Sỏi bàng quang là các chất khoáng hình thành thành những khối đá nhỏ trong bàng quang. Sỏi bàng quang phát triển khi nước tiểu trong bàng quang bị tập trung, gây ra kết tinh khoáng chất trong nước tiểu. Nguyên nhân gây tập trung, tù đọng nước tiểu có thể do tăng sinh tuyến tiền liệt lành tính, tổn thương dây thần kinh bàng quang hoặc do nhiễm trùng đường tiết niệu. Sỏi xuất hiện tại bàng quang cũng có thể do sỏi hình thành từ thận và niệu quản và rơi xuống đây.
Ở giai đoạn đầu, sỏi bàng quang thường không xuất hiện những dấu hiệu hay triệu chứng. Người bệnh có thể phát hiện ra bệnh khi vô tình đi siêu âm, chụp X-quang hoặc kiểm tra các vấn đề sức khoẻ khác. Khi kích thước sỏi đã lớn và gây tổn thương bàng quang, người bệnh thường gặp một số triệu chứng như: đau bụng, tiểu tiểu buốt, tiểu rắt, tiểu ra máu,..
Sỏi bàng quang có kích thước nhỏ có thể tự đẩy ra ngoài theo dòng nước tiểu. Tuy nhiên khi sỏi đã lớn thì cần tiến hành can thiệp ngoại khoa mới có thể loại bỏ sỏi. Các phương pháp phẫu thuật điều trị sỏi bàng quang hiện nay là: tán sỏi nội soi ngược dòng bằng laser, nội soi lấy sỏi và mổ hở lấy sỏi bàng quang. Trong đó, mổ lấy sỏi bàng quang là phương pháp đầu tiên được áp dụng trong điều trị sỏi bàng quang.
Việc chỉ định mổ mở lấy sỏi bàng quang được thực hiện cho những trường hợp
– Sỏi bàng quang có kích thước lớn.
– Sỏi bàng quang không thể điều trị bằng phương pháp tán sỏi nội soi ngược dòng bằng laser hay mổ nội soi lấy sỏi.
– Sỏi bàng quang có kèm theo hẹp niệu đạo, u xơ tiền liệt tuyến, xơ cứng cổ bàng quang, túi thừa bàng quang.
Mổ bằng quang lấy sỏi là phẫu thuật khá đơn giản nhưng thời gian hậu phẫu thường kéo dài hơn nhiều so với phương pháp tán sỏi nội soi ngược dòng bằng laser.
Mổ sỏi bàng quang tuy được đánh giá là phẫu thuật khá đơn giản, nhưng trong và sau mổ người bệnh có thể gặp một số biến chứng sau:
– Chảy máu trong lúc mổ: theo dõi bằng cách đánh giá lượng máu mất qua phẫu thuật.
– Chảy máu sau mổ: Theo dõi nước tiểu qua sonde niệu đạo.
– Nhiễm trùng sau mổ: Theo dõi bằng cách đo nhiệt độ hàng ngày
– Ngoài ra có thể có biến chứng rò nước tiểu.
Hiện nay, với sự phát triển của y học, phương pháp tán sỏi nội soi bằng laser qua đường niệu đạo ngày càng được áp dụng phổ biến, thay thế dần phương pháp mổ hở với nhiều ưu điểm vượt trội: ít xâm lấn, không có vết mổ, không đau, hạn chế tối đa các biến chứng của phương pháp mổ hở. Phương pháp mổ hở thường chỉ áp dụng khi người bệnh không thể thực hiện được nội soi tán sỏi.
Trước khi tiến hành mổ, người bệnh cần làm các xét nghiệm chẩn đoán bệnh và các xét nghiệm cơ bản khác để đảm bảo người bệnh có đủ sức khỏe để thực hiện phẫu thuật như chụp X-quang, sỏi bàng quang (xác định số lượng, hình dáng, kích thước sỏi), xét nghiệm nước tiểu,..
Bước 1: Chuẩn bị
Người bệnh được giảm đau bằng gây tê tuỷ sống hay gây mê (tùy theo tình trạng cụ thể) và được chuẩn bị theo quy trình chuẩn bị người bệnh trước mổ.
Bước 2: Tư thế bệnh nhân;
Người bệnh được hướng dẫn nằm ở tư thế ngửa, đầu thấp. Sát trùng vị trí mổ. Có thể cần đặt sonde niệu đạo, sau đó nối sonde niệu đạo với túi nước tiểu vô trùng.
Bước 3: Bộc lộ bàng quang ngoài phúc mạc
Bộc lộ mặt trước và vén phúc mạc phủ mặt trước bàng quang. Giải phóng toàn bộ vùng phúc mạc dính vào vùng đáy bàng quang để giải phóng mặt bên và mặt sau của bàng quang.
Bước 4: Mở bàng quang
Mổ mở bàng quang, kiểm tra sỏi trong bàng quang. Dùng kìm để gắp sỏi qua lỗ mở. Bơm rửa bàng quang.
Bước 5: Đóng bàng quang:
Đặt sonde niệu đạo. Chỉ đặt dẫn lưu bàng quang khi không đặt được sonde niệu đạo. Lau rửa bàng quang bằng huyết thanh mặn và khâu lại bàng quang, Khâu lại phúc mạc, lau rửa vết mổ, đặt dẫn lưu và đóng ổ bụng.
Sau mổ, người bệnh chuyển đến phòng hồi sức và được xuất viện sau khoảng 5-7 ngày theo dõi.
Để người bệnh nhanh phục hồi sau mổ và tránh tái lại sỏi, bệnh nhân và gia đình cần lưu ý một số điểm sau:
Sau khi mổ, người bệnh cần nghỉ ngơi nhiều nhưng cũng không nên nằm một chỗ quá lâu. Sau khi có nhu động ruột, người bệnh có thể ăn trở lại, nên ăn những loại dễ tiêu hoá như cháo, súp, phở,..
– Người bệnh nên uống trên 2 lít nước mỗi ngày để hệ tiết niệu hoạt động thông suốt, tuyệt đối không được nhịn tiểu.
– Hạn chế sử dụng các loại thức ăn tạo sỏi: nếu người bệnh có sỏi canxi nên hạn chế ăn đồ hải sản như tôm, cua, nghêu, sò… Người bệnh có sỏi urat nên hạn chế các loại thức ăn giàu purin (thịt bò, thịt lợn, nội tạng động vật, tôm, thức ăn lên men,..). Trường hợp sỏi oxalat nên hạn chế thức ăn có nhiều oxalic (trà, cà phê, khoai lang, rau chân vịt…)
– Tập thể dục nhẹ nhàng, vận động thường xuyên để nâng cao sức khoẻ đồng thời tránh sỏi tái phát.
– Tuân thủ chế độ ăn nhạt, hạn chế tối đa lượng muối mỗi ngày không quá 2.3g
– Khi có các dấu hiệu bất thường: sốt, nhiễm trùng vết mổ, tiểu ra máu,.. cần liên hệ lại với bác sĩ để được tư vấn và thăm khám kịp thời.
Hy vọng bài viết trên đã giúp bạn giải đáp được thắc mắc mổ sỏi bàng quang có nguy hiểm không. Để ca mổ diễn ra thành công và hạn chế những biến chứng sau mổ, người bệnh cần tìm hiểu và lựa chọn bệnh viện uy tín với đội ngũ bác sĩ giỏi và giàu kinh nghiệm.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh