Sỏi thận là bệnh lý phổ biến tại hệ tiết niệu. Loại bỏ sỏi thận có nhiều phương pháp khác nhau. Trong đó các phương pháp tán sỏi công nghệ cao mang lại hiệu quả điều trị rất tốt. Cùng tìm hiểu về các phương pháp tán sỏi thận ngay trong bài viết dưới đây.
1. Sỏi thận – Biểu hiện và biến chứng
Sỏi thận là những khoáng chất lắng đọng và muối kết tinh lại với nhau bên trong thận. Sỏi thận có thể rơi xuống niệu quản, bàng quang tạo thành sỏi niệu quản, sỏi bàng quang. Sỏi thận có thể nhỏ vài mm đến to hàng chục cm. Sỏi thận cũng là bệnh có tỷ lệ tái phát cao nếu không được theo dõi thường xuyên và kiêng khem cẩn thận.
Bệnh sỏi thận có thể diễn tiến âm thầm hoặc dữ dội với nhiều biểu hiện lâm sàng khác nhau. Người bị bệnh sỏi thận thường gặp phải tình trạng đau mỏi vùng thắt lưng, lan xuống vùng hông, bụng dưới. Cơn đau sỏi thận có thể âm ỉ hoặc dữ dội. Tình trạng đau được gây ra bởi kích thước viên sỏi lớn gây tắc ở đài, bể thận hoặc sỏi di chuyển xuống niệu quản, bàng quang.
Nếu không được điều trị kịp thời, sỏi thận có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm. Khi sỏi rơi xuống niệu quản, bàng quang gây chảy máu, tổn thương hệ tiết niệu dễ dẫn đến nhiễm trùng, viêm đường niệu. Sỏi to bít tắc khiến nước tiểu ứ đọng gây ra giãn đài bể thận, suy thận cấp và mạn tính. Do đó, khi có bất cứ dấu hiệu nào của bệnh sỏi thận cần sớm thăm khám và điều trị kịp thời.
2. Loại bỏ sỏi thận bằng phương pháp tán sỏi
Tùy thuộc vào kích thước và vị trí của viên sỏi bác sĩ sẽ đưa ra chỉ định phương pháp điều trị phù hợp.
Nếu sỏi nhỏ, bề mặt nhẵn, chưa gây ra biến chứng có thể điều trị nội khoa kết hợp điều chỉnh chế độ ăn uống.
Nếu sỏi to, có nhiều viên cần thiết phải can thiệp ngoại khoa để loại bỏ sỏi. Với sự phát triển của y học hiện đại ngày nay, loại bỏ sỏi thận bằng các phương pháp tán sỏi tiên tiến đang là lựa chọn hàng đầu. Hiện nay, có ba phương pháp phổ biến được áp dụng là: Tán sỏi ngoài cơ thể, tán sỏi qua da và tán sỏi nội soi ngược dòng.
2.1. Loại bỏ sỏi thận bằng phương pháp tán sỏi ngoài cơ thể
Với phương pháp này, bác sĩ sử dụng sóng xung kích tác động từ bên ngoài cơ thể. Bác sĩ điều khiển hệ thống máy tán sỏi làm sao sóng xung kích tập trung tại vị trí có sỏi. Sóng xuyên qua cơ thể, truyền trong môi trường nước, hội tụ tại viên sỏi và phá vỡ viên sỏi thành nhiều mảnh vụn nhỏ. Các mảnh vụn sỏi sẽ được tống xuất ra bên ngoài theo đường nước tiểu.
Phương pháp tán sỏi ngoài cơ thể có những ưu điểm sau:
– Loại bỏ sỏi mà không gây ảnh hưởng đến thận. Sau khi loại bỏ sỏi, chức năng thận hồi phục rất tốt.
– Đây là phương pháp không xâm lấn, không chảy máu, không gây đau đớn. Do đó bệnh nhân nhanh hồi phục, không phải lo lắng về nhiễm trùng vết mổ hay lo sợ sẹo xấu.
– Thời gian thực hiện ngắn. Bệnh nhân hoàn toàn tỉnh táo trong quá trình thực hiện loại bỏ sỏi và có thể ra viện ngay sau tán sỏi. Trở lại công việc, học tập ngay mà không cần kiêng khem.
– Không tán được sỏi có kích thước lớn.
– Với những viên sỏi có kích thước lớn và cứng tán lần 1 chưa vỡ hết cần phải tán lại lần 2, 3. Mỗi lần tán sỏi cách nhau từ 2 đến 3 tuần gây tốn kém tiền bạc và thời gian đi lại.
2.2. Tán sỏi thận bằng phương pháp tán sỏi qua da
Phương pháp này bác sĩ sẽ tạo một đường hầm nhỏ đường kính khoảng 5mm xuyên da vào bên trong cơ thể. Thiết bị tán sỏi sẽ được đưa qua đường hầm nhỏ, tiếp cận vị trí sỏi. Năng lượng laser sẽ giúp phá vỡ viên sỏi thành nhiều mảnh nhỏ. Những mảnh sỏi to sẽ được đưa ra ngoài qua đường hầm nhỏ. Những mảnh vụn sỏi nhỏ sẽ được tống xuất ra khỏi cơ thể theo đường nước tiểu.
Phương pháp tán sỏi qua da có những ưu điểm như sau:
– Tán nhỏ được những viên sỏi có kích thước lớn.
– Ít xâm lấn, ít gây chảy máu, ít đau.
– Vết mổ chỉ 5mm nên tránh được nhiễm trùng vết mổ, tránh sẹo xấu, bệnh nhân nhanh hồi phục.
– Bệnh nhân chỉ cần lưu viện từ 3 đến 4 ngày. Có thể trở lại sinh hoạt bình thường sau tán sỏi từ 7 đến 10 ngày.
– Bảo tồn chức năng thận tốt.
Tuy nhiên tán sỏi qua da có nhược điểm:
– Có nguy cơ gây chảy máu bên trong, nhiễm trùng vết mổ nếu bác sĩ thực hiện còn thiếu kinh nghiệm.
– Nếu không được xử lý chính xác khi tạo đường hàm nhỏ có thể dẫn đến nhiễm khuẩn.
Phương pháp này, bác sĩ dùng ống mềm đi theo đường tự nhiên lên niệu đạo, bàng quang, niệu quản đến thận. Năng lượng laser sẽ phá vỡ viên sỏi thành nhiều mảnh nhỏ. Các mảnh sỏi to sẽ được đưa ra ngoài.
Ưu điểm của phương pháp này:
– Tán được nhiều loại sỏi, cả sỏi có kích thước lớn và nằm ở vị trí hiểm hóc.
– Đảm bảo xử lý sạch sỏi chỉ trong một lần thực hiện.
– Thời gian thực hiện nhanh, chỉ khoảng 30 đến 50 phút.
– Phương pháp an toàn, không có sẹo, không đau, không gây tổn thương hệ tiết niệu.
– Bệnh nhân phục hồi nhanh, có thể ra viện sau 1 ngày theo dõi.
Như vậy, điều trị sỏi thận hiện nay có nhiều phương pháp. Trong đó tán sỏi công nghệ cao là những phương pháp điều trị hiệu quả và có nhiều ưu điểm vượt trội. Tuy nhiên các phương pháp này đều là những kỹ thuật khó, đòi hỏi phải được thực hiện bởi bác sĩ giỏi và trang bị máy móc hiện đại. Do đó, người bệnh muốn điều trị sỏi thận cần đến cơ sở y tế uy tín để thực hiện.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh