✴️ Vị thuốc Quýt

Nội dung

A. Mô tả cây 

  • Cây nhỡ, cao 5-8m. Cành cứng, không có gai hoặc có gai ngắn. Lá mọc so le, nguyên hoặc hơi khía tai bèo, dai, hình trái xoan, gốc thuôn, đầu tù hoặc hơi nhọn, mặt trên nhẵn bóng, mặt dưới nhạt có gân nổi rõ, cuống lá ngắn, hơi có cánh.
  • Hoa mọc riêng lẻ ở kẽ lá, đài hoa có 5 răng hình trái xoan, có mũi nhọn. Tràng có 5 cánh thuôn dày.
  • Quả gần hình cầu, dẹt, khi chín màu vàng cam sẫm, vỏ quả lồi lõm nhưng không sần sùi, cơm quả ngọt, chua và thơm
  • Mùa hoa quả: Tháng 7-12
  • Nhiều loài khác như quýt giấy, quýt tàu, quýt hôi cũng được dùng.

B. Phân bố, thu hái và chế biến 

  • Ở Việt Nam có một số giống quýt trồng cổ điển như “quýt giấy” quả to vỏ mỏng, múi mọng nước, ngọt thơm được trồng nhiều ở Bắc Giang, Cao Bằng, Lạng Sơn, Thái Nguyên…
  • Quýt đường quả nhỏ, vỏ dày, rất ngọt, có nhiều ở các tỉnh Phú Thọ, Tuyên Quang, Yên Bái, Hà Tây…
  • Quýt hôi quả nhỏ nhất, vỏ dày và chua. Loài này được trồng chủ yếu ở vùng núi có độ cao 800-1600m ở các tỉnh Lạng Sơn, Hà Giang, Lào Cai, Lai Châu.
  • Bộ phận dùng: Vỏ quả chín (trần bì ), Vỏ quả xanh (thanh bì), Vỏ ngoài của quả ( Quất hồng ), Lá quýt (Quất diệp), Hạt quýt (Quất hạch)
  • Quả thu hái khi chín, bóc lấy vỏ phơi khô làm trần bì. Theo y học cổ truyền và kinh nghiệm dân gian, trần bì để càng lâu năm càng tốt. Nếu hái quả lúc còn xanh, lấy vỏ phơi khô thì được thanh bì.
  • Hạt lấy ở quả chín phơi khô làm quất hạch. Để có quất hồng, người ta lấy vỏ ngoài của quýt chín, cao bỏ phần trong phơi khô.

C. Thành phần

  • Theo tài liệu Ấn Độ, vỏ quýt chứa tinh dầu với thành phần chủ yếu là d. limonen 91% và các terpen, caren linalool, anthranilat methyl lượng nhỏ hơn.
  • Quả quýt chứa 87,8% nước, 0,9% protein, 10,6% hydrat carbon, 0,3% chất béo, 0,4% chất vô cơ gồm: Ca 0.005mg%; P 0,002mg%, Fe 0,01%, caroten 350 UI%, Vitamin B1 40 UI% và Vitamin C 68mg%
  • Hạt quýt có 60-62% nước, 12-31% protein, 0,05% chất béo và 0,84% tro

Thành phần

D. Tác dụng dược lý

  • Tác dụng đối với tim mạch: Nước sắc trần bì trên tim ếch cô lập và tim ếch tại chỗ đều có tác dụng tăng cường sức co bóp cơ tim, tăng lượng máu do tim đẩy ra, ảnh hưởng không lớn đến nhịp tim. Với liều cao, nước sắc ức chế sức co bóp mạch máu thận, giảm lượng nước tiểu, trên chó và thỏ lại có tác dụng tăng huyết áp và khi huyết áp trở lại bình thường thì tiếp theo có hiện tượng hạ huyết áp trong thời gian ngắn, tác dụng giống như adrenalin.
  • Tác dụng đối với cơ trơn: Nước sắc trần bì trên tiêu bản ruột cô lập của thỏ và chuột nhắt trắng có tác dụng ức chế co bóp ruột; methylhesperidin đối với ruột cô lập và khí quản chuột lang, giải động mạch chủ chuột cống trắng đều có tác dụng ức chế co bóp, nhưng tương đối yếu, chỉ bằng 1/100 tác dụng của papaverin.
  • Tác dụng chống viêm, chống loét, lợi mật: Hesperidin không có tác dụng làm giảm phù chân chuột do formaldehyd gây nên, còn ciscoumarin có trong cam quýt có tác dụng chống viêm. Methylhesperidin có tác dụng ức chế loét dạ dày gây nên do thắt môn vị trên chuột cống trắng, tiêm xoang bụng cho chuột cống trắng có tác dụng lợi mật rõ rệt.

