Nguyên nhân gì gây té ngã ở người cao tuổi ?
Mọi lứa tuổi đều có té ngã. Trong nhiều trường hợp là do các tai nạn nhỏ và không có hại. Tuy nhiên, người cao tuổi té ngã thường có những thương tích nghiêm trọng hơn và dễ bị té lại.
Có nhiều nguyên nhân gây té ngã ở người cao tuổi, chẳng hạn như:
- Các mối nguy hiểm trong nhà.
- Giày dép không vừa vặn.
- Yếu cơ: có thể do thiếu tập thể dục, đột quỵ hoặc vấn đề ở các tuyến (ví dụ: rối loạn tuyến giáp hoặc tuyến thượng thận, sử dụng thuốc steroid).
- Các vấn đề khi đi và/hoặc thăng bằng.
- Viêm khớp: các khớp đau có thể làm bạn kém nhanh nhẹn và không muốn vận động nhiều. Thiếu tập thể dục có thể dẫn đến teo và yếu cơ.
- Chóng mặt: có thể là choáng váng với cảm giác mặt đất xoay chuyển hay cảm giác bạn hoặc các vật xung quanh quay vòng.
- Lũ lẫn: có thể là do thuốc, các vấn đề về não như sa sút trí tuệ hoặc các bệnh thường gặp như nhiễm trùng.
- Cơn té ngã (drop attack): là té ngã đột ngột mà không có mất ý thức. Có thể là do hạ huyết áp tư thế, cơn thoáng qua của thiếu máu não hoặc các vấn đề về tim như rung nhĩ.
- Hạ huyết áp tư thế: là tình trạng huyết áp giảm đột ngột khi đứng dậy. Nó thường xảy ra trong vài tuần đầu dùng thuốc hạ áp. Đôi khi nó có thể là do mất dịch cơ thể hoặc do bệnh thần kinh tự trị (ảnh hưởng các thần kinh mà chi phối cho mạch máu).
- Ngất: là sự mất ý thức xảy ra đột ngột và kéo dài trong một thời gian ngắn. Nó có thể xảy ra vì nhiều lý do. Hạ huyết áp tư thế và bệnh tim mạch là các nguyên nhân thường gặp. Nó cũng có thể do cơn động kinh hoặc hội chứng cai rượu.
- Rượu: ngoài việc rượu có thể gây lơ mơ và vụng về, nó cũng có thể gây ra các bệnh mạn tính làm dễ té ngã, bao gồm bệnh thần kinh ngoại biên. Đây là một bệnh của dây thần kinh có thể gây cảm giác tê và châm chích ở bàn chân hoặc các vấn đề về cảm giác thăng bằng. Hội chứng não wernicke-korsakoff cũng có thể gây té ngã.
- Vấn đề về thị lực: chẳng hạn như đục thủy tinh thể và khiếm khuyết thị trường (một phần của tầm nhìn bị mất đi). Thoái hóa của các tế bào lót mặt sau của mắt được gọi là thoái hóa điểm vàng do tuổi. Đây là nguyên nhân phổ biến làm giảm thị lực ở người cao tuổi. Đôi khi đeo kính quá cũ không đúng độ hoặc kính áp hai tròng có thể tăng nguy cơ té ngã. Người cao tuổi có nguy cơ té ngã tốt nhất là nên có hai cặp kính khác nhau.
- Các vấn đề của não và hệ thần kinh: bao gồm đột quỵ, bệnh parkison, bệnh thần kinh ngoại biên (thường do bệnh đái tháo đường), và sa sút trí tuệ – một tình trạng liên quan đến việc mất khả năng suy nghĩ do bệnh alzheimer và một số nguyên nhân khác.
- Thuốc có thể gây té ngã theo nhiều cách, chẳng hạn:
- Thuốc ngủ và thuốc an thần (ví dụ, diazepam) có thể gây buồn ngủ và vụng về.
- Thuốc hướng tâm thần (ví dụ, chlopromazine) có thể gây lũ lẫn.
- Một loạt các thuốc có thể gây hạ huyết áp tư thế. Đây không chỉ là thuốc hạ áp mà còn các thuốc điều trị các bệnh khác như trầm cảm, lo âu và bệnh parkinson.
- Thuốc chống co giật: được sử dụng để điều trị bệnh động kinh và có thể làm giảm phản xạ và tăng nguy cơ té ngã.
- Nghiên cứu cho thấy dùng nhiều hơn bốn loại thuốc có thể làm tăng nguy cơ té ngã, bất kể là thuốc gì.
Làm gì để tránh té ngã ?
Tùy vào sức khỏe và khả năng, bạn có thể làm nhiều thứ để giúp đỡ bản thân. Hỗ trợ cũng có sẵn từ các dịch vụ xã hội.
Gặp bác sĩ
Nếu bạn đã từng té ngã hoặc cảm thấy có nguy cơ bị té ngã, bạn nên đề nghị bác sĩ làm bảng đánh giá nguy cơ té ngã. Nó bao gồm cả kiểm tra sức khỏe tổng quát (ví dụ: huyết áp, cân nặng, thăm khám hệ tuần hoàn và phổi). Việc này nhằm đảm bảo bạn không bị bất kỳ bệnh lý nào làm tăng nguy cơ té ngã.
Kiểm tra những mối nguy hiểm trong nhà
Nhìn quanh nhà xem có bất cứ cái gì có thể làm bạn té ngã. Những thứ cần lưu ý bao gồm:
- Thảm lỏng lẻo (đặc biệt là trên sàn trơn)
- Dây dẫn điện (trên sàn nhà)
- Các bề mặt ẩm ướt (đặc biệt là trong phòng tắm)
- Ánh sáng kém
- Bàn ghế đặt không ngăn nắp
- Các vật rải rác trên sàn nhà: sách, giấy tờ, giày dép
- Cầu thang – thảm lỏng lẻo, tay vịn gãy
- Lưu trữ – các vật thường dùng lại để trên kệ cao, chỉ có thể lấy được bằng cách đứng trên ghế
- Giày, dép cần thoải mái và vừa vặn.
Tập thể dục đều đặn
Tích cực tập thể dục càng nhiều càng tốt. Nó làm tăng sức cơ, giữ cho khớp dẻo dai, và kích hoạt các hệ thống kiểm soát cân bằng và vận động trong cơ thể bạn. Chuyên gia vật lý trị liệu có thể cho bạn một chương trình tập luyện nhưng bạn nên chủ động trong việc quyết định phương pháp nào phù hợp nhất. Chẳng hạn, một số người thích tham gia một lớp tập thể dục trong khi những người khác thích các hoạt động như khiêu vũ, bơi lội hoặc tập dưỡng sinh. Các hoạt động giúp phát triển sức cơ và cân bằng đặc biệt hữu ích.
Ăn uống lành mạnh
Ăn uống lành mạnh là rất quan trọng để ngăn ngừa việc thiếu vitamin (đặc biệt là vitamin D), sắt, các loại thực phẩm giàu tinh bột và protein. Đảm bảo lượng nước uống hằng ngày để tránh mất nước.
Uống rượu hợp lý
Bạn nên uống rượu một cách hợp lý. Nếu bạn đã có nguy cơ té ngã cao (ví dụ, người cao tuổi từng bị té ngã) thì thậm chí uống vừa phải cũng thể làm tăng nguy cơ té ngã.
Kiểm tra mắt thường xuyên
Khám mắt mỗi hai năm hoặc theo lời dặn của bác sĩ nhãn khoa mà bạn khám. Nếu bạn đã có vấn đề về mắt nên khám ngay.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh