Suy tim có thể khiến bạn cảm thấy mệt mỏi suốt cả ngày. Nhưng bạn có biết rằng tình trạng mệt mỏi ban ngày có thể là hậu quả của các rối loạn giấc ngủ do tình trạng suy tim gây nên? Các vấn đề về giấc ngủ có thể kể đến là: chứng ngưng thở khi ngủ, khó thở khi nằm và rối loạn vận động chi định kì.
Nếu bạn thức dậy buổi sáng mà không thấy sảng khoái, luôn thấy buồn ngủ giữa ban ngày hoặc cần giảm thiểu các hoạt động ban ngày do thiếu năng lượng, thì đó là những dấu hiệu cho thấy có điều gì đó tồi tệ đã diễn ra trong khi ngủ.
Hãy cùng tìm hiểu nhiều hơn về các rối loạn giấc ngủ có thể có liên quan tới suy tim và những gì bạn có thể làm để có một đêm ngon giấc.
Ngưng thở khi ngủ
Có tới hơn 70% những người bị suy tim có gặp chứng ngưng thở khi ngủ. Có hai loại ngưng thở khi ngủ:
- Ngưng thở tắc nghẽn (OSA), là loại ngưng thở khi ngủ phổ biến nhất. Đó là khi các cơ bắp ở phía sau họng khép lại quá kín trong khi ngủ, chặn lại một phần hoặc hoàn toàn đường thở.
- Ít phổ biến hơn là ngưng thở khi ngủ trung ương (CSA), thường thấy ở những trường hợp suy tim nặng hơn, đặc biệt là nam giới.
Trong một số trường hợp suy tim, bạn có thể bị một trong hai hoặc cả hai loại ngưng thở này. Cả ngưng thở tắc nghẽn và ngưng thở trung ương đều làm gián đoạn hơi thở vào ban đêm và khiến bạn mệt mỏi vào ban ngày.
Cả hai trường hợp trên có thể dẫn đến giảm nồng độ oxy trong máu, làm tăng mức adrenalin trong cơ thể và kết quả là bạn bị thức giấc. Tất cả các hoạt động đó đều có ảnh hưởng tiêu cực cho việc kiểm soát suy tim.
Khó thở khi nằm
Nhiều người bị suy tim cũng bị khó thở khi nằm, một cảm giác khó thở khi nằm xuống hoặc khó thở kịch phát về đêm (tình trạng thở dốc làm họ tỉnh giấc sau khi mới ngủ được một hoặc hai giờ). Trình trạng này có liên quan đến quá tải áp lực và thể tích tâm thất. Cả hai tình trạng đều được cải thiện khi ngồi hoặc đứng dậy.
Rối loạn vận động chi định kì (PLMD)
Trong PLMD, gia tăng dẫn truyền thần kinh được ở chân tay khiến chúng co giật không tự chủ khi bạn ngủ, và có thể làm bạn tỉnh giấc. Thông thường người ta sẽ không nhớ những lần co giật đó vì chúng diễn ra rất nhanh. Nhưng chúng có thể phá hỏng giấc ngủ và làm bạn thức giấc cảm thấy mệt mỏi.
Mất ngủ
Mất ngủ thường đi đôi với các căn bệnh mãn tính nên cũng có thể là nguyên nhân. Nếu bị một căn bệnh mãn tính, thường bạn sẽ lo lắng ở một mức nhất định. Đôi khi là về việc nhập viện, hoặc vấn đề thuốc men. Hoặc cũng có thể do giảm vận động. Tất cả những điều này đều ảnh hưởng đến khả năng duy trì giấc ngủ.
Tìm kiếm tư thế ngủ tốt hơn
Hầu hết những người bị suy tim dần dần đều tìm ra được tư thế ngủ tốt nhất qua việc thử các tư thế ngủ khác nhau. Dưới đây là 5 điều nên thử nếu bạn bị suy tim và đang đấu tranh để có một đêm ngon giấc.
Đi khám phát hiện chứng ngưng thở khi ngủ
Trong các trường hợp ngưng thở tắc nghẽn, máy tạo áp lực dương liên tục cho đường thở (CPAP) hoặc phương pháp điều trị khác có thể được chỉ định. Ở một số bệnh nhân sử dụng CPAP, các bác sĩ thấy được sự cải thiện của phân suất tống máu (chỉ số đánh giá chức năng bơm máu của tim) và thậm chí có một số dữ liệu cho thấy chứng loạn nhịp tim cũng có thể giảm bớt bằng sự can thiệp này.
Nằm nghiêng
Nếu bị ngưng thở khi ngủ, nằm nghiêng có thể có ích cho những người không điều trị theo phương pháp CPAP. Ở những bệnh nhân suy tim, tư thể ngủ nằm nghiêng trái hoặc phải có thể làm giảm tình trạng ngưng thở khi ngủ.
Có một số tranh cãi xung quanh vấn đề nằm nghiêng phải hay trái là tốt nhất. Nếu bạn có cấy máy khử rung nhĩ, hãy nằm ngủ nghiêng ở bên đối diện. Hầu hết những người cấy máy khử rung nhĩ đều đặt ở bên trái, vì vậy nằm ngủ nghiêng bên phải có thể giúp bạn cảm thấy thoải mái hơn.
Còn nếu không, đôi khi nằm nghiêng trái sẽ giúp bạn thấy thoải mái hơn vì giống như khi mang thai, nó làm giảm áp lực vào tĩnh mạch chủ dưới (mạch máu lớn nhất cơ thể, nằm lệch phải).
Nằm cao đầu khi ngủ
Một số người cần nằm gối hoặc cần kê cao đầu đề ngủ dễ hơn. Nằm kê cao đầu có thể giảm áp lực và thế tích cho phổi bị tắc nghẽn bao gồm khó thở khi nằm và khó thở kịch phát về đêm. Bạn có thể sử dụng giường nâng cao đầu được. Kê thêm gối vào cũng hiệu quả nhưng toàn bộ lưng, cũng với đầu của bạn cần phải được nâng lên.
Nâng cao chân
Nếu bạn bị phù chân, bạn có thể cần tìm một chiếc gối thoải mái kê dưới chân để giảm phù. Đeo tất áp lực vào ban đêm cũng có thể có hiệu quả.
Tránh ngủ ở tư thể nằm đầu bằng, trừ khi bạn có máy tạo áp lực dương đường thở liên tục (CPAP)
Người sử dụng CPAP có thể ngủ ở bất cứ tư thế họ muốn bởi vì máy này có thể ngăn chứng ngưng thở khi ngủ.
Không kể đến tư thế khi ngủ, nếu bạn muốn có một đêm ngon giấc khi mà bạn bị suy tim hoặc bất cứ căn bệnh mãn tính não khác, bạn nên tập trung vào những thói quen ngủ. Hãy duy trì một thời điểm đi ngủ và thức giấc thường xuyên, tránh sử dụng đồ uống có cồn và caffeine trước khi đi ngủ -hai thứ mà đều có thể phá vỡ giấc ngủ của bạn- và hãy tắt các thiết bị điện tử trước khi ngủ một vài giờ vì chúng có thể khiến bạn khó vào giấc.
Nếu bác sĩ đồng ý, các bệnh nhân bị suy tim có thể tập thể dục hàng ngày. Một bài tập tim mạch hàng ngày từ 20 đến 30 phút trước khi đi ngủ từ 4 đến 5 tiếng giúp cải thiện sự ổn định giấc ngủ, khả năng hình thành giấc ngủ và duy trì giấc ngủ.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh