Táo bón là vấn đề thường gặp ở người cao tuổi. Bệnh nhân thường quên đi tiêu với số lần đi tiêu ít hơn 3 lần trong 1 tuần, hoặc đi tiêu mỗi ngày với cảm giác tiêu khó khăn, phân cứng và đôi khi kèm đau bụng dưới.
– Chế độ ăn ít chất xơ
– Bệnh nhân uống không đủ nước.
– Tác dụng phụ của một số dược phẩm (các loại thuốc giảm đau chứa codein, thuốc trung hoà acid chứa nhôm, thuốc chống trầm cảm amitriptyline, viên sắt…).
– Liên quan với một số bệnh lý (suy giáp, hội chứng ruột kích thích thể táo bón…).
– Đang mang thai (do thay đổi nội tiết tố và chèn ép cơ học của bào thai làm giảm nhu động ruột).
– Nhịn do bận việc.
Ngoài ra có một số trường hợp, táo bón không rõ nguyên nhân và được xếp vào nhóm táo bón chức năng với tỉ lệ mắc bệnh ưu thế ở nữ.
Đa số trường hợp, bệnh nhân có thể tự mua thuốc nhuận tràng uống để điều trị.
Bệnh nhân bị táo bón được khuyến cáo đi khám bệnh để thầy thuốc chỉ định làm các xét nghiệm (xét nghiệm phân, nội soi trực đại tràng bằng ống mềm…) giúp xác định nguyên nhân trong các tình huống sau:
– Tình trạng táo bón mới xảy ra trong vòng 6 tuần mặc dù bệnh nhân tuân thủ lối sống đúng (thể dục đều đặn, uống nhiều nước, ăn nhiều chất xơ…).
– Táo bón nặng không đáp ứng với thuốc nhuận tràng.
– Đi tiêu kèm theo nhày mũi, máu, sụt cân, tiền sử gia đình có người thân mắc bệnh ung thư đại tràng, hoặc bệnh viêm đại tràng mạn (viêm loét trực tràng, bệnh crohn).
Để phân mềm tạp phản xạ đi tiêu rõ ràng, bạn hãy tạo thói quen đi tiêu đúng giờ, tập thể dục thường xuyên, uống đủ nước và ăn nhiều chất xơ (20-35g/ngày). Có một số loại trái cây giúp dễ đại tiện mà bạn nên biết như đu đủ, thanh long, xoài, mận, cam, chanh, quýt,… Lưu ý là nếu ăn đột ngột một lượng chất xơ quá nhiều, bạn có thể bị đầy bụng, trung tiện nhiều. Để tránh tác dụng phụ này, bạn nên tăng dần lượng chất xơ ăn vào.
Có thể uống thêm sorbitol (một loại đường tự nhiên, không hấp thu vào máu và có tính rút nước vào lòng ruột giúp phân mềm). Sorbitol có nhiều trong trái cây táo, nho, lê, đậu, mận và dâu tây.
Nếu sau tất cả những cố gắng trên mà chứng táo bón vẫn không giảm thì bạn có thể dùng thêm thuốc nhuận tràng.
Thuốc nhuận tràng có 3 nhóm chính sau:
– Nhóm giúp tăng lượng phân là các thuốc cung cấp chất xơ, sợi như Psyllium, Methylcellulose, calcium Policarbophil, wheat dextrin. Khi dùng thuốc cần uống kèm nhiều nước (1-2 lít). Dùng lâu thường gây tình trạng trướng hơi và đầy bụng.
– Nhóm kích thích (bisacodyl, dantron, doccusate, glycerol, senna và sodium picosulfate), thuốc kích thích sự tăng co bóp của ruột giúp đẩy phân ra ngoài, tác dụng phụ có thể làm đau bụng và gây tình trạng lệ thuộc khi kéo dài.
– Nhóm thuốc tạo lực thẩm thấu: Macrogol được lựa chọn phổ biến vì hiệu quả an toàn và không gây đầy bụng, khó tiêu, trung tiện. Lactulose có thể gây đầy bụng, trướng hơi. Thuốc có tác dụng hút nước vào trong lòng ruột làm phân mềm. Một số loại muối magie như Hydroxyt magie, Citrat magie (hoạt động theo cơ chế tăng áp lực thẩm thấu) có tính nhuận tràng mạnh, thường dùng trước hi phẫu thuật.
Nên dùng loại thuốc nhuận tràng nào và dùng bao lâu?
Tuỳ thuộc vào nhu cầu bệnh nhân (thời gian, tiện lợi, kinh tế) hoặc theo chỉ định của thầy thuốc.
Nguyên tắc chung:
– Nên dùng thuốc làm tăng lượng phân trước tiên.
– Nếu không hiệu quả, dùng thuốc tăng áp lực thẩm thấu có thể kết hợp thêm thuốc tăng lượng phân.
– Nếu bệnh nhân còn cảm giác tiêu khó có thể dùng nhóm thuốc kích thích nhuận tràng.
Thuốc nhuận tràng chỉ nên dùng thời gian ngắn, ngay khi tái lập được tình trạng đi tiêu bình thường, bệnh nhân cần thực hiện các biện pháp phòng ngừa táo bón như đã nêu ở trên.
Tuy nhiên hiện chưa có bằng chứng nào cho thấy việc sử dụng lâu dài các thuốc nhuận tràng nêu trên gây ra ung thư hay làm tổn thương đại tràng. Điều cần lưu ý là việc sử dụng thuốc phải chỉnh liều theo từng cá thể sao cho đại tiện dễ nhưng không gây ra tiêu chảy (mất nước, rối loạn điện giải, mất kali…)
Thuốc nhuận tràng được bào chế dưới nhiều dạng: viên uống, viên đặt hậu môn hay dạng thụt tháo cho hiệu quả nhanh chóng nhưng hơi bất tiện.
Các dạng thuốc làm mềm phân sản xuất từ dầu khoáng (mineral oil) vì tác dụng phụ nhiều trong khi hiệu quả không tốt hơn các thuốc nhuận tràng đã đề cập ở trên.
Sản phẩm tự nhiên: có nhiều và được quảng cáo là tự nhiên nhưng không nên dùng vì một số các thuốc đó có chứa các chất nhuận tràng đã đề cập ở phần trên. Không những vậy, liều và độ tinh khiết của sản phẩm này không được quản lý.
Một số thuốc nhuận tràng tự chế tại nhà như nước xà phòng, Hydrogen peroxide, thuốc tẩy… rất có hại với viêm mạc ruột và do đó không được dùng.
Các trường hợp nghi bán tắc ruột, tắc ruột cũng không được dùng thuốc nhuận tràng
Xem thêm: Phòng ngừa té ngã cho người cao tuổi
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh