Chăm sóc chậu hoa lan

 

Vị sư già trồng một chậu lan. Ông chăm sóc chậu hoa đẹp rất cẩn thận, ngày ngày nhổ cỏ và tưới nước cho cây. Một lần có việc phải ra ngoài, ông giao chậu lan cho một tiểu hòa thượng nhờ chăm sóc. Nghe lời dặn của sư phụ, tiểu hòa thượng rất chăm chút cho cây lan. Cây hoa cũng rất phát triển.

Không may thay, một hôm trời mưa to, gió thổi mạnh khiến chậu lan đổ ụp xuống đất. Tiểu hòa thượng nhìn thấy những chiếc lá dập nát thì vô cùng đau lòng, trong tâm cũng sợ bị khiển trách.

Vài ngày sau, vị sư già trở về, tiểu hòa thượng đã kể lại sự việc, lòng thấp thỏm lo âu vì nghĩ lần này, sư phụ sẽ rất giận. Thế nhưng, vị sư già chỉ im lặng. Tiểu hòa thượng vô cùng kinh ngạc, bèn tò mò hỏi: “Sư phụ, đây là chậu lan mà sư phụ rất quý và hết lòng chăm sóc mà?…”.

Vị sư già khẽ mỉm cười, nói với tiểu hòa thượng: “Ta trồng cây lan không phải để nuôi sự tức giận”.

Lời bàn: Câu trả lời đơn giản của vị sư đã cho thấy thái độ cởi mở đón nhận những điều khắc nghiệt của cuộc sống. Cái gì đã mất, thì cũng mất rồi. Lúc ấy, hỏa khí bừng bừng bốc lên, liệu có lấy lại được chăng? Vậy cớ gì phải nổi giận để nhọc thân, mệt trí? Nếu quả thật là lỗi lầm của tiểu hòa thượng, thì tiểu hòa thượng nhận lỗi và lưu tâm sửa sai là được rồi. Huống hồ, chậu lan vỡ là do ngoại tác.

Vị sư già trồng lan, chăm sóc lan, có lẽ là để tận hưởng những phút giây thanh nhàn khi tưới nước, nhổ cỏ, khi ngắm cây lớn lên, ngắm hoa lan nở. Đó là những giây phút tĩnh tại, nuôi dưỡng tâm hồn và sự thuần thiện khi dồn tâm huyết để nâng niu một sinh mệnh. Đó mới là mục đích, chứ không phải vị hòa thượng có chấp trước vào việc muốn sở hữu chậu cây đẹp. Nếu quả có tâm sở hữu ấy, hẳn khi chậu lan vỡ, ông đã không hành xử điềm tĩnh như vậy. Qua đây, tiểu hòa thượng và chúng ta đều nhận được một bài học thấm thía, cầm lên được thì buông xuống được, không cần tiếc nuối, cũng không cần giận dữ khi chuyện xấu xảy đến.

return to top