✴️ Nâng cao sức khoẻ tinh thần trong mùa dịch (tài liệu)

Nội dung

"Dịch COVID-19 đang là một trong những vấn đề mang tính toàn cầu, tạo ra bầu không khí lo ngại ở nhiều nơi và trong nhiều lĩnh vực của đời sống. Nó không chỉ gây ra tổn thất về mặt sức khỏe thể chất mà còn ẩn chứa những tác động không nhỏ đến tinh thần mỗi cá nhân.

EdLab Asia phối hợp cùng Microsoft Việt Nam biên soạn và phổ biến “Sổ tay Nâng cao sức khoẻ tinh thần trong mùa dịch” nhằm giúp cho quý thầy cô giáo, quý vị phụ huynh và các bạn học sinh có thể bổ sung thêm các kiến thức thường thức về tâm lý học.

Chúng tôi hi vọng ấn phẩm này sẽ giúp quý vị tự thân, và có thể giúp đỡ người khác nâng cao sức khoẻ tinh thần và cải thiện hiệu suất làm việc, học tập của bản thân.”

(Lời giới thiệu)

Một số yếu tố nguy cơ đối với sức khỏe tinh thần trong mùa dịch Covid-19

● Liên tục tiếp xúc với các thông tin tiêu cực

● Nguy cơ bản thân hay người thân bị lây nhiễm bệnh

● Chứng kiến các trường hợp nhiễm, hay nghi nhiễm gần nơi mình sống

● Thiếu tương tác với người khác

● Thay đổi lịch trình sinh hoạt

● Không được đến trường lớp, nơi làm việc

● Thiếu hoặc mất các hoạt động thể chất thường ngày

● Không thể thực hiện các hoạt động yêu thích hay thói quen

● Nguy cơ bị kỳ thị vì nghi nhiễm bệnh

...Tất cả chúng ta đều sẽ có lúc rơi vào tình trạng stress khi phải đối mặt với những khó khăn, thử thách, nguy hiểm trong cuộc sống. Đó có thể là khó khăn về học tập, công việc, tài chính, các mối quan hệ xã hội, hay về sức khỏe như tình hình dịch bệnh hiện nay. Những khó khăn này là cơ hội để chúng ta trưởng thành nếu như có thể ứng phó một cách hiệu quả, nhưng chúng cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ đối với sức khỏe thể chất và tinh thần nếu chúng ta chưa chuẩn bị kỹ cho mình những cách thức phản ứng phù hợp. Đứng trước một khó khăn gây stress, nghiên cứu chỉ ra rằng chúng ta có thể sử dụng một hay nhiều chiến lược ứng phó trong số 10 chiến lược ứng phó sau đây nhằm giải quyết vấn đề hoặc làm giảm tình trạng stress:

1. Giải quyết vấn đề: Cố gắng nghĩ ra cách giải quyết, hỏi xin ý kiến và sự trợ giúp từ người khác, hay hành động để giải quyết vấn đề.

2. Điều hòa cảm xúc: Cố gắng kiểm soát cảm xúc của mình, lấy lại bình tĩnh (hít thở, nghe nhạc, đi dạo, v.v.), kiềm chế và giải tỏa cảm xúc vào lúc thích hợp.

3. Bộc lộ cảm xúc: Giải tỏa cảm xúc của mình bằng cách chia sẻ, giải tỏa cảm xúc bằng hoạt động yêu thích, tìm kiếm sự cảm thông, thấu hiểu, và ủng hộ.

4. Chấp nhận: Chấp nhận bản thân mình, học cách chấp nhận cuộc sống, chấp nhận mọi chuyện diễn ra theo cách của nó.

5. Sao nhãng: Tạm thời nghĩ sang chuyện vui vẻ, chuyển sự chú ý sang hoạt động khác (chơi thể thao, dọn dẹp), tạm thời tưởng tượng ra điều gì đó vui vẻ, thú vị.

6. Thay đổi nhận thức: Tự nhủ rằng mọi chuyện đã có thể tệ hơn, hoặc chuyện này không có gì to tát, hay mọi chuyện cũng không quá tệ.

7. Suy nghĩ tích cực: Tự nhủ rằng mình có thể vượt qua, rằng mọi chuyện sẽ tốt đẹp hơn thôi, tự nhủ rằng mình cũng học được điều gì đó.

8. Chối bỏ: Hành động như thể vấn đề chưa từng xảy ra, tự thuyết phục rằng chuyện này không có thật, cố gắng tin rằng vấn đề chưa từng xảy ra.

9. Né tránh: Cố gắng không cảm thấy những cảm xúc tiêu cực, cố gắng quên đi vấn đề, tránh xa những gì liên quan đến vấn đề.

10. Mong ước: Ước bản thân đã mạnh mẽ, mong rằng vấn đề sẽ tự động qua đi, ước rằng ai đó xuất hiện giúp mình...

Nghiên cứu chỉ ra rằng trong những trường hợp mà vấn đề không thể giải quyết được nữa, việc cố gắng thay đổi nó chỉ càng làm tình trạng stress của chúng ta trở nên trầm trọng hơn. Thay vào đó, hãy học cách chấp nhận, thay đổi nhận thức, và suy nghĩ theo hướng tích cực đối với sự việc. Bên cạnh đó, bộc lộ và chia sẻ cảm xúc với một ai đó sẵn lòng lẵng nghe cũng là một bước cần thiết để những thất vọng, buồn chán, hay uất ức đã dồn nén trong lòng được vơi bớt.

Trường hợp vấn đề của bạn vẫn có thể cải thiện, dù phải bằng rất nhiều nỗ lực, hãy thử trả lời câu hỏi sau: Liệu bạn có đang ở trong trạng thái cơ thể khá khỏe mạnh, tinh thần tỉnh táo, và cảm xúc ổn định? Nếu câu trả lời là có, có vẻ như bạn đã sẵn sàng để giải quyết vấn đề của mình rồi.

Còn nếu không, có lẽ bạn cần cho phép bản thân mình nghỉ ngơi đôi chút để lấy lại trạng thái cơ thể ổn định, và tinh thần thư thái trước khi bắt tay vào giải quyết vấn đề. Hãy dành thời gian để giải tỏa những cảm xúc tiêu cực, tham gia vào những hoạt động mà mình yêu thích, hoặc suy nghĩ một cách tích cực hơn, và nhìn vấn đề ở một khía cạnh khác đi. Những bước chuẩn bị này chắc chắn sẽ giúp bạn làm tốt khi nỗ lực để giải quyết vấn đề.

Nghiên cứu cho thấy việc áp dụng các chiến lược ứng phó theo những gợi ý trên đây sẽ đem giúp làm giảm stress, nâng cao hiệu suất công việc hay học tập. Ngược lại, việc ứng phó bằng cách né tránh, chối bỏ, hay mong ước thường không phải là chiến lược khôn ngoan vì nó làm tăng mức độ stress và làm suy giảm hiệu quả công việc

(Trích từ tài liệu)

 

Xin trải nghiệm toàn bộ tài liệu bổ ích này tại đây

Và hãy cùng nhau vượt qua một mùa dịch theo cách bình an và ít tổn hại nhất có thể!

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top