✴️ Hàng loạt biến chứng đáng lo từ bệnh đái tháo đường

Nội dung

Bệnh đái tháo đường hay còn gọi là tiểu đường đã cướp đi sinh mạng của hơn 30.000 người mỗi năm. Ước tính cứ mỗi 6 đến 7 giây trên thế giới lại có 1 người tử vong vì bệnh tiểu đường. Biến chứng từ bệnh rất nặng nề, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và chất lượng cuộc sống của người bệnh. Hiện nay, độ tuổi bệnh nhân đái tháo đường ngày càng trẻ hóa và tiếp tục gia tăng. Nhân ngày Đái tháo đường thế giới 14/11, việc cảnh báo và phát hiện sớm dấu hiệu bệnh là vô cùng cần thiết.

 

1. Nhiều biến chứng khủng khiếp từ bệnh đái tháo đường

1.1 Biến chứng cấp tính: hôn mê, tử vong do bệnh đái tháo đường

Người bệnh có khả năng đối mặt với nguy cơ tử vong hoặc hôn mê nếu như không được cấp cứu kịp thời.

– Khi lượng đường huyết tăng cao đột ngột, não bộ dễ bị tổn thương, người bệnh tiểu đường dễ hôn mê do nhiễm ceton axit hoặc do tăng áp lực thẩm thấu máu nặng, nếu không xử trí kịp thời có thể dẫn đến tử vong.

– Khi lượng đường huyết hạ thấp đột ngột, bệnh nhân dễ rơi vào trạng thái hôn mê. Việc người bệnh uống thuốc quá liều, nhịn ăn khi dùng thuốc, tập luyện quá sức cũng có thể dẫn đến hôn mê và tử vong.

Bệnh tiểu đường có thể gây hôn mê, tử vong nếu người bệnh không được cấp cứu kịp thời

 

1.2 Biến chứng mạn tính của bệnh đái tháo đường

Tác hại về tim mạch

Rối loạn mỡ máu, xơ vữa động mạch, cục máu đông (huyết khối) là những biến chứng về tim mạch do bệnh đái tháo đường gây ra. Nếu không được kiểm soát tốt, người bệnh tiểu đường có nguy cơ bị nhồi máu cơ tim, đột quỵ (cao gấp 2-4 lần so với người bình thường).

Theo thống kê, có đến 70% người bị bệnh tiểu đường tử vong do biến chứng tim mạch. Đây cũng là biến chứng thường gặp nhất của bệnh nhân tiểu đường.

 

Người bệnh tiểu đường dễ bị các biến chứng về tim mạch như: xơ vữa động mạch, tắc nghẽn động mạch, suy tim, nhồi máu cơ tim,…

Tác hại về hệ thần kinh

Đây là biến chứng xuất hiện sớm nhất với biểu hiện tổn thương hệ thần kinh ngoại biên, hệ thần kinh thực vật và hệ thần kinh trung ương.

– Tổn thương thần kinh ngoại biên: người bệnh có cảm giác tê bì hoặc như kim châm ở bàn chân, yếu cơ, vết loét bàn chân lâu lành. Nếu không điều trị có thể phải cắt cụt chi, thậm chí tử vong.

– Tổn thương thần kinh thực vật: rối loạn nhịp tim, da khô, tiêu chảy, táo bón, đại tiện không kiểm soát, khô âm đạo (ở nữ giới), rối loạn cương dương (ở nam giới),..

– Tổn thương hệ thần kinh trung ương: suy giảm trí nhớ, tổn thương các tế bào não, bệnh Alzheimer.

Suy thận

Gần một nửa số bệnh nhân bị tiểu đường đối mặt với biến chứng suy thận, phải chạy thận thân tạo hoặc ghép thận. Suy thân giai đoạn cuối, có thể nguy hiểm đến tính mạng người bệnh.

Sở dĩ điều này là do đường huyết tăng cao trong một thời gian dài, sinh ra nhiều chất oxy hóa làm cho các mao mạch ở cầu thận bị tổn thương, khiến thận phải hoạt động vượt quá công suất. Lâu ngày, các lỗ lọc thận trở nên to hơn, khiến các protein (đạm) lọt ra ngoài gây ảnh hưởng đến chức năng thận. Nếu không được xử trí kịp thời, thận dần xơ hóa và mất hoàn toàn chức năng, để duy trì sự sống người bệnh phải chạy thận nhân tạo thường xuyện hoặc ghép thận.

