Nội soi dạ dày (nội soi tiêu hóa) là thủ thuật đưa ống nội soi mềm vào trong đường tiêu hóa, tiến hành thăm khám trực tiếp niêm mạc thực quản, dạ dày, tá tràng để kiểm tra tình trạng, phát hiện những tổn thương và tiến hành điều trị.
Nội soi dạ dày được chỉ định thực hiện với các mục đích: Phát hiện và điều trị các bệnh dạ dày, tiêu hóa: loét dạ dày, trào ngược dạ dày, đau thượng vị dạ dày, xuất huyết dạ dày, giãn tĩnh mạch thực quản... Lấy các dị vật trong đường tiêu hóa, chẩn đoán, phát hiện vi khuẩn H.Pylori (Helicobacter Pylori) trong dạ dày. Vi khuẩn HP là nguyên nhân chính gây ung thư dạ dày. Tầm soát và điều trị các bệnh ung thư và tiền ung thư dạ dày, đại trực tràng...
Người bệnh cần tiến hành nội soi dạ dày khi thấy các triệu chứng bất ổn về đường tiêu hóa như: Đau ở vùng xương ức, vị trí thượng vị dạ dày. Thường xuyên ợ chua, ợ hơi. Có cảm giác bị trào ngược. Chán ăn, chậm tiêu, đầy hơi. Buồn nôn hoặc nôn, nôn ra máu. Đi ngoài ra máu. Đau và nóng rát thượng vị dạ dày. Ho liên tục, viêm họng kéo dài, tái đi tái lại nhiều lần. Nuốt đau hoặc khó nuốt, cảm giác vướng ở cổ họng. Sụt cân nhanh chóng, không rõ nguyên nhân. Gia đình có người nhiễm vi khuẩn HP... Nội soi dạ dày còn được thực hiện trong khám sức khỏe tổng quát, tầm soát các bệnh về dạ dày, tiêu hóa, tầm soát ung thư.
Cần nhịn ăn bao lâu trước khi nội soi dạ dày?
Trước khi nội soi dạ dày cần nhịn ăn ít nhất 6 giờ để có thể quan sát rõ lớp niêm mạc dạ dày và tránh bị trào ngược, sặc thức ăn. Ngoài ra, người bệnh không được uống các loại sữa, nước có màu như nước hoa quả, nước ngọt, cà phê... trước khi nội soi vì sẽ ảnh hưởng đến khả năng quan sát.
Để đảm bảo kết quả tốt nhất nên nội soi dạ dày vào buổi sáng, thời gian ngủ qua đêm sẽ giúp thức ăn tiêu hóa hết. Trường hợp nội soi khi bị hẹp môn vị, người bệnh cần nhịn ăn từ 12 - 24 tiếng hoặc phải đặt ống bơm rửa dạ dày trước khi nội soi. Nếu trường hợp nội soi phải gây mê, người bệnh cần tuyệt đối nhịn ăn uống từ 6-8 giờ, bao gồm cả nước lọc để tránh trào ngược vào phổi.
Ai không nên nội soi dạ dày?
Không chống chỉ định tuyệt đối nội soi dạ dày, tuy nhiên những trường hợp bị suy hô hấp, suy tim, nhồi máu cơ tim, người nghi ngờ bị thủng hoặc đã bị thủng dạ dày, bỏng do uống axit, hay người ăn quá no... thì bác sĩ sẽ cân nhắc trước khi chỉ định nội soi.
Trường hợp bệnh nhân đang sử dụng các loại thuốc trong thời gian gần đây hoặc có tiền sử dị ứng thuốc, cần báo cho bác sĩ trước khi tiến hành thủ thuật nội soi dạ dày.
Nội soi dạ dày có đau không?
Về cơ bản, các phương pháp nội soi dạ dày không gây mê qua đường miệng hoặc đường mũi đều nằm trong khả năng chịu đau của người bệnh. Tuy nhiên, cách thức nội soi như thế này vẫn khiến nhiều người e ngại bởi cảm giác đau và khó chịu. Cụ thể:
Nội soi qua đường miệng không gây mê: ống nội soi được đưa vào thực quản, dạ dày qua đường miệng. Phương pháp này có ưu điểm là độ chính xác cao, dễ thực hiện và chi phí hợp lý. Nhưng lại có nhược điểm là có cảm giác khó chịu và buồn nôn.
Nội soi qua đường mũi, không gây mê: ống nội soi được đưa vào cơ thể qua đường mũi, ưu điểm: độ chính xác cao, dễ thực hiện, đường kính ống nội soi nhỏ nên dễ chịu hơn nội soi đường miệng. Nhược điểm là chi phí cao hơn và không phải ai cũng có thể chịu được phương pháp này, nhất là đối với trẻ em hoặc người có dị tật ở mũi.
Đa số hiện nay người nội soi sẽ được sử dụng thuốc gây mê trước khi tiến hành nội soi. Vì vậy người bệnh sẽ không thấy đau hay khó chịu.
Những lưu ý sau khi nội soi dạ dày
Sau khi nội soi dạ dày nên hạn chế ăn các loại thức ăn cay nóng có thể gây tổn thương niêm mạc dạ dày. Nội soi dạ dày có thể khiến người bệnh khó chịu ở bụng và cổ họng, cảm giác buồn nôn do ống soi luồn vào sâu bên trong dạ dày. Bạn không nên sử dụng các loại thuốc hỗ trợ vì cảm giác này sẽ nhanh chóng biến mất sau 12 - 24 giờ. Nếu quá đau họng thì có thể súc miệng nước muối pha loãng, sẽ thấy dễ chịu hơn.