✴️ Phẫu thuật đóng rò niệu đạo trực tràng bẩm sinh

ĐẠI CƯƠNG

Rò niệu đạo trực tràng bẩm sinh là một bất thường hiếm gặp, chiếm dưới 1% trong số các di tật hậu môn trực tràng. Trong phẫu thuật nhi khoa, Pena và Vries đã tinh giản đường vào qua xương cùng mà Stephens đã mô tả từ năm 1953, và đến nay đường vào qua xương cùng này đã trở thành đường tiếp cận hàng đầu trong việc điều trị các dị tật hậu môn-trực tràng.

 

CHỈ ĐỊNH

Rò niệu đạo trực tràng không kèm hẹp niệu đạo.

 

CHỐNG CHỈ ĐỊNH

Khi có tắc nghẽn cổ bàng quang, hẹp niệu đạo.

 

CHUẨN BỊ

Người thực hiện: một phẫu thuật viên chính, hai bác sỹ phụ mổ.

Người bệnh: được chuẩn bị như mổ phiên thông thường. Cần chuẩn bị ruột như mổ đại tràng. Giải thích cho người bệnh và người nhà cách thức mổ, tác dụng chữa bệnh của phẫu thuật, những nguy cơ, biến chứng có thể xảy ra.

Phương tiện: bộ phẫu thuật đại phẫu.

Thời gian phẫu thuật: 120-150 phút.

 

CÁC BƯỚC TIẾN HÀNH

Tư thế

Người bệnh đặt ở tư thế nằm sấp kiểu dao díp. Hai chân của Người bệnh dạng rộng để bộc lộ bộ phận sinh dục, nhằm cho phép phẫu thuật viên thực hiện các động tác phẫu thuật một cách thoải mái ở giữa hai chân của người bệnh.

Vô cảm

Gây mê toàn thân hoặc gây tê tủy sống.

Kỹ thuật

Bước 1. Rạch da: đường rạch được bắt đầu từ chỗ tiếp nối cùng cụt và tận hết ở lỗ hậu môn. Cần phải nhấn mạnh rằng, đường rạch luôn luôn phải giữ đúng ở trên đường giữa, để tránh không làm thương tổn tới cơ thắt hậu môn. Đường rạch gian cơ mông này được rạch sâu xuống, qua lớp mỡ dưới da, tới tận khi nào chạm xương cụt.

Bước 2. Cắt bỏ xương cụt. Ở người bệnh trẻ tuổi, thường có thể giữ lại được lớp ngoại cốt (màng ngoài xương) của xương cụt bằng cách rạch lớp này theo chiều dọc.

Bước 3. Mở hậu môn ở phía sau cùng với cơ thắt ở đúng trên đường giữa.

Bước 4. Đặt các mũi khâu riêng bằng chỉ tơ, ở các bờ vết cắt của thành sau của trực tràng sẽ giúp phẫu thuật viên kéo các bờ này ra phía da ở các bước tiếp sau. Đến đây, phẫu trường đã sẵn sàng cho việc chỉnh sửa tổn thương rò niệu đạo-trực tràng.

Bước 5. Sau khi nhìn thấy lỗ mở của rò niệu đạo-trực tràng ở thành trước của trực tràng, phẫu thuật viên có thể phẫu tích đường hầm của rò niệu đạo-trực tràng một cách chính xác tới tận vị trí bị thủng ở niệu đạo.

Bước 6. Cắt bỏ đường hầm, và khâu đóng lỗ thủng ở niệu đạo theo chiều ngang của nó.

Bước 7. Thành sau trực tràng thì được đóng lại bằng khâu hai lớp hoặc ba lớp.

Bước 8. Tiếp sau là phần trước của cơ thắt hậu môn được khâu nối lại với nhau một cách cẩn thận bằng các mũi khâu riêng.

Bước 9. Sau khi khâu đóng lớp mô dưới da thì khâu đóng lớp da.

 

THEO DÕI VÀ XỬ TRÍ TAI BIẾN

Chăm sóc sau mổ

Vết mổ được rửa với nước muối và bôi thuốc mỡ kháng sinh trong vòng khoảng 7 ngày. Để lưu các catheter trên xương mu và xông niệu đạo Foley trong khoảng 3 tuần. Trong thời gian người bệnh còn nằm viện thì, rửa bàng quang cho người bệnh với nước muối. Người bệnh nhịn ăn trong vòng từ 2 đến 3 tuần.

Theo dõi

Nhiễm trùng vết mổ: vết mổ tấy đỏ, có mưng mủ, tụ máu tầng sinh môn.

Đái khó sau mổ: sau rút sonde tiểu người bệnh đái khó hoặc không đái được.

Xử trí tai biến

Nhiễm trùng: thay băng, đặt gạc tẩm bétadine âm đạo.

Đái khó, bí đái: đặt lại ống thông niệu đạo, lưu ống thông 3 ngày.

Rò lại do vết thương nhiễm trùng, không liền thành trực tràng và niệu đạo: cần phải dẫn lưu lại bàng quang và làm hậu môn nhân tạo. Xét mổ lại sau 3 tháng.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top