Sỏi thận canxi hình thành do lượng canxi dư thừa trong cơ thể không sử dụng hết và được loại bỏ qua thận. Nếu canxi không được đưa ra ngoài hoặc đơn giản là lượng canxi quá nhiều để có thể hòa tan trong nước tiểu, nó sẽ rắn lại và kết hợp với các khoáng chất khác tạo thành sỏi.
Sỏi canxi thường xuất hiện ở những người có lượng vitamin cao hoặc bị cường tuyến giáp, những người bị suy thận thường có khả năng bị sỏi canxi.
Tương tự như cách điều trị sỏi thận nói chung, sỏi canxi có thể điều trị bằng các phương pháp sau:
– Nếu phát hiện sớm và sỏi còn nhỏ (< 2cm) thì bệnh nhân có thể tán sỏi không xâm lấn với phương pháp tán sỏi ngoài cơ thể bằng sóng điện từ không mổ.
– Nếu sỏi thận > 2cm thì bệnh nhân có thể điều trị sỏi ít xâm lấn bằng tán sỏi nội soi qua da đường hầm nhỏ bằng laser.
– Điều trị sỏi bằng phương pháp tán sỏi nội soi ống mềm bằng laser đối với sỏi thận mọi vị trí, mọi kích thước.
Để ngăn ngừa sỏi thận canxi cũng như các loại sỏi thận hình thành, phát triển và tái phát trở lại cần chú ý một số điều sau:
Uống đủ (2-3 lít nước/ngày) là lời khuyên đầu tiên mà các bác sĩ thường nhắc nhở các bệnh nhân sỏi thận. Uống đủ nước sẽ giúp quá trình bài tiết các hợp chất dư thừa trong thận đào thải ra ngoài dễ dàng hơn.
Một số người nghĩ rằng có thể phòng tránh sỏi thận bằng cách tránh tuyệt đối canxi. Nhưng quan niệm này chỉ đúng một phần:
– Đúng là người sỏi thận nên kiêng canxi nhưng là canxi dưới dạng đặc chế như thuốc canxi, vì uống thuốc bổ sung canxi sẽ đẩy nhanh quá trình hấp thụ canxi trong cơ thể, canxi kết hợp với oxalate tại thận và lắng đọng lâu ngày hình thành nên sỏi thận.
– Nhưng canxi có trong thức ăn như sữa chua, phô mai, sữa… nếu được bổ sung với lượng vừa đủ sẽ kết hợp với oxalate trong dạ dày và ruột rồi đi ra ngoài theo đường hóa phân. Như vậy, ăn các thực phẩm giàu canxi một cách khoa học, điều độ sẽ giúp cung cấp đủ canxi cho cơ thể mà không tạo thành sỏi.
Để sỏi thận không hình thành và phát triển thì người bệnh cần có chế độ ăn uống điều độ, khoa học, tránh bổ sung quá nhiều một loại thực phẩm:
– Tránh ăn quá nhiều protein trong thịt động vật như lợn, bò, gia cầm, hải sản…
– Giảm ăn muối: Ăn mặn làm cho nồng độ natri nước tiểu tăng cao, dẫn đến tăng bài tiết canxi trong nước tiểu, gây nên sỏi thận.
– Hạn chế thực phẩm giàu chất oxalate có thể giúp giảm nguy cơ hình thành các loại sỏi mới. Có một số thực phẩm bạn nên tránh vì mức độ oxalate cao như củ cải, rau bina…
– Bổ sung rau xanh: Chất xơ của rau sẽ giúp tiêu hóa nhanh, hạn chế ứ đọng trong ruột, hạn chế sự tái hấp thụ oxalate từ ruột để tạo nên sỏi tiết niệu. Ngoài ra, chất kiềm cung cấp bởi rau xanh sẽ gia tăng bài tiết citrate chống lại sỏi tiết niệu.
Cần có chế độ làm việc và nghỉ ngơi hợp lý, tránh làm việc quá sức, căng thẳng, mệt mỏi. Ngoài ra, cần rèn luyện sức khỏe thường xuyên như đi bộ, đạp xe, yoga… để có một sức khỏe tốt, dẻo dai và tránh nguy cơ sỏi thận
Các chuyên gia chỉ ra rằng, nếu con người ít vận động sẽ gây ra những bất lợi cho việc hấp thu canxi, khiến canxi bài tiết vào nước tiểu tăng lên, gây ra sỏi thận.
Sỏi thận sẽ không còn là nỗi lo lắng nếu người bệnh đi khám sức khỏe thường xuyên, điều trị ngay khi sỏi mới hình thành và có chế độ ăn uống khoa học, điều độ, chế độ sinh hoạt hợp lý.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh