Bốn điều không thể...

Nội dung

Trong cuộc sống, có những cái chúng ta có thể làm lại, sửa lại, điều chỉnh lại nếu lỡ làm sai hoặc chưa như ý. Khi sửa, tất nhiên phải hao tốn nhiều thứ để sửa sai, tùy vào tính chất vấn đề mà cái hao tốn ấy là gì, bao nhiêu. Tuy mất thêm thời gian, công sức, nhiên vật liệu… nhưng ít ra, còn sửa được đã là quý!

Bên cạnh đó, còn rất những điều lỡ làm rồi thì không thể sửa, không thể “undo” để có thể coi việc lầm lỡ vừa rồi là một bài nháp rồi bước lui trở về vị trí ban đầu và làm lại tốt hơn từ kinh nghiệm thất bại. Trong vô số những điều có tính chất như vậy, chúng ta cần nhớ đến bốn điều không thể rút lui này:

Khi bạn ném một hòn đá, bạn không thể rút lui lại được. Đây chỉ là hình tượng ẩn dụ rằng, đừng bao giờ ném đá ai, dù đó là người thế nào, đã gây đau khổ cho bạn ra sao. Việc này khó, nhưng nếu quyết tâm, bạn sẽ làm được. Khi ném đá người khác, bạn không được lợi ích gì phần mình, mà càng thêm ân oán với người kia. Dù ai đó có làm điều xấu xa, đê hèn tổn thương đến bạn, bạn có thể giận tím ruột bầm gan, trông có dịp là “trả lễ”, bạn cũng dặn lòng mình, không nên trả đũa. Hãy để họ tự tính với luật nhân-quả đủ rồi. Những cách “49 gặp 50”, hoặc “trạng chết chúa cũng băng hà” có thể làm cho bạn “hả dạ” nhất thời nhưng bạn đã làm cho tâm mình bị tổn thương lâu dài. Bạn không cần thiết giữ nọc độc sân giận trong tâm mình. Cảm xúc là nhất thời, và khi giận hờn ghét bỏ qua đi, bạn sẽ ân hận với việc mình đã làm. Lúc ấy đã muộn rồi, bạn sẽ phải nhận quả mình đã gieo. Nói xấu người khác không làm bạn tốt hơn. Hại người ta không thể khiến cho lợi lộc chạy về nhà bạn. Căm hờn người khác không thể cho bạn hạnh phúc, bình an. Vì sự bình an của chính mình, đừng đáp trả theo kiểu ăn thua đủ!

 

Lời nói, một khi đã thốt ra thì không thể rút lại được. Do vậy, cần vô cùng cẩn trọng khi nói ra điều gì. Khi còn ở trong suy nghĩ, bạn có khả năng quản lý ý tưởng, nhưng khi ra khỏi miệng, bạn hoàn toàn mất quyền kiểm soát với những gì bạn nói. Phần lớn nội dung bạn nói, ban đầu hoàn toàn khác, so với những gì bạn nghe trở lại, sau khi nó đi “du lịch” một vòng qua tai, qua miệng nhiều người. Liệu bạn có đủ tự tại trước sự đơm đặt, khen chê của người đời chưa? Do đó, hãy chánh niệm, chịu trách nhiệm về lời mình nói ra để không hối tiếc muộn màng. Khi có một ý tưởng muốn nói, bạn hãy cho luồng ý tưởng ấy đi qua năm cánh cửa “an ninh” có hệ thống soi chiếu. (1) Việc bạn sắp nói có đúng sự thật không; (2) điều ấy có chính đáng không; (3) nói điều này có phải từ thiện chí của mình không; (4) điều này có lợi ích cho người mình sắp nói không; và (5) đây có đúng là thời điểm thích hợp để nói không. Nếu không bị kẹt, nghẽn ở cửa an ninh nào, lời ấy bạn nên nói ra, vì nó an toàn và đem lại bình an cho bạn, lợi lạc cho người nghe. Chắc chắn sẽ còn không nhiều điều có thể đi qua hết năm cánh cửa “an ninh” này. Khi ấy, bạn sẽ cảm nhận được hạnh phúc của việc ít nói, nghe nhiều.

