✴️ Tổng quan về đái tháo đường loại 2

Nội dung

Nguyên nhân gây ra bệnh đái tháo đường loại 2?

Bệnh đái tháo đường loại 2 phổ biến nhất là những người mắc bệnh di truyền và thừa cân, có lối sống ít vận động, huyết áp cao, và tình trạng kháng insulin do thừa cân. Những người thuộc một số chửng tộc nhất định cũng có nhiều khả năng mắc bệnh đái tháo đường.

Mặc dù cơ thể bạn đã sản xuất hóc-môn insulin, nhưng không đủ để  kiểm soát lượng glucose trong cơ thể, hoặc insulin được sản xuất không sử dụng được, cả hai đều dẫn đến kết quả lượng đường trong máu cao. Khi lớn tuổi, bạn cũng có nguy cơ mắc bệnh đái đường. Một chế độ ăn uống không lành mạnh và hút thuốc cũng có thể làm tăng nguy cơ.

Các biến chứng của bệnh đái tháo đường loại 2 là gì?

Có nhiều biến chứng của bệnh đái tháo đường. Biết và hiểu các dấu hiệu của các biến chứng này là quan trọng. Nếu được phát hiện sớm, một số biến chứng có thể được điều trị và ngăn ngừa bệnh nặng hơn. Cách tốt nhất để ngăn ngừa các biến chứng của bệnh đái tháo đường là giữ cho đường trong máu của bạn được kiểm soát tốt. Nồng độ đường cao tạo ra những thay đổi trong chính các mạch máu, cũng như trong các tế bào máu (chủ yếu là hồng cầu) làm suy yếu lưu lượng máu đến các cơ quan khác nhau.

Biến chứng của bệnh đái tháo đường được chia thành hai loại: tổn thương các mạch máu nhỏ (vi mạch) và mạch máu lớn. Chúng có thể bao gồm:

  • Bệnh thận.
  • Tổn thương thần kinh ngoại biên (bệnh thần kinh), thường gặp nhất ở bàn chân và bàn tay, nhưng cũng có thể gây ra rối loạn cương dương.
  • Bệnh về mắt (bệnh lý võng mạc)
  • Bệnh động mạch ngoại biên (một bệnh ảnh hưởng đến các mạch máu ở chi dưới và trên)
  • Huyết áp cao và bệnh tim

Triệu chứng của đái tháo thường loại 2

Thông thường chúng ta không gặp phải các triệu chứng của bệnh đái tháo đường cho đến khi lượng đường trong máu rất cao. Các triệu chứng của bệnh đái tháo đường bao gồm: khát nước, đi đái nhiều, đói nhiều, mệt mỏi cực độ, tê và châm chích ở tứ chi (tay và chân), vết cắt và vết thương chậm lành, và mờ mắt. Một số người cũng gặp các triệu chứng ít phổ biến khác bao gồm sụt cân, khô da, nhiễm trùng do nấm, rối loạn cương dương...

Nếu bạn gặp bất kỳ triệu chứng nào trong số này, đừng bỏ qua chúng. Bệnh đái tháo đường càng sớm được phát hiện, bạn càng có khả năng ngăn ngừa các biến chứng.

Chẩn đoán bệnh đái tháo đường loại 2 như thế nào?

Chẩn đoán bệnh đái tháo đường có thể được thực hiện bằng nhiều xét nghiệm máu. Bác sĩ cũng có thể kiểm tra xem bạn có bị đái tháo đường không nếu bạn có các yếu tố nguy cơ: trên 45 tuổi, có tiền sử gia đình mắc bệnh, thừa cân... Các xét nghiệm được sử dụng để kiểm tra bệnh đái tháo đường là các xét nghiệm tương tự được sử dụng để kiểm tra tiền đái tháo đường.

  • Xét nghiệm đường huyết lúc đói
  • Xét nghiệm dung nạp đường
  • HbA1c
  • Xét nghiệm đường huyết bất kỳ

Nếu bạn không có triệu chứng mà bất kỳ xét nghiệm nào trong số này dương tính, Hiệp hội Đái tháo đường Hoa Kỳ khuyến cáo nên lấy mẫu máu mới để xác định chẩn đoán.

xet-nghiem-duong-huyet

Làm thế nào để tránh bệnh đái tháo đường loại 2

Ăn uống hợp lý, chú ý khống chế lượng đường, cân bằng dinh dưỡng là khuyến cáo thường gặp. Điều chỉnh khẩu phần ăn theo lời khuyên của chuyên gia cũng là một cách mà bạn sẽ dần thích nghi trong một thời gian dài.

Tập thể dục thường xuyên, khoảng 30 phút mỗi ngày hoặc 150 phút mỗi tuần, cũng có thể giúp giảm cân và kiểm soát huyết áp của bạn. Cuối cùng, nếu bạn hút thuốc, hãy cố gắng trong việc bỏ thuốc lá. Hút thuốc có thể làm tăng nguy cơ đột quỵ, huyết áp, đau tim và bỏ thuốc lá có thể làm giảm nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường.

Lời kết

Bệnh đái tháo đường là một tình trạng mãn tính nhưng nó có thể kiểm soát được. Bạn có thể sống một cuộc sống lâu dài, khỏe mạnh với bệnh đái tháo đường nếu bạn xây dựng và duy trì được một lối sống lành mạnh. Bằng cách chọn ăn một chế độ ăn uống lành mạnh, tập thể dục thường xuyên và bỏ hút thuốc, đồng thời với việc khám bác sĩ thường xuyên, bạn sẽ cảm thấy tốt hơn và thậm chí có thể kiểm soát được bệnh tật của chính mình.

Học cách sống chung với bệnh: Đôi khi bạn có thể làm mọi thứ một cách hoàn hảo và lượng đường trong máu của bạn vẫn tăng dần. Bởi vì bệnh đái tháo đường là một bệnh tiến triển, cơ thể bạn từ từ ngừng sản xuất insulin theo thời gian. Nếu bạn bị đái tháo đường trong một thời gian rất dài, hãy cố gắng đừng nản lòng nếu bác sĩ của bạn phải tăng thuốc hoặc thay đổi liều điều trị. Tiếp tục làm những gì bạn có thể để cải thiện sức khỏe của bạn.

Xem thêm: Đái tháo đường & Insulin 

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top