✴️ Bệnh loãng xương ở phụ nữ mãn kinh và cách khắc phục

Bước vào giai đoạn mãn kinh (từ 50 tuổi), cơ thể chị em có nhiều bất ổn như thường xuyên bốc hỏa, rối loạn giấc ngủ, kém tập trung, giảm trí nhớ, đau nhức xương khớp, đặc biệt là loãng xương.

Nguyên nhân gây loãng xương ở tuổi mãn kinh

Giai đoạn sau tuổi 50, tình trạng thiếu hụt mật độ xương diễn ra nhanh chóng. Giảm 1-1,5% khối lượng xương mỗi năm. Nguyên nhân là do sự thiếu hụt estrogen do buồng trứng giảm sản xuất.

Loãng xương rất hay gặp ở phụ nữ mãn kinh

Loãng xương rất hay gặp ở phụ nữ mãn kinh

Thiếu estrogen làm giảm hoạt động của tế bào tạo xương, giảm chất cơ bản (protein) của xương, giảm tích tụ calcium và photphate trong xương. Trong thời gian dài gây ra bệnh loãng xương.

Biểu hiện loãng xương ở phụ nữ mãn kinh

Khi bị loãng xương, phụ nữ mãn kinh sẽ gặp các triệu chứng như:

  • Đau những vùng xương chịu áp lực của trọng lượng cơ thể do đi lại, đứng một chỗ quá lâu như xương đùi, xương gót chân, cột sống thắt lưng, cột sống cổ…
  • Thường xuyên mỏi, và nghe có tiếng kêu răng rắc trong xương
  • Xương dễ nứt, gãy
  • Cơ thể chị em có thể thấp đi
  • Còng lưng, vẹo cột sống

Cách phát hiện và điều trị loãng xương ở tuổi mãn kinh

Để phát hiện sớm loãng xương, chị em nên khám sức khỏe định kỳ. Các bác sĩ chuyên khoa Cơ xương khớp sẽ chỉ định thực hiện xét nghiệm máu, đo mật độ xương, siêu âm xương… Phụ nữ ở độ tuổi tiền mãn kinh cần kiểm tra định lượng nội tiết tố nữ.

Người bệnh cần đi khám ngay khi có dấu hiệu bất thường ở xương khớp

Tùy vào độ tuổi và tình trạng bệnh cụ thể của mỗi người, bác sĩ sẽ chỉ định thực hiện thêm các xét nghiệm khác để chẩn đoán sớm bệnh.

Cách khắc phục loãng xương ở phụ nữ mãn kinh

Để khắc phục tình trạng loãng xương ở phụ nữ mãn kinh cần:

  • Sử dụng thuốc ức chế sự tiêu xương và tăng khối lượng xương
  • Bổ sung canxi và vitamin D
  • Sử dụng liệu pháp thay thế hormone giúp tăng mật độ xương. Tuy nhiên phương pháp điều trị này có thể gây ra tác dụng phụ như bệnh tim mạch, tăng nguy cơ ung thư vú nên người bệnh cần cân nhắc trước khi sử dụng.

Cách phòng ngừa loãng xương khi vào tuổi mãn kinh

Theo các bác sĩ cơ xương khớp, để loại bỏ nguy cơ bị loãng xương khi vào tuổi mãn kinh, chị em cần dự phòng ngay từ khi còn trẻ.

  • Thực hiện chế độ ăn uống điều độ, khoa học. Tăng cường canxi và các nhóm chất trong mỗi bữa ăn.
  • Không nên hút thuốc lá và sử dụng đồ uống chứa chất kích thích như rượu, bia, cà phê
  • Duy trì cân nặng ở mức hợp lý, tránh thừa cân, béo phì. Vì sẽ làm tăng gánh nặng cho các khớp xương trong cơ thể, khiến tình trạng loãng xương diễn ra nhanh hơn.

Để phòng loãng xương, chị em nên chú ý tăng cường vận động

Để phòng loãng xương, chị em nên chú ý tăng cường vận động

  • Thường xuyên vận động, thể dục thể thao hàng ngày nhằm tăng cường sức khỏe. Các khớp xương hoạt động trơn tru và chắc khỏe hơn. Tuy nhiên nên kiểm soát vận động, tránh những môn thể thao có cường độ mạnh. Áp dụng các bài tập vận động nhẹ nhàng, phù hợp như đi bộ, yoga, bơi lội, đánh cầu lông…
  • Tránh làm việc nặng nhọc, bê vác và cong cúi người lâu.
  • Khám sức khỏe để phát hiện sớm tình trạng thiếu hụt canxi, đo mật độ xương định kỳ

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top