 

Cơ hội vuột qua, bạn sẽ không bao giờ lấy lại được. Người thành công là người biết tận dụng tốt mọi cơ hội có được trong cuộc sống. Thật ra, cơ hội không phải là vị khách đến gõ cửa nhà bạn hay nhà ai đó, mà chúng có thể hiện diện khắp nơi, bất cứ khi nào. Cùng một sự kiện, có thể là cơ hội cho người này, lại là điều bình thường với người khác, và cũng có thể là chướng ngại cho ai đó. Gọi một điều nào đó là “cơ hội” khi điều ấy có thể trợ duyên, hỗ trợ cho bạn để bạn tận dụng tiếp sức cho việc mình đang làm suôn sẻ hơn, dễ dàng hơn và đem lại kết quả tốt đẹp hơn. Do đó, nếu tinh tế để nhìn thấy được những điều kiện hỗ trợ ấy, nghĩa là bạn đang nhận ra “đây là cơ hội” và nắm bắt kịp thời, không để lỡ mất. Do vậy, không phải cơ hội tự đến vào trao cho người này, không trao cho người khác, mà vấn đề là bạn có chủ động nhận ra và coi đó là cơ hội của mình hay không. Nói một cách chính xác, bằng sự nỗ lực không ngừng, học hỏi, mỗi người phải biết tạo ra cơ hội cho bản thân mình từ những khởi điểm tốt đẹp và thuận lợi ban đầu, có khi rất nhỏ. Đừng bao giờ coi thường và bỏ qua những may mắn dù nhỏ trong cuộc sống, vì đó chính là những cơ hội.

 

Thời gian trôi đi, không ai có thể lấy lại được. Tất cả mọi thứ trong cuộc sống của mình đều cần thời gian, ngắn dài tùy vào tính chất mỗi việc. Muốn có bữa ăn, cần thời gian để nấu nướng. Trồng một cây, cần thời gian để nó sống và cho ra sản phẩm. Muốn nhà cửa tươm tất, bạn cần dành thời gian chăm chút từng góc vườn cho đến mọi thứ trong nhà, từ nội thất phòng khách, phòng ngủ đến không gian nhà bếp. Muốn gia đình thật sự là tổ ấm, bạn phải dành thời gian nuôi dưỡng các mối quan hệ tình thân. Muốn hoàn thiện mình hơn, bạn cần dành thời gian học hỏi, đọc sách, tập các thao tác, rèn các kỹ năng… Tất cả đều cần thời gian, mà chúng ta chỉ có 24 tiếng mỗi ngày. Do vậy, hãy chọn lọc những gì cần làm, vì thời gian qua đi, không bao giờ lấy lại được. Tuổi trẻ, sức khỏe, sự minh mẫn, tinh thần, nhiệt huyết… đều chịu sự chi phối của thời gian. Biết sống với hiện tại, với những gì đã diễn ra ngay bây giờ và ở đây là nghệ thuật sử dụng thời gian một cách hiệu quả và tiết kiệm nhất.

 

Hãy sống hết lòng, sống như thể hôm nay là ngày cuối cùng của đời mình, bạn sẽ không hối tiếc, vì thời gian qua đi, không bao giờ lấy lại được.

 

Sống tỉnh giác bạn sẽ có đủ sự bình thản để cân nhắc về bốn vấn đề trên, bạn sẽ không hối tiếc về sau. Một hòn đá ném đi, một lời nói thốt ra, một cơ hội chợt đến và thời gian qua đi là những thứ đi trên đường một chiều. Hãy thận trọng suy nghĩ kỹ và chín trước khi hành động vậy.

return to top