✴️ 20 nguyên nhân gây tê ở tay (P2)

Xem lại: 20 nguyên nhân gây tê tay (phần 1)

Tự miễn

Các tình trạng tự miễn sau đây có thể gây tê ở tay.

13. Hội chứng Guillain-Barré

Hội chứng Guillain-Barre, hay còn gọi là bệnh viêm đa rễ dây thần kinh mất myelin cấp hoặc chứng liệt Landry, là một tình trạng hiếm gặp.

Đây là chứng rối loạn do hệ miễn dịch tấn công các dây thần kinh bên ngoài não và tủy sống. Tình trạng này sẽ làm cho dây thần kinh bị viêm dẫn đến liệt hoặc yếu cơ nếu không được chữa trị kịp thời.

Triệu chứng

Các triệu chứng khác có thể bao gồm:

  • Tay chân mất phản xạ, ngứa ran hoặc tê;
  • Vấn đề về thị giác;
  • Khó nuốt;
  • Đau dữ dội vào ban đêm;
  • Tê liệt cơ bắp.

Điều trị

Mặc dù hiện tại không có cách điều trị hội chứng Guillain-Barré, Bác sĩ có thể điều trị tình trạng này bằng liệu pháp miễn dịch hoặc tách huyết tương. Những phương pháp điều trị này có thể làm giảm phản ứng của hệ thống miễn dịch của cơ thể.

14. Bệnh đa xơ cứng

Bệnh đa xơ cứng là bệnh tự miễn có ảnh hưởng đến các tế bào thần kinh ở não bộ và tủy sống. Bệnh thường gây viêm, nếu lặp đi lặp lại nhiều lần sẽ phá hủy màng bọc myelin của dây thần kinh làm chậm hoặc tắc đường truyền xung điện thần kinh, cuối cùng có thể phá hủy các dây thần kinh của hệ thần kinh trung ương.     

bệnh đa xơ cứng

 

Triệu chứng

Các triệu chứng có thể bao gồm:

  • Tê và yếu ở tay chân;
  • Cảm giác như điện giật;
  • Run;
  • Dáng đi không vững;
  • Tầm nhìn bị ảnh hưởng;
  • Khó khăn về nhận thức.

Điều trị

Điều trị bao gồm dùng thuốc ức chế miễn dịch như corticosteroid và các liệu pháp điều chỉnh bệnh khác. Sau đó, các bác sĩ cũng có thể khuyến nghị tiến hành phương pháp tách huyết tương để giảm đáp ứng của hệ miễn dịch.

15. Hội chứng Sjogren

Hội chứng Sjogren là một tình trạng tự miễn dịch chủ yếu tấn công các tuyến sản xuất nước mắt và nước bọt.

Một số người cũng có thể gặp tổn thương mô hoặc cơ quan ở các khu vực khác của cơ thể như da, khớp, phổi, gan, thận...

Triệu chứng

Các triệu chứng khác có thể bao gồm:

  • Khô mắt, miệng;
  • Ngứa da;
  • Ho mãn tính;
  • Tê và ngứa ran ở tay và chân;
  • Mệt mỏi nặng.

Điều trị

Điều trị phụ thuộc vào các triệu chứng và khu vực của cơ thể ảnh hưởng.

Ví dụ, bác sĩ có thể kê toa thuốc nhỏ mắt, thuốc để tăng nước bọt, thuốc chống viêm không steroid hoặc thuốc để ức chế hệ thống miễn dịch.

Các tình trạng khác

Các tình trạng sau đây cũng có thể gây tê ở tay.

16. Bệnh tiểu đường

Tiểu đường là tình trạng lượng đường trong máu tăng cao do rối loạn chức năng của cơ thể trong việc sản xuất đủ lượng insulin hoặc insulin không đáp ứng chính xác vai trò kiểm soát lượng đường trong máu. Các loại bệnh tiểu đường được biết đến nhiều nhất bao gồm:

Loại 1: Xảy ra khi cơ thể không sản xuất insulin.

Loại 2: Xảy ra khi cơ thể không đáp ứng đúng với insulin và cuối cùng không sản xuất đủ lượng insulin cần thiết.

Bệnh tiểu đường thai kỳ: Xảy ra trong thai kỳ và thường sẽ biến mất sau khi kết thúc thai kỳ.

Triệu chứng

Các triệu chứng có thể bao gồm:

  • Ngứa ran, tê ở bàn chân và bàn tay, tăng dần mức độ theo thời gian;
  • Nhạy cảm với sự va chạm hoặc nhiệt độ;
  • Đau hoặc có cảm giác kim châm ở tay và chân.

Điều trị tiểu đường

Thực hiện một số thay đổi lối sống, chẳng hạn như thực hiện chế độ ăn uống lành mạnh và tập thể dục thường xuyên có thể giúp duy trì lượng đường trong máu ổn định.