Bàn chân tiểu đường

Đái tháo đường làm tăng lượng cholesterol lắng đọng tại thành mạch, lâu ngày gây mảng xơ vữa, khiến mạch máu kém đàn hồi, dễ bị viêm và chít hẹp lòng mạch, máu không được cung cấp đến não bộ, tim mạch hay bàn chân bị khiến vết loét bàn chân lâu lành, nguy cơ nhiễm khuẩn cao và phải cắt cụt chi dưới.

 

Bệnh tiểu đường gây các vết loét ở bàn chân lâu lành, hoại tử bàn chân và có nguy cơ bị cắt cụt chi cao gấp 25 lần người bình thường.

Biến chứng về mắt

Đục thủy tinh thể, bệnh lý võng mạc, tăng nhãn áp, có thể dẫn đến mù lòa là các biến chứng về mắt do bệnh tiểu đường gây ra. Đặc biệt, tăng nhãn áp cấp tính ở bệnh nhân tiểu đường nếu không được điều trị kịp thời trong vòng 72 giờ, người bệnh có thể bị mũ vĩnh viễn.

Nhiễm trùng

Người bệnh tiểu đường rất dễ bị nhiễm trùng do hệ miễn dịch suy yếu. Một số nhiễm trùng thường hay gặp ở bệnh nhân tiểu đường như: viêm răng miệng, viêm lợi, nhiễm trùng da gây mụn nhọt, nấm, nhiễm trùng đường tiết niệu, sinh dục,….

 

2. Gần 70% người bệnh đái tháo đường không biết mình mắc bệnh

Theo thống kê tại Việt Nam, gần 70% người bệnh tiểu đường không biết mình mắc bệnh. Lý do là bệnh tiến triển rất âm thầm và thường chỉ được phát hiện qua thăm khám sức khỏe định kỳ hoặc khi làm xét nghiệm kiểm tra, điều trị bệnh. Vì vậy, gần 50% bệnh nhân tiểu đường type 2 đến bệnh viện khi đã có các biến chứng nặng nề do không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời.

Tiểu đường trở thành một trong những căn bệnh gây tử vong hàng đầu hiện nay. Ước tính trung bình trên thế giới, cứ 11 người trưởng thành sẽ có 1 người mắc bệnh tiểu đường. Mỗi 6-7 giây có 1 người chết vì bệnh tiểu đường. Con số này tiếp tục gia tăng, dự tính đến năm 2040 cứ 10 người lớn sẽ có 1 người mắc bệnh tiểu đường.

Đây là bệnh lý ngày càng có xu hướng gia tăng và trẻ hóa. Chi phí y tế để điều trị bệnh tiểu đường tạo một “gánh nặng” lớn cho nền kinh tế toàn cầu nói chung và gia đình bệnh nhân nói riêng.

Xét nghiệm chỉ số HbA1 áp dụng để phát hiện bệnh nhân có bị tiểu đường không, có thể đo ở bất cứ thời điểm nào mà không phụ thuộc vào tình trạng no hay đói (người hoàn toàn khỏe mạnh thì chỉ số HbA1c thường dao động trong khoảng 5,4 – 6,2%).

 

3. Hưởng ứng ngày Đái tháo đường thế giới 14/11: Nhận biết và kiểm soát bệnh

Bệnh tiểu đường gây ra rất nhiều biến chứng nguy hiểm, nhưng chúng ta hoàn toàn có thể ngăn chặn các biến chứng nguy hiểm này nếu biết kiểm soát tốt lượng đường trong máu bằng cách: tuân thủ điều trị, kết hợp điều chỉnh chế độ ăn, uống và tập luyện.

Hàng năm, IDF và WHO lấy ngày 14/11 là ngày Đái tháo đường thế giới ( 14/11 là ngày sinh của Frederick Banting, người đã cùng Charles Best tìm ra insulin – một phương pháp điều trị cứu sống bệnh nhân đái tháo đường).

Ngày Đái tháo đường thế giới 14/11 nhằm mục đích nâng cao ý thức cho người dân toàn cầu về căn bệnh đái tháo đường, các biến chứng nguy hiểm mà đái tháo đường gây ra, cách phòng tránh cũng như cách điều trị căn bệnh này.

Nếu bạn đang có các dấu hiệu sau, nên đi khám ngay:

– Ăn nhiều.

– Uống nhiều.

– Tiểu nhiều.

– Sút cân nhiều.

– Khó thở, đau thắt ngực.

– Hồi hộp, đánh trống ngực.

– Đau đầu, chóng mặt.

– Tim đập nhanh.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top