✴️ Châm cứu trước khi phẫu thuật có thể giảm đau và giảm nhu cầu sử dụng Opioid

Opioid là nhóm các chất tự nhiên và tổng hợp, có các tính chất như morphine tác động lên các thụ thể opioid bao gồm heroin và fentanyl và các loại thuốc theo toa. Các opioid theo toa khác bao gồm oxycodone, hydrocodone, morphine và codeine.

Tại Hoa Kỳ, cuộc khủng hoảng opioid đã cướp đi sinh mạng của 47.000 người vào năm 2018 và gần một phần ba số ca tử vong liên quan đến opioid theo toa.

Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC), trong năm 2018, 2/3 số ca tử vong do sử dụng ma túy quá liều có liên quan đến opioid. Một báo cáo năm 2018 từ Cơ quan Quản lý Dịch vụ Sức khỏe Tâm thần và Lạm dụng Chất gây nghiện (SAMHSA) cho biết 10,3 triệu người ở Hoa Kỳ từ 12 tuổi trở lên đã lạm dụng opioid trong năm qua.

Theo một báo cáo năm 2017, hơn 80% người được kê đơn thuốc opioid sau khi phẫu thuật có nguy cơ thấp. Gần 87% các đơn thuốc này bao gồm oxycodone hoặc hydrocodone - là những thủ phạm phổ biến nhất gây tử vong do sử dụng ma túy.

Các bác sĩ thường sử dụng các Opioid này trong các cơ sở điều trị nội trú và kê đơn cho một số trường hợp bệnh nhân xuất viện.

Vào năm 2020, các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng quá liều liên quan đến opioid cao hơn 28% so với báo cáo do một số hồ sơ tử vong không đầy đủ.

Các cựu chiến binh có nguy cơ tử vong do vô tình dùng quá liều cao gấp đôi so với dân số Hoa Kỳ nói chung. Một nghiên cứu cho thấy số cựu chiến binh tử vong do sử dụng quá liều opioid đã tăng 65% từ năm 2010 đến năm 2016. Trước tình hình khủng hoảng opioid này, cần phải giảm sử dụng opioid trước hoặc trong khi phẫu thuật.

Các phương thức thay thế

Trong một nghiên cứu thử nghiệm gần đây, một nhóm các nhà nghiên cứu đã đánh giá hiệu quả của hai kỹ thuật châm cứu khác nhau trước khi một nhóm cựu chiến binh trải qua các cuộc phẫu thuật: châm cứu chiến trường và châm cứu truyền thống.

Các tác giả đã trình bày những phát hiện của mình tại cuộc họp thường niên về Anesthesiology 2020 ở Chicago, IL, vào ngày 5 tháng 10.

Các nhà nghiên cứu đã tiến hành hai thí nghiệm. Trong lần đầu tiên, họ chia những người tham gia thành hai nhóm gồm 21 cựu chiến binh được phẫu thuật thay khớp háng.

Nhóm đầu tiên được châm cứu truyền thống trước khi phẫu thuật, và nhóm thứ hai được châm cứu giả dược.

Những người trong nhóm đối chứng cần trung bình 56 miligam morphin tương đương (MME) trong 24 giờ đầu tiên sau phẫu thuật. MME là một phương pháp tính toán lượng thuốc opioid của một bệnh nhân trong 24 giờ.

Trong khi đó, những người châm cứu truyền thống chỉ nhận được trung bình 20,4 MME. Ít hơn hơn nhiều so với nhóm đối chứng.

Các cựu chiến binh đã trải qua châm cứu truyền thống cũng cho biết mức độ cảm nhận tốt hơn với việc kiểm soát cơn đau của họ trong 24 giờ sau phẫu thuật.

Sau khi đánh giá mức độ hài lòng khi điều trị của các bệnh nhân trên thang điểm từ 1–10, những người đã châm cứu cho biết họ xuất hiện các cơn đau có mức độ thấp hơn và ít lo lắng hơn 15% so với nhóm chứng, mặc dù điều này không có ý nghĩa thống kê.

Châm cứu truyền thống và chiến trường

Trong thí nghiệm thứ hai, 28 cựu chiến binh được lên lịch làm thủ tục phẫu thuật tổng quát được châm cứu chiến trường. Trong nhóm đối chứng có 36 người tham gia được châm cứu giả dược.

Châm cứu chiến trường là châm cứu tiến hành thực hiện châm kim vào huyệt tai. Các kim này vẫn còn trong tai khoảng 3-4 ngày. Kỹ thuật này nhắm vào các điểm trên tai mà các thầy thuốc cho rằng có thể can thiệp vào cách cơ thể xử lý cơn đau trong hệ thần kinh trung ương.

Một bác sĩ người Pháp - Paul Nogier, đã phổ biến phương pháp châm cứu tai vào những năm 1950. Năm 2001, phương pháp này được gọi là châm cứu chiến trường sau khi Richard C. Niemtzow, một bác sĩ ung bướu phóng xạ của Không quân Hoa Kỳ, đã điều chỉnh kỹ thuật châm cứu tai để giảm đau nhanh chóng trên chiến trường.

Những cựu chiến binh được áp dụng kỹ thuật châm cứu này chỉ cần một nửa số opioid trong 24 giờ đầu sau phẫu thuật so với nhóm đối chứng (17,4 MME so với 35 MME).

Trong khi 38% người tham gia trong nhóm đối chứng bị buồn nôn và nôn sau khi phẫu thuật, chỉ 3% những người đã thực hiện châm cứu chiến trường xuất hiện các triệu chứng này.

Những người ủng hộ y học cổ truyền tin rằng các huyệt đạo ở tai ảnh hưởng đến các huyệt đạo trong dạ dày, mật, bàng quang và ruột non và làm giảm buồn nôn và nôn.

Nói chuyện với Hiệp hội Bác sĩ Gây mê Hoa Kỳ, Brinda Kish, tác giả chính của nghiên cứu và là bác sĩ chuyên khoa gây mê tại Trung tâm Y tế Detroit, MI, cho biết:

“Nhiều người quan tâm về châm cứu khi được biết về những rủi ro của việc sử dụng opioid. Đây không những là một liệu pháp giúp giảm đau mà còn rất an toàn. Vì vậy rất nhiều trường hợp bệnh nhân muốn được áp dụng liệu pháp này trước khi phẫu thuật"

Điều quan trọng cần lưu ý là mặc dù những phát hiện rất thú vị nhưng nghiên cứu này vẫn chưa được đánh giá một cách rõ ràng. Ngoài ra, nghiên cứu trên mới chỉ được thực hiện trên quy mô nhỏ, vì vậy các nhà khoa học sẽ cần tiến hành các thử nghiệm lớn hơn nhiều trước khi đưa ra kết luận chắc chắn về tính hữu ích của châm cứu.

Có thể bạn quan tâm:  Thuốc giảm đau nhóm opiods có thể làm tăng nguy cơ đau mãn tính

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top