Những người mắc bệnh tiểu đường loại 1 có thể phải tiêm insulin định kỳ. Bệnh tiểu đường loại 2 và tiểu đường thai kỳ có thể được kiểm soát thông qua chế độ ăn uống hoặc bằng cách điều trị bằng thuốc không chứa insulin.

17. Thiếu vitamin B12

Một nghiên cứu đã cho thấy 90,4% trong số 110 người bị thiếu vitamin B-12 có các triệu chứng như tê và mất cảm giác ở tay.

      thiếu vitamin B12 là một trong các nguyên nhân gây tê tay

Triệu chứng

Các triệu chứng ở người thiếu vitamin B12 có thể bao gồm:

  • Tê và ngứa ran ở tay, chân và bàn chân;
  • Đi lại khó khăn;
  • Viêm và sưng lưỡi;
  • Khó suy nghĩ tập trung;
  • Yếu cơ, mệt mỏi.

Điều trị

Bác sĩ có thể kê đơn bổ sung vitamin B-12 ở dạng thuốc viên hoặc  dạng thuốc tiêm.

18. Bệnh thoái hóa tinh bột (Amyloidosis)

Bệnh amyloidosis là một bệnh hiếm gặp xảy ra do tình trạng tích tụ amyloid trong các cơ quan. Đây là một protein bất thường, được tổng hợp trong tủy xương và có thể lắng đọng trong bất kì mô hoặc cơ quan nào.

Bệnh amyloidosis có nhiều nhóm bệnh amyloidosis khác nhau và có thể ảnh hưởng tới nhiều cơ quan khác nhau như tim, thận, lách, hệ thần kinh và ống tiêu hóa. Bệnh nặng có thể dẫn tới tình trạng suy tạng và ảnh hưởng tới tính mạng.

Triệu chứng

Các triệu chứng có thể bao gồm:

  • Mệt mỏi và uể oải;
  • Sưng phù mắt cá chân và chân;
  • Khó thở;
  • Tiêu chảy, tụt cân không chủ ý;
  • Ngứa ran và đau ở tay và chân.

Điều trị

Hiện tại không có cách chữa trị bệnh amyloidosis, nhưng điều trị có thể giúp giảm bớt một số triệu chứng và giới hạn sự tổng hợp của protein amyloid.

Điều trị có thể phụ thuộc vào loại amyloidosis mắc phải. Ví dụ, bác sĩ có thể khuyên dùng thuốc hóa trị, thuốc ức chế miễn dịch hoặc cấy ghép tế bào gốc.

19. Bệnh Lyme

Vết cắn từ bọ mang vi khuẩn Borrelia burgdorferi có thể gây ra bệnh Lyme. Đây là một bệnh lý ảnh hưởng đến hệ thống thần kinh.

Triệu chứng

Các triệu chứng của bệnh Lyme có thể gần giống với bệnh cúm, chẳng hạn như sốt, ớn lạnh, mệt mỏi và đau khớp. Nếu không được điều trị có thể dẫn đến:

  • Sưng khớp;
  • Nhịp tim không đều;
  • Đau thần kinh;
  • Khó thở;
  • Đau hoặc tê ở tay và chân.

Điều trị

Điều trị phụ thuộc vào giai đoạn bệnh Lyme đã tiến diễn. Bác sĩ có thể điều trị bệnh Lyme giai đoạn đầu bằng liệu pháp kháng sinh. Bệnh Lyme giai đoạn sau có thể cần dùng kháng sinh và phương pháp điều trị hỗ trợ khác.

20. Tác dụng phụ của thuốc

Uống một số loại thuốc chẳng hạn như thuốc hóa trị có thể gây ngứa ran và tê ở tay.

Điều trị

Các triệu chứng sẽ mất đi khi ngừng dùng thuốc. Tuy nhiên, ở một số trường hợp, cảm giác ngứa ran và tê có thể kéo dài vĩnh viễn.

Khi nào đi khám bác sĩ

Nếu nghi ngờ rằng bản thân hay người bên cạnh đang bị đau tim hoặc đột quỵ thì nên liên hệ các trung tâm y tế gần nhất.

Các triệu chứng khác cần chú ý bao gồm:

  • Mất cảm giác kéo dài, đột ngột hoặc tăng dần theo thời gian;
  • Biến dạng vật lý rõ ràng ở bàn tay hoặc cánh tay;
  • Các cơn đau trở nên trầm trọng hơn thay vì giảm đi;
  • Cảm giác yếu chi tăng dần.

Nếu lo lắng về các triệu chứng liên quan đến cảm giác bất thường ở cánh tay hoặc bàn tay, nên đi khám bác sĩ để được tư vấn thêm.

Tóm lược

Tê ở tay có thể là triệu chứng của một tình trạng bệnh lý mãn tính hoặc chấn thương cấp tính.

Nên nói chuyện với bác sĩ nếu cảm giác tê trở nên trầm trọng hơn hoặc các triệu chứng ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống hàng ngày.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top