Hiện nay, nguyên nhân gây ung thư đường tiêu hóa vẫn chưa được kết luận cụ thể. Tuy nhiên có một vài yếu tố được cho là làm gia tăng nguy cơ mắc bệnh. Mời độc giả cùng tham khảo bài viết dưới đây để hiểu rõ hơn về căn bệnh nguy hiểm này, đồng thời có biện pháp phòng ngừa hiệu quả.
1. Nguyên nhân ung thư đường tiêu hóa
Ung thư đường tiêu hóa chiếm tỷ lệ lớn nhất trong số các loại bệnh ung thư. Đây là bệnh lý ung thư nguy hiểm bởi các triệu chứng không rõ ràng, dễ nhầm lẫn với các bệnh lý thông thường, dẫn tới không phát hiện và điều trị kịp thời.
Theo các chuyên gia y tế, các loại bệnh ung thư đường tiêu hóa thường gặp nhất là ung thư thực quản, ung thư dạ dày, ung thư đại trực tràng và ung thư hậu môn.
Hiện nay, nguyên nhân chính xác gây ung thư đường tiêu hóa vẫn chưa được kết luận cụ thể. Tuy nhiên nhiều nghiên cứu chỉ ra một vài yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh:
Tuổi tác
Các bệnh ung thư đường tiêu hóa thường gặp ở những người trên 50 tuổi. Tuy nhiên bệnh đang có xu hướng gia tăng và ngày càng trẻ hóa.
Chế độ ăn uống
Chế độ ăn nhiều thịt động vật, mỡ, ít rau xanh, không đủ chất xơ cho cơ thể sẽ làm tăng nguy cơ mắc ung thư đường tiêu hóa như ung thư đại trực tràng.
Những người có thói quen ăn những thực phẩm cay nóng, chế b iến sẵn, thực phẩm lên men… làm tăng nguy cơ ung thư thực quản, ung thư dạ dày…
Thói quen uống nhiều rượu và thuốc lá sẽ làm tăng nguy cơ mắc tất cả các bệnh ung thư đường tiêu hóa.
Có tiền sử gia đình mắc bệnh
Ung thư đường tiêu hóa có liên quan tới gen di truyền. Theo đó những người có người thân trong gia đình mắc bệnh sẽ làm tăng nguy cơ bị ung thư.
Tiền sử mắc bệnh ở đường tiêu hóa
Những người có tiền sử mắc bệnh ở đường tiêu hóa, không được điều trị kịp thời và triệt để, đúng phương pháp, bệnh sẽ tiến triển thành mạn tính, lâu ngày hình thành khối u. Đặc biệt, những người có polyp ở đường tiêu hóa, không điều trị sớm có nguy cơ chuyển biến thành ung thư.
2. Biện pháp phòng ngừa ung thư đường tiêu hóa
Để có cách phòng tránh nguy cơ mắc ung thư đường tiêu hóa, chúng ta cần căn cứ vào các nguyên nhân gây bệnh. Cụ thể:
Hạn chế dùng các thực phẩm có chứa aflatoxin, nitrosamine (trong thực phẩm ướp muối, lên men, hun khói), nấm mốc và các chất độc hại khác. Không sử dụng những thực phẩm đã hết hạn sử dụng.
Nên dùng rau quả, thực phẩm có nhiều chất xơ, selen, vitamin A, C có khả năng phòng chống ung thư tiêu hóa như: trà xanh, súp lơ xanh, ngũ cốc, các loại rau xanh, cà tím…
Hạn chế hút thuốc lá và hít phải khói thuốc lá thụ động; kiêng bia rượu.
Đi khám và điều trị ngay khi có bệnh lý ở đường tiêu hóa
Thường xuyên kiểm tra sức khỏe và tầm soát ung thư định kỳ để phát hiện và điều trị sớm các bệnh lý về tiêu hóa, phát hiện sớm ung thư.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh