✴️ 7 triệu chứng của sỏi thận phổ biến nhất

Nội dung

Triệu chứng của sỏi thận phổ biến nhất là cơn đau từ vùng lưng rồi lan nhanh qua vùng bụng, xuống cả vùng hạ vị. Tuy nhiên sỏi thận còn biểu hiện ở nhiều dấu hiệu khác mà có thể người bệnh không nhận ra. Dưới đây là 7 triệu chứng thường gặp nhất để bạn đọc cùng biết.

 

1. Triệu chứng của sỏi thận thường gặp nhất

1.1. Cơn đau từ vùng lưng xuống bụng

Đây là cơn đau phổ biến nhất của những ai mắc sỏi thận. Nguyên nhân gây đau là do sự di chuyển của sỏi ở trong hệ tiết niệu. Cơn đau có thể khác nhau tùy thuộc vào vị trí của sỏi.

– Cơn đau quặn thận đột ngột và dữ dội: Đây là cơn đau do sỏi di chuyển trong thận, người bệnh bắt đầu đau từ vùng thắt lưng, đau xuống vùng hạ sườn, lan xuống vùng bẹn đùi và cả bộ phận sinh dục.

– Cơn đau âm ỉ, đau nhẹ vùng hông: Cơn đau này có thể là dấu hiệu của sỏi nhỏ ở vùng bể thận hoặc sỏi niệu quản ⅓ trên.

– Cơn đau xuất hiện khi đi tiểu, có thể bí tiểu, tắc tiểu: Cơn đau này xuất hiện khi sỏi rơi xuống bàng quang bị kẹt ở niệu đạo.

– Một vài cơn co thắt từ bên trong, kéo dài từ 20 phút đến 1 tiếng, thậm chí là vài tiếng vì sỏi cọ xát ở trong hệ tiết niệu.

Triệu chứng của sỏi thận có thể là cơn đau vùng lưng lan xuống bụng và hạ vị

Triệu chứng của sỏi thận có thể là cơn đau vùng lưng lan xuống bụng và hạ vị

 

1.2. Tiểu buốt, đi tiểu nhiều lần trong ngày

Với lượng nước uống như bình thường nhưng đi tiểu nhiều lần hơn thì rất có thể bạn đã có sỏi trong hệ tiết niệu. Nếu có triệu chứng tiểu buốt, rất có thể sỏi đã cọ xát gây tổn thương niêm mạc tiết niệu, nếu để lâu có thể gây ra viêm nhiễm.

1.3. Triệu chứng của sỏi thận có thể là tiểu hồng, tiểu máu

Lớp niêm mạc bị sỏi cọ xát sẽ tổn thương nghiêm trọng, bị trầy xước. Khi nước tiểu đi qua sẽ mang theo máu ra ngoài gây nên hiện tượng tiểu máu. Đôi khi bạn thấy nước tiểu có màu hồng nhưng có khi hiện tượng tiểu máu lại không thể trông thấy bằng mắt thường.

1.4. Nước tiểu có mùi bất thường và màu đục hơn cũng là triệu chứng của sỏi thận

Ở người bình thường, màu nước tiểu thường vàng nhạt và không có mùi nặng hay khác lạ. Tuy nhiên, nếu sỏi gây nên biến chứng nhiễm trùng thì nước tiểu sẽ chứa nhiều vi khuẩn, sẽ bị nặng mùi và đục hơn.

Sỏi thận có thể gây nhiễm trùng đường niệu nhanh chóng nếu không được phát hiện. Do đó, nếu nước tiểu có mùi và màu bất thường trong thời gian dài mà không có sự can thiệp bởi thuốc trước đó thì bạn cần đến thăm khám ngay với bác sĩ chuyên khoa tiết niệu.

1.5. Bị tắc nghẽn đường tiểu khiến lượng nước tiểu ít hơn

Khi sỏi kẹt ở niệu quản hoặc niệu đạo, sỏi có thể làm chậm và tắc nghẽn đường tiểu. Biểu hiện rõ ràng nhất là người mắc sỏi đi tiểu rất ít, tiểu lắt nhắt. Nếu muốn đi tiểu mà không đi được, bạn cần đến ngay cơ sở y tế vì đây là dấu hiệu cần cấp cứu thông đường tiểu ngay lập tức.

1.6. Muốn nôn hoặc nôn ói

Tưởng chừng chỉ liên quan đến đường tiêu hóa nhưng triệu chứng nôn cũng có thể là dấu hiệu của sỏi. Thực ra, đây là biến chứng khi sỏi gây tắc đường niệu, làm ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa, khiến dạ dày co thắt và kích thích sự buồn nôn, nôn mửa.

1.7. Sốt đau, mệt mỏi như cúm

Nếu bệnh sỏi thận gây nhiễm trùng đường niệu nặng nề, người bệnh có thể bị sốt, ớn lạnh, đổ mồ hôi, nóng lạnh không rõ. Tình trạng nhiễm trùng nghiêm trọng này cũng cần can thiệp y tế ngay lập tức.

Triệu chứng của sỏi thận có thể giống với hiện tượng bị cúm bao gồm sốt rét, nôn...

Triệu chứng của sỏi thận có thể giống với hiện tượng bị cúm bao gồm sốt rét, nôn…

 

2. Khắc phục các triệu chứng của sỏi thận

Các triệu chứng kể trên xuất hiện khi sỏi đã gây biến chứng, cần xử trí và điều trị ngay lập tức. Phác đồ điều trị cần đi từ việc xử lý gấp các biến chứng như viêm nhiễm, tổn thương niêm mạc, giải quyết tắc nghẽn… rồi tiến hành lấy sỏi ra ngoài. Các phương pháp cụ thể phụ thuộc từng tình trạng khác nhau. Người bệnh khi gặp các triệu chứng kể trên cần đến ngay cơ sở y tế để được thăm khám và xử trí ngay lập tức.

2.1. Điều trị bằng thuốc

Đối với các biến chứng và cơn đau, thông thường chỉ định điều trị là dùng thuốc. Các loại thuốc giảm đau, bôi trơn, chống viêm sẽ được kê cho trường hợp viêm nhiễm tiết niệu. Đối với bệnh nhân tắc nghẽn đường tiểu, bác sĩ sẽ tiến hành thông tiểu cho bệnh nhân bằng ống dẫn tiểu. Sau khi điều trị dứt điểm các biến chứng, việc lấy sỏi ra ngoài cũng tùy vị trí và kích thước của sỏi mà có giải pháp thích hợp.

2.2. Điều trị bàng phương pháp tán sỏi

Một số phương pháp được đánh giá là hiệu quả và an toàn được ứng dụng phổ biến hiện nay là:

– Tán sỏi ngoài cơ thể cho sỏi thận bé hơn 1.5 cm, sỏi niệu quản ⅓ trên, sát bể thận và bé hơn 1cm: Phương pháp này hoàn toàn không đau, tán xong là về ngay.

– Tán sỏi qua da đường hầm nhỏ dành cho sỏi thận >1.5cm, sỏi niệu quản ⅓ trên lớn hơn 1.5cm: Phương pháp này thay thế cho mổ mở với vết rạch rất nhỏ trên lưng nên gần như không có sẹo, ít đau và chóng phục hồi hơn.

– Tán sỏi nội soi ngược dòng dành cho sỏi bàng quang, sỏi niệu quản đa kích thước: Tán sỏi ngược dòng cho ống nội soi đi vào qua niệu đạo nên không cần mổ, an toàn và rất nhanh sẽ xuất viện.

Nếu có dấu hiệu bất thường nghi ngờ sỏi thận thì không nên chủ quan mà nên thăm khám sớm nhất có thể. Sau khi thăm khám và được điều trị dứt điểm, người bệnh cần chú ý đến thực đơn ăn uống hằng ngày, có chế độ sinh hoạt lành mạnh, uống thật nhiều nước và tái khám theo lịch để đề phòng sỏi tái phát.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top