✴️ Hiểu biết cơ bản về Động kinh vắng ý thức

Động kinh vắng ý thức là gì?

Cứ 1000 người thì có khoảng 2 người có biểu hiện động kinh vắng ý thức (trước đây được gọi là động kinh '' petit mal '', động kinh cơn bé) là do hoạt động điện bất thường và cường độ cao trong não. Thông thường, các tế bào thần kinh trong não giao tiếp với nhau bằng cách phát ra các tín hiệu điện nhỏ. Nhưng với người bị động kinh, những tín hiệu này trở nên bất thường. Động kinh có thể ảnh hưởng đến một phần não biệt lập hoặc có thể liên quan đến hoạt động bất thường trong toàn bộ não (được gọi là động kinh toàn thể). Động kinh vắng ý thức là một dạng của động kinh toàn thân.

Cơn động kinh vắng ý thức điển hình sẽ kéo dài từ 10 đến 30 giây.

Người bệnh thường là trẻ em trong độ tuổi từ 5 đến 15 tuổi, sẽ đột ngột dừng bất cứ việc gì họ đang làm (nói chuyện, đi lại) và ngây người ra, trẻ dường như "nhìn chằm chằm vào không gian." Động kinh vắng ý thức hiếm khi gây ra một cơn co giật thực sự hay ngã xuống. Mặc dù mất ý thức trong thời gian ngắn, người bệnh hồi phục hoàn toàn mà không có trạng thái lú lẫn kéo dài hoặc các tác động xấu khác. Những biểu hiện này có thể xảy ra không thường xuyên hoặc vài lần mỗi giờ. Ở trẻ em, cơn động kinh vắng ý thức có thể cản trở việc học tập và trẻ thường bị quy cho mơ mộng hoặc thiếu chú ý. Bệnh lý này sẽ tiềm ẩn nguy hiểm trong các hoạt động thường ngày của trẻ như khi đang bơi lội, đạp xe đạp, xảy ra động kinh vắng ý thức có thể dẫn đến chết đuối, tại nạn giao thông. Khoảng một phần tư trẻ có cơn động kinh vắng ý thức sẽ diễn tiến thành một loại động kinh toàn thân khác được gọi là động kinh co cứng co giật khi trẻ lớn.

Nguyên nhân gây ra?

Các nhà khoa học chưa chắc chắn được nguyên nhân tiềm ẩn gây ra bệnh lý này. Tuy nhiên, mọt vài nghiên cứu đã chỉ ra mối liên quan giữa di truyền và bệnh.

nguyên nhân gây ra

Chẩn đoán bệnh

Để chẩn đoán chính xác tình trạng bệnh động kinh vắng ý thức, trẻ cần thăm khám bác sĩ chuyên khoa Thần kinh và được thực hiện các phương pháp chẩn đoán gồm:

  • Điện não đồ - EEG: đo các sóng hoạt động điện của não. Người bệnh được yêu cầu thở nhanh và sâu, nhìn vào ánh sáng nhấp nháy với mục đích gây khởi phát cơn động kinh.
  • Chụp CT Scan não hoặc chụp cộng hưởng từ não: Những hình ảnh chi tiết của não, giúp loại trừ nguyên nhân như đột quỵ, u não. Đối với trẻ dưới 5 tuổi khi thực hiện phương pháp chẩn đoán này cần sử dụng thuốc an thần.

Điều trị

Điều trị thuốc sẽ làm giảm bớt tần số xuất hiện hoặc ngừa cơn động kinh vắng ý thức xuất hiện là phương pháp điều trị phổ biến hiện nay. Tùy vào tình trạng của người bệnh sau khi được chẩn đoán, bác sĩ sẽ cho sử dụng các loại thuốc như:

  • Ethosuximide: thuốc phổ biến điều trị bệnh động kinh vắng ý thức mà các bác sĩ sử dụng. Hầu hết tác dụng phụ như buồn nôn, nôn, buồn ngủ, khó ngủ, hiếu động thái quá.
  • Axit valproic: bé gái có thể tiếp tục dùng thuốc khi trưởng thành dưới sự hướng dẫn của bác sĩ để hạn chế những nguy cơ tiềm ẩn của axit valproic. Axit valproic có liên quan đến nguy cơ dị tật bẩm sinh cao ở trẻ sơ sinh, do đó phụ nữ không nên sử dụng thuốc trong khi mang thai hoặc mong muốn có thai. Axit valproic có thể sử dụng để điều trị trẻ động kinh vắng ý thức hoặc trẻ bị động kinh co cứng – co giật (động kinh cơn lớn).
  • Lamotrigine: loại thuốc này ít hiệu quả hơn so với 2 thuốc trên, nhưng nó có ít tác dụng phụ hơn với người bệnh. Người bệnh chỉ có thể phát ban và buồn nôn khi sử dụng loại này điều trị động kinh vắng ý thức.

Phần lớn trẻ động kinh vắng ý thức sử dụng thuốc điều trị có thể ngưng thuốc chống động kinh khi không xảy ra cơn trong vòng 2 năm, dưới sự giám sát, kiểm tra thường xuyên của bác sĩ Thần kinh.

Điều chỉnh lối sống

Người bệnh động kinh vắng ý thức nên áp dụng chế độ ăn giàu chất béo và ít carbohidrate để giúp cải thiện khả năng kiểm soát động kinh. Tuy nhiên chỉ nên áp dụng chế độ ăn này khi thuốc không kiểm soát được

Bên cạnh đó chế độ sinh hoạt ngủ đủ giấc, uống thuốc đúng chỉ định, đúng giờ là cách để điều trị bệnh hiệu quả. Hạn chế các hoạt động tiềm ẩn rủi ro như lái xe, giải trí quá sức, không bơi tắm, khi một mình.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top