E. Tính vị, công năng

  • Quả quýt có vị ngọt, chua, tính ôn, có tác dụng nhuận phế, tiêu khát, khai vị.
  • Trần bì có vị cay, đắng, tính ôn vào 2 kinh tỳ và phế, có tác dụng lý khí, táo thấp, hóa đờm, kiện vị.
  • Thanh bì có vị cay, đắng, tính ôn vào 2 kinh can và đởm, có tác dụng sơ can, phá khí, tán kết (sơ tán can khí uất kết), tiêu đờm.
  • Hạt quýt có vị đắng tính bình, vào 2 kinh can và thận có tác dụng lý khí, tán kết, chỉ thống.
  • Lá quýt, có vị cay, đắng, tính bình, vào 2 kinh can và phế, có tác dụng sơ can, hành khí, hóa đờm.

F. Công dụng và liều dùng 

  • Quả quýt được dùng để ăn khi chín. Dịch ép từ múi quýt pha với nước và siro là một loại giải khát thông dụng, mát bổ, dễ tiêu.
  • Trần bì chữa ăn không tiêu, đau bụng, nôn mửa, ho tức ngực, nhiều đờm. Liều dùng hàng ngày 4-12g dưới dạng thuốc sắc hay thuốc bột
  • Thanh bì chữa đau gan, tức ngực, đau mạng sườn, sốt rét với liều dùng 3-9g/ngày
  • Hạt quýt chữa sa ruột, bìu sưng đau, viêm tuyến vú, đau lưng với liều dùng 3-9g/ngày
  • Lá quýt chữa ngực đau tức, ho, sưng vú, sa ruột với liều dùng 10-20 lá /ngày.

G. Bài thuốc có quýt

  1. Chữa đau bụng nôn mửa, ợ hơi, tiêu hóa kém: Trần bì 8g, hoắc hương 8g, gừng sống 3 lát. Sắc với 200ml nước còn 50ml uống trong ngày.

  2. Chữa ho mất tiếng: Trần bì 12g sắc với 200ml nước còn 50ml thêm đường đủ ngọt, uống dần trong ngày.

  3. Chữa ho nhiều đờm, đờm đặc, tức ngực: Trần bì, bán hạ (chế) mỗi vị 6g, phục linh 12g, cam thảo 3g. Sắc nước uống.

  4. Chữa tinh hoàn sưng đau: Trần bì, hạt vải ( thái mỏng, phơi khô sao vàng), đại hồi. Liều lượng mỗi thứ bằng nhau, tán nhỏ, rây bột mịn. Ngày uống 4-8g, chia làm 2 lần, chiêu với rượu.

  5. Chữa tỳ vị bất hòa, tâm phúc trương mãn (đầy bụng), ợ ra nước chua, đi ngoài, chán ăn: Thanh bì, tiểu hồi hương (sao), thương truật (ngâm nước vo gạo), trần bì, nhục quế (bỏ vỏ ngoài), cao lương khương, hương phụ, cam thảo (chích) mỗi vị 30g, cát cánh 10g. Tất cả nghiền thành bột, mỗi lần uống 6g với ít muối.

  6. Chữa sưng vú, sốt của phụ nữ trong thời kỳ cho con bú: Lá quýt 20 lá, qua lâu nhân 1/2 hạt, xuyên khung, hoàng cầm, chi tử, liên kiều,  thạch cao, sài hồ, trần bì, thanh bì mỗi vị 3g; cam thảo (sống) 1,5g. Sắc nước uống nhiều lần trong ngày.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top