✴️ Sỏi thận xuống đường tiết niệu nguy hiểm ra sao?

Thế nào là sỏi thận xuống đường tiết niệu?

Hiện tượng một hoặc nhiều viên sỏi có kích thước nhỏ di chuyển từ thận theo dòng chảy của nước tiểu xuống các vị trí thấp hơn thuộc hệ tiết niệu như niệu quản, niệu đạo và bàng quang được gọi là tình trạng sỏi thận xuống đường tiết niệu. Đây cũng là nguyên nhân chính dẫn tới bệnh sỏi niệu quản, sỏi niệu đạo và sỏi bàng quang.

Lúc này, nếu sỏi to sẽ bị kẹt lại ở vị trí niệu quản – một vị trí nguy hiểm và gây biến chứng cao nhất như ứ nước toàn phần và thúc đẩy quá trình suy thận cấp tính.

Dấu hiệu sỏi thận xuống đường tiết niệu

Sỏi thận rơi xuống đường tiết niệu có thể nhận biết thông qua các triệu chứng như:

Những cơn đau do sỏi thận xuống đường tiết niệu

  • Cơn đau quặn thận

Sỏi thận xuống đường tiết niệu có biểu hiện rõ ràng nhất bằng cơn đau quặn thận. Cơn đau rõ ràng và mãnh liệt nhất ở vùng thắt lưng, rồi lan xuống vùng bụng dưới tới hai bàn chân.

Cường độ đau tăng dần từ nhẹ tới nặng làm cho việc đi lại khó khăn hơn. Tấn suất đau đột ngột theo từng cơn và kéo dài từ vài phút tới cả tiếng đồng hồ. Nam giới bị sỏi thận rơi xuống đường tiết niệu sẽ xuất hiện cơn đau tại bộ phận sinh dục.

  • Đau âm ỉ ở vùng hông, vùng thắt lưng

Cơn đau tại vùng hông, vùng thắt lưng xảy ra khi sỏi thận rơi xuống đường tiết niệu bị mắt kẹt tại niệu quản. Cơn đau âm ỉ từ vùng lưng lan dần theo đường đi của sỏi trên niệu quản.

sỏi thận xuống đường tiết niệu

Đau sườn âm ỉ là biểu hiện sỏi thận xuống đường tiết niệu cần đi khám

Sỏi thận xuống đường tiết niệu gây rối loạn tiểu tiện

  • Tiểu khó, tiểu buốt, tiểu rắt

Người bệnh bị sỏi thận rơi xuống đường tiết niệu sẽ đột nhiên gặp phải tình trạng khó đi tiểu tiện do sỏi kẹt ở niệu quản hoặc niệu đạo. Cảm giác đau buốt xảy ra khi nước tiểu bị tắc nghẽn, lượng nước tiểu ít, nếu cố rặn sẽ chỉ són ra vài giọt nước tiểu hoặc có thể bị bí tiểu hoàn toàn.

  • Tiểu ngắt quãng

Dòng chảy nước tiểu từ bảng quang xuống niệu quản bị tắc nghẽn do sỏi bàng quang khiến người bệnh đang tiểu đột nhiên bị dừng lại, muốn tiểu bình thường phải đổi sang tư thế khác.

  • Tiểu ra máu

Thông thường, nước tiểu sẽ từ thận chảy qua niệu quản xuống bàng quang và niệu đạo rồi ra ngoài. Nhưng ở người bệnh sỏi thận, các viên sỏi cũng sẽ tự do di chuyển theo đường đi của nước tiểu. Trường hợp sỏi to, nhiều góc cạnh rất dễ gây cọ xát, làm tổn thường hoặc gây chảy máu ở nơi sỏi di chuyển qua, còn gọi là tiểu ra máu, nước tiểu có màu hồng hoặc đỏ do lẫn máu.

  • Nước tiểu màu đục, mùi hôi khó chịu

Sỏi tồn tại của trong đường tiết niệu tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn tấn công gây nhiễm khuẩn đường tiết niệu, gây đục nước tiểu, có vàng và mùi hôi rõ rệt.

sỏi thận xuống đường tiết niệu

Rối loạn tiểu tiện xảy ra ở người bị sỏi thận

Biểu hiện toàn thân khác

Sỏi thận xuống đường tiết niệu còn gây triệu chứng cơ thể mệt mỏi, tụt cân, chán ăn, buồn nôn, nôn, sốt cao…

Sỏi thận xuống đường tiết niệu có nguy hiểm không?

Nếu không phát hiện sớm và điều trị đúng cách tình trạng sỏi thận xuống đường tiết niệu sẽ dẫn tới nhiều biến chứng nguy hiểm như:

Giãn đài bể thận do thận ứ nước

Dòng chảy đường tiểu bị chặn do sỏi mắc kẹt tại niệu quản hoặc niệu đạo nên không xuống được bàng quang hoặc không được thải ra ngoài khiến thận ứ nước, giãn đài bể thận và làm ảnh hưởng tới chức năng thận.

Viêm đường tiết niệu

Niêm mạc đường tiết niệu bị tổn thương do sỏi kích thước lớn di chuyển cọ xát, kèm theo việc nước tiểu bị ứ đọng sẽ tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển và tấn công khiến đường tiết niệu bị viêm, nhiễm trùng.

Rò bàng quang và teo xơ bàng quang

Sỏi thận xuống đường tiết niệu, cụ thể là bàng quang sẽ gây viêm loét, chảy máu và ảnh hưởng tới hệ thần kinh cơ vòng bàng quang. Bàng quang không kiểm soát được cơ vòng gây tình trạng rò rỉ bàng quang và tiểu không tự chủ.

Suy thận cấp – mãn tính

Biến chứng nguy hiểm nhất của tình trạng sỏi thận xuống đường tiết niệu là suy thận cấp tính – mãn tính. Đường tiết niệu bị tắc hoàn toàn do sỏi khiến nước tiểu dội ngược dòng lên thận, vi khuẩn dễ dàng xâm nhập, tấn công dẫn tới giãn đài bể thận, lâu dài gây suy thận cấp và mãn tính, nhiễm khuẩn huyết nghiêm trọng.

sỏi thận xuống đường tiết niệu

Sỏi thận gây nhiều biến chứng nguy hiểm nếu rơi xuống đường tiết niệu

Cách chữa sỏi thận xuống đường tiết niệu

Bác sĩ sẽ chỉ định điều trị sỏi thận xuống đường tiết niệu theo nội khoa hay ngoại khoa tùy vào tình trạng bệnh lý của từng cá nhân.

Điều trị sỏi thận xuống đường tiết niệu theo nội khoa

Áp dụng khi sỏi tiết niệu kích thước nhỏ, ít triệu chứng:

– Bổ sung đủ lượng nước mỗi ngày, ăn uống theo chế độ phù hợp và vận động khoa học.

– Uống thuốc tan sỏi và một số thuốc để cải thiện tình trạng bệnh: thuốc giãn cơ trơn (tăng cường hoạt động của hệ niệu giúp tống xuất sỏi ra ngoài theo đường tự nhiên); thuốc giảm đau (giảm khó chịu các triệu chứng do bệnh gây nên); thuốc kháng sinh ( ngăn ngừa nhiễm khuẩn đường niệu).

**Lưu ý: Những thông tin cung cấp trong bài viết của Bệnh viện mang tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh không được tự ý mua thuốc để điều trị. Để biết chính xác tình trạng bệnh lý, người bệnh cần tới các bệnh viện để được bác sĩ thăm khám trực tiếp, chẩn đoán và tư vấn phác đồ điều trị hợp lý.

Điều trị ngoại khoa sỏi thận xuống đường tiết niệu

Phương pháp ngoại khoa được chỉ định thực hiện khi sỏi kích thước lớn, mắc kẹt tại đường tiết niệu và gây triệu chứng, biến chứng nghiêm trọng cho người bệnh. Sẽ có phương án điều trị sỏi thận xuống đường tiết niệu khác nhau tùy vào vị trí và kích thước sỏi khác nhau. Một số phương pháp ngoại khoa điều trị sỏi thận rơi xuống tiết niệu là:

– Tán sỏi ngoài cơ thể bằng sóng điện từ không mổ trong trường hợp sỏi thận dưới 15mm, sỏi niệu quản vị trí 1/3 trên sát bể thận và dưới 10mm.

– Tán sỏi nội soi ngược dòng bằng laser trong trường hợp sỏi niệu quản vị trí 1/3 giữa, 1/3 dưới và sỏi bàng quang có kích thước trên 10mm hoặc dưới 10mm mà không tự thoát theo đường tiểu.

– Tán sỏi qua da đường hầm nhỏ bằng laser trong trường hợp sỏi thận kích trước trên 15mm, sỏi niệu quản vị trí 1/3 trên kích thước trên 15mm.

– Tán sỏi nội soi ống mềm bằng laser đối với sỏi thận kích thước dưới 25mm.

– Mổ nội soi lấy sỏi trong trường hợp không áp dụng được phương pháp trên. Có thể mổ nội soi qua phúc mạc hoặc sau phúc mạc lấy sỏi.

– Mổ hở lấy sỏi: khi không thực hiện được phương pháp mổ nội soi.

Phòng tránh sỏi thận xuống đường tiết niệu đúng cách

Thay đổi chế độ ăn uống, sinh hoạt bởi yếu tố này có ảnh hưởng rất lớn đến việc hình thành và phát triển của sỏi tiết niệu. Nhất là những người vừa trải qua quá trình điều trị sỏi tiết niệu cần có chế độ ăn uống, sinh hoạt hợp lý để phòng ngừa sỏi tái phát. Để không gặp phải tình trạng sỏi thận xuống đường tiết niệu, mỗi cá nhân cần thực hiện những biện pháp phòng tránh như sau:

– Uống nhiều nước mỗi ngày giúp hòa tan các chất cặn độc hại ra ngoài cơ thể và giảm nhanh tình trạng lắng đọng và hình thành sỏi.

– Có chế độ dinh dưỡng khoa học: ăn nhiều hoