Cơn động kinh được định nghĩa là tình trạng bệnh lý của não, đặc trưng bởi sự phóng lực quá mức, đồng bộ và nhất thời của một nhóm các neuron trong não; biểu hiện bằng các triệu chứng tương ứng với vùng não bị kích thích.
Chứng động kinh được biểu hiện bởi các cơn động kinh tái phát. Thông thường, một người được chẩn đoán là động kinh khi có ít nhất từ hai cơn động kinh trở lên, nếu họ chỉ có một cơn duy nhất thì chưa thể gọi là động kinh.
Động kinh có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, chiếm tỷ lệ khoảng 1% dân số. Khoảng 50% những trường hợp động kinh mới xảy ra ở trẻ nhỏ và thiếu niên, với tỷ lệ cao nhất trong vài tháng đầu sau sinh. Nhiều người bị động kinh ở tuổi nhỏ và thiếu niên, sau đó các cơn động kinh có thể giảm khi họ đến tuổi trưởng thành. Tỷ lệ động kinh cũng tăng ở người lớn tuổi.
Một số nguyên nhân khác có thể gây ra các cơn động kinh như: sốt cao co giật ở trẻ rất nhỏ, bệnh nhân ngưng một số thuốc đang dùng, ngộ độc, phản ứng dị ứng, nhiễm trùng, rối loạn điện giải, hạ đường huyết... Những nguyên nhân này chỉ nhất thời và không được xem là động kinh.
Một số bệnh lý như tai biến mạch máu não hay đau nửa đầu migraine có thể nhầm lẫn với động kinh do các triệu chứng có thể giống động kinh như tê, yếu nửa người, các triệu chứng thị giác như nhìn mờ, mù tạm thời...
Tùy vào loại động kinh mà bác sĩ sẽ kê đơn thuốc cho bệnh nhân, vì vậy, quan trọng nhất là phải phân biệt được cơn động kinh thuộc loại nào.
Khoảng 60% các trường hợp không biết được nguyên nhân của động kinh mặc dù người bệnh đã được làm các xét nghiệm, chụp hình não (chụp cắt lớp hay chụp cộng hưởng từ). Những trường hợp này được gọi là động kinh vô căn.
Các trường hợp còn lại có thể do các nguyên nhân cụ thể như: tổn thương não của thai nhi, chấn thương lúc sinh (do thiếu oxygen), ngộ độc, nhiễm trùng hệ thần kinh trung ương, chấn thương đầu, u não, tai biến mạch máu não...
Đa số động kinh không có tính di truyền. Tuy nhiên, một số người bệnh bị động kinh có khuynh hướng di truyền.
Người bị động kinh có thể gặp một số vấn đề về tâm lý và xã hội. Họ thường được chăm sóc quá kỹ hay bị những hạn chế không cần thiết trong sinh hoạt hàng ngày. Ngoài ra, họ còn có thể còn gặp một số vấn đề cá nhân khác như sự giận dữ, chán nản và trầm cảm. Tuy nhiên, nếu được chăm sóc và điều trị tốt, nhiều người bệnh vẫn có thể có cuộc sống, sinh hoạt và công việc như bình thường.
Tìm hiểu về: Cơn động kinh vắng ý thức
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh