✴️ Tuyến Bartholin (hay còn gọi là tuyến chất nhờn)

1. Tuyến Bartholin là gì?

Tuyến Bartholin (còn gọi là tuyến chất nhờn) là cặp tuyến nhỏ nằm ở hai bên cửa âm đạo, có chức năng tiết dịch nhờn giúp bôi trơn và tạo độ ẩm cho âm đạo, đặc biệt trong quá trình quan hệ tình dục.

viem-tuyen-bartholin

Viêm tuyến bartholin khiến cho phái nữ đau khi quan hệ

2. Nguyên nhân gây viêm tuyến Bartholin

Viêm tuyến Bartholin xảy ra khi tuyến bị nhiễm khuẩn hoặc tắc nghẽn. Một số nguyên nhân thường gặp bao gồm:

  • Vệ sinh vùng kín không đúng cách: tạo điều kiện cho vi khuẩn đường ruột xâm nhập vào cơ quan sinh dục.

  • Nhiễm khuẩn âm hộ, âm đạo không được xử trí triệt để, lan vào tuyến Bartholin.

  • Tắc ống tuyến do chất nhầy đặc, gây ứ đọng và hình thành u nang Bartholin.

  • Quan hệ tình dục không an toàn, lây truyền vi khuẩn như E. coli, Gonorrhoeae, Chlamydia,…

  • Phụ nữ trong độ tuổi sinh sản có nguy cơ cao do hoạt động tuyến mạnh mẽ hơn.

3. Triệu chứng của viêm tuyến Bartholin

3.1. Viêm tuyến Bartholin cấp tính

  • Đau một bên âm hộ, tăng khi đi lại, ngồi lâu hoặc giao hợp.

  • Vùng viêm sưng đỏ, nóng, đau, có thể lan rộng nếu không kiểm soát.

  • Trường hợp nặng có thể xuất hiện ổ mủ, tạo áp xe tuyến Bartholin.

3.2. Viêm tuyến Bartholin mạn tính

  • Tuyến sưng to sau quan hệ, nắn thấy khối rắn, đau, có thể chảy mủ.

  • Rối loạn tiểu tiện: đau rát khi tiểu, tiểu nhiều lần, kích thích bàng quang.

  • Nang hóa tuyến: do viêm kéo dài hoặc tắc ống tuyến, tạo khối nang không đau. Nếu bội nhiễm sẽ thành áp xe chứa mủ.

4. Chẩn đoán viêm tuyến Bartholin

  • Khám phụ khoa lâm sàng: đánh giá tổn thương, vị trí khối sưng, mức độ đau.

  • Lấy dịch mủ để xét nghiệm vi sinh, xác định tác nhân gây bệnh.

  • Lấy mẫu từ cổ tử cung và niệu đạo nếu nghi ngờ nhiễm khuẩn lây truyền qua đường tình dục.

  • Trường hợp nghi ngờ u nang tuyến tái phát nhiều lần, có thể chỉ định siêu âm hoặc sinh thiết để loại trừ u ác tính (hiếm gặp).

viem-tuyen-bartholin-2

Tuyến bartholin trong cấu tạo của bộ phận sinh dục ngoài

5. Phương pháp xử trí viêm tuyến Bartholin

5.1. Điều trị nội khoa

  • Ngâm nước ấm: 2–3 lần mỗi ngày giúp giảm viêm, hỗ trợ dẫn lưu dịch ở u nang nhỏ.

  • Thuốc kháng sinh: chỉ định khi có nhiễm khuẩn – lựa chọn theo tác nhân vi sinh và kháng sinh đồ.

  • Thuốc chống viêm – giảm đau: giúp cải thiện triệu chứng, hạn chế phù nề.

5.2. Điều trị ngoại khoa

  • Chích rạch áp xe dẫn lưu mủ: áp dụng trong trường hợp viêm cấp có mủ.

  • Rạch bóc nang tuyến Bartholin: khi nang hóa lớn, tái phát nhiều lần hoặc gây đau.

  • Đặt ống dẫn lưu hoặc phẫu thuật tạo ống dẫn mới (marsupialization) để ngăn tái phát.

6. Khi nào cần đến cơ sở y tế?

Chị em nên đi khám phụ khoa khi có các dấu hiệu sau:

  • Sưng, đau, nóng đỏ một bên âm hộ.

  • Khối u vùng môi lớn kèm theo tiết dịch bất thường.

  • Khó khăn khi đi lại, ngồi lâu hoặc khi giao hợp.

  • Viêm tái phát nhiều lần, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống.

7. Kết luận

Viêm tuyến Bartholin là bệnh lý phụ khoa không hiếm gặp ở phụ nữ trong độ tuổi sinh sản. Bệnh có thể điều trị hiệu quả nếu phát hiện sớm và xử trí đúng cách. Tự điều trị không đúng hoặc chậm trễ có thể gây biến chứng như áp xe, rò tuyến hoặc ảnh hưởng đến chức năng sinh dục và sinh sản.

 

 

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top