– Khi tỉnh dậy cơ thể mệt mỏi, có khi đau đầu, không có năng lượng làm việc.

– Ngáy to

3.3. Rối loạn giấc ngủ do hội chứng chân không yên

Bệnh nhân phải cử động chân liên tục trong đêm. Có thể cảm giác như kiến bò trong chân, đau nhức hoặc đau rát vùng bắp chân. Đôi khi có nhiều người khó chịu ở những bộ phận khác của cơ thể.

3.4. Ngủ rũ

Bạn không kiểm soát được giấc ngủ của mình, không biết khi nào mình sẽ ngủ. Có thể ngủ bất cứ khi nào, bất kì nơi đâu.

3.5. Rối loạn hành vi giấc ngủ (REM)

Là một loại rối loạn mà trong đó, người bệnh sẽ có những giấc mơ kèm những hành động và lời nói, cử chỉ dữ dội khi đang ngủ. Tình trạng này kéo dài từ từ và tiến triển nặng dần theo thời gian. Lâu dần sẽ tiến triển thành những bệnh lý về thần kinh.

 

4. Các triệu chứng thường gặp của bệnh rối loạn về giấc ngủ

Ở mỗi bệnh nhân lại có những triệu chứng phát hiện bệnh khác nhau. Tuy nhiên dưới đây là một số triệu chứng mà người bệnh dễ mắc phải:

– Mất ngủ

– Ngủ nhiều

– Cận giấc ngủ

– Rối loạn thời gian ngủ

– Cơ thể mệt mỏi sau khi tỉnh dậy, hay cáu gắt trong công việc và học tập.

 

5. Hệ lụy của bệnh rối loạn về giấc ngủ

– Tinh thần giảm sút, kém minh mẫn, sa sút trong công việc và giảm chất lượng trong việc học tập.

– Nếu tình trạng này kéo dài dễ gây ra các bệnh về tâm thần: bệnh trầm cảm, bệnh rối loạn lo âu, bị ảo giác…

– Không chỉ thế, chúng còn gây tổn thương tế bào thần kinh và làm thoái hóa não. Khiến bệnh nhân suy giảm trí nhớ, chậm nhớ nhanh quên.

 

6. Vượt qua căn bệnh rối loạn giấc ngủ bằng cách nào?

Có thể sử dụng một số loại thuốc theo chỉ định của bác sĩ để điều trị căn bệnh này

 

– Đi khám tại bệnh viện để được chẩn đoán kịp thời. Bác sĩ sẽ đưa ra phác đồ điều trị phù hợp. Có thể điều trị bằng nội khoa (dùng thuốc) và/hoặc bằng các phương pháp vật lý trị liệu.

– Cải thiện giấc ngủ: thay đổi thói quen, điều chỉnh lối sống phù hợp để có chất lượng giấc ngủ tốt.

– Hỗ trợ đảm bảo chất lượng giấc ngủ: thức dậy đúng giờ, không sử dụng chất kích thích, tập những bài thể dục nhẹ để thư giãn tâm lý.

 

7. Phòng chống bệnh rối loạn về giấc ngủ

Một số biện pháp giúp phòng tránh căn bệnh này bao gồm:

– Có chế độ ăn uống hợp lý, bổ sung các thực phẩm giàu sắt và vitamin, khoáng chất trong các bữa ăn

– Vệ sinh nơi ngủ để có một không gian trong lành, thoải mái để có giấc ngủ tốt hơn.

– Tạo cho bản thân thói quen đi ngủ đúng giờ, hạn chế đi ngủ và sinh hoạt giờ giấc không kiểm soát, sai lệch múi giờ.

– Nếu sử dụng đèn ngủ thì nên chọn những đèn có ánh sáng thích hợp,  không ảnh hưởng đến giấc ngủ.

– Tránh dùng các chất kích thích như cafein, rượu, chè,… và  tránh những căng thẳng stress đột ngột.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top