✴️ Mối quan hệ giữa tập luyện thể dục và sức khỏe tinh thần

Một nghiên cứu với hơn 150.000 người tham gia, phát hiện ra rằng chỉ số về cường độ hoạt động thể dục và sức mạnh cơ bắp đều có liên quan chặt chẽ với sức khỏe tinh thần.

Nghiên cứu xuất hiện trên tạp chí BMC Medicine có thể giúp cung cấp thông tin hướng dẫn lâm sàng về sức khỏe tinh thần và thể chất.

Sức khỏe tinh thần và thể chất

Các vấn đề về tâm thần, cũng giống như các vấn đề về thể chất, có thể ảnh hưởng tiêu cực không nhỏ đến cuộc sống của mỗi người. Hai trong số các vấn đề tâm thần phổ biến nhất là lo lắng và trầm cảm.

Theo Hiệp hội Lo lắng và Trầm cảm Hoa Kỳ, 18,1% người trưởng thành ở Hoa Kỳ đã trải qua chứng rối loạn lo âu trong năm ngoái. Ngoài ra, Viện Sức khỏe Tâm thần Quốc gia lưu ý rằng 7,1% người trưởng thành ở Hoa Kỳ đã từng trải qua giai đoạn trầm cảm nghiêm trọng.

Ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy hoạt động thể chất có thể giúp ngăn ngừa hoặc điều trị các vấn đề tâm lý. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều câu hỏi cần giải đáp. Ví dụ, các nhà nghiên cứu nên sử dụng những thước đo nào để định lượng hoạt động thể chất? Nó có thể ngăn ngừa các vấn đề tâm thần hoặc cải thiện sức khỏe tâm thần của một người bằng những cách nào? Và liệu có thể chứng minh mối liên hệ cụ thể giữa hoạt động thể chất giúp sức khỏe tinh thần tốt hơn không?

Điều quan trọng là phải có bằng chứng cụ thể về mối quan hệ giữa hoạt động thể chất và sức khỏe tinh thần, cũng như các cơ chế nền tảng lý giải vấn đề này. Với thông tin này, bác sĩ lâm sàng có thể đưa ra hướng dẫn phù hợp hơn cho những người đang có những bệnh lý về tâm thần. Để bắt đầu trả lời những câu hỏi này, một nhóm các nhà nghiên cứu đã phân tích một tập dữ liệu lớn, cho phép họ xây dựng nghiên cứu dựa trên hiểu biết về mối liên hệ giữa hoạt động thể chất và sức khỏe tinh thần.

Một nghiên cứu với 152.978 người tham gia

Trong nghiên cứu này, các nhà khoa học đã thu thập dữ liệu từ Ngân hàng Biobank của Vương quốc Anh - một kho dữ liệu bao gồm thông tin từ hơn 500.000 tình nguyện viên từ 40–69 tuổi đến từ Anh, xứ Wales và Scotland.

Từ tháng 8 năm 2009 đến tháng 12 năm 2010, một nhóm nhỏ những người tham gia Biobank của Vương quốc Anh - lên tới 152.978 người tham gia - đã trải qua các bài kiểm tra đo thể lực.

Các nhà điều tra đã đánh giá tình trạng sức khỏe tim mạch của những người tham gia bằng cách theo dõi nhịp tim của họ trước, trong và sau bài kiểm tra dưới mức gắng sức trên xe đạp tại chỗ. Họ cũng đo lực cầm nắm của các đối tượng, mà các nhà nghiên cứu đã sử dụng làm đại lượng biểu thị cho sức mạnh cơ bắp.

Cùng với các bài kiểm tra thể chất này, những người tham gia đã hoàn thành hai bảng câu hỏi lâm sàng tiêu chuẩn liên quan đến vấn đề lo lắng và trầm cảm để cung cấp cho các nhà nghiên cứu cái nhìn tổng quan về sức khỏe tâm thần của họ.

Sau 7 năm, các nhà nghiên cứu đánh giá lại sự lo lắng và trầm cảm của mỗi người bằng cách sử dụng hai bảng câu hỏi lâm sàng giống nhau.

Trong phân tích của họ, các nhà nghiên cứu đã tính đến các yếu tố gây nhiễu, chẳng hạn như tuổi tác, giới tính, các vấn đề về tâm thần trước đó, tình trạng hút thuốc, mức thu nhập, hoạt động thể chất, trình độ học vấn, trầm cảm của cha mẹ và chế độ ăn uống.

Một mối tương quan rõ ràng

Các nhà nghiên cứu đã tìm thấy mối tương quan đáng kể giữa tình trạng thể chất ban đầu của những người tham gia và tình trạng sức khỏe tinh thần của họ trong 7 năm sau đó.

Những người tham gia được phân loại là yếu về cả thể lực và sức mạnh cơ bắp có tỷ lệ mắc chứng trầm cảm cao hơn 98% và tỷ lệ mắc chứng lo âu cao hơn 60%.

Các nhà nghiên cứu cũng xem xét các mối tương quan riêng biệt giữa sức khỏe tinh thần và sức khỏe tim mạch, sức khỏe tinh thần và sức mạnh cơ bắp. Họ phát hiện ra rằng mỗi một chỉ số đều mối liên quan riêng với sức khỏe tinh thần nhưng không ý nghĩa bằng việc kết hợp cả hai chỉ số này.

Theo Aaron Kandola, tác giả chính của nghiên cứu và là một ứng cử viên tiến sĩ trong Khoa Tâm thần học tại Đại học College London, Vương quốc Anh:

“Ở đây, chúng tôi đã cung cấp thêm bằng chứng về mối quan hệ giữa sức khỏe thể chất và tinh thần và rằng bài tập ở các loại hình thể dục khác nhau không chỉ tốt cho sức khỏe thể chất mà còn có thể có lợi cho sức khỏe tinh thần”.

Liệu có mối liên hệ nhân quả?

Nghiên cứu này là một nghiên cứu tiền cứu lớn với thời gian theo dõi dài 7 năm và các thước đo khách quan về cả yếu tố nguy cơ (thể lực và sức mạnh cơ bắp) và kết quả (trầm cảm, lo lắng hoặc cả hai).

Mặc dù nó thể hiện mối tương quan giữa thể chất và kết quả sức khỏe tinh thần tốt hơn, nhưng không nhất thiết là có mối quan hệ nhân quả giữa hai yếu tố này. Ví dụ, những người có sức khỏe tinh thần tốt hơn thường có xu hướng thích hoạt động thể chất hơn.

Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu đã triển khai các kỹ thuật thống kê khác nhau mà họ cho rằng có khả năng có mối quan hệ nhân quả giữa hoạt động thể chất và sức khỏe tinh thần.

Ngoài việc điều chỉnh các yếu tố gây nhiễu tiềm ẩn có liên quan đến cả mức độ thể dục thấp cũng như trầm cảm và lo lắng - chẳng hạn như hút thuốc - các tác giả cũng tiến hành một số phân tích độ nhạy.

Họ đã kiểm tra nguyên nhân ngược lại (khi kết quả thực sự là nguyên nhân) bằng cách loại trừ những người bị trầm cảm hoặc lo lắng khi bắt đầu nghiên cứu. Họ cũng thay đổi các giá trị giới hạn xác định xem mọi người có bị trầm cảm hay không. Cả hai phân tích này đều không thay đổi phát hiện của họ.

Điều còn lại là sự cần thiết phải chứng minh các cơ chế có thể giải thích cho mối quan hệ này.

Tuy nhiên, những phát hiện vẫn rất quan trọng. Ngoài việc cung cấp thêm bằng chứng về tác dụng có lợi của hoạt động thể chất đối với sức khỏe tinh thần, đây cũng là một trong những nghiên cứu đầu tiên sử dụng các biện pháp khách quan về hoạt động thể chất để làm nghiên cứu.

Đối với các nhà nghiên cứu, điều này có thể có ý nghĩa là các biện pháp định lượng về thể chất và đặc biệt là các đo lường cụ thể về cả sức khỏe tim mạch và sức mạnh cơ bắp - chứ không phải đơn thuần là báo cáo cá nhân về hoạt động thể chất hằng ngày - có thể đóng vai trò như các chỉ số về rủi ro sức khỏe tinh thần cho các bác sĩ lâm sàng.

Các nhà nghiên cứu lưu ý rằng mỗi người có thể cải thiện đáng kể về thể chất trong vòng 3 tuần. Dựa trên các số liệu của họ, điều này có thể làm giảm nguy cơ xuất hiện các vấn đề về tâm thần thường gặp lên tới 32,5%.

Đối với Kandola, những phát hiện này đặc biệt phù hợp trước tác động của đại dịch COVID-19 hiện nay.

Kandola nói: “Các báo cáo cho thấy rằng mọi người không hoạt động nhiều như trước, đây là điều đáng lo ngại và thậm chí còn nhiều hơn nữa khi cả nước phải đóng cửa các phòng tập thể dục và hạn chế thời gian mọi người ra khỏi nhà. Hoạt động thể chất là một phần quan trọng trong cuộc sống của chúng ta và có thể đóng một vai trò quan trọng trong việc ngăn ngừa các rối loạn về tâm thần”.

Xem thêm: Hạnh phúc giúp chúng ta khỏe mạnh hơn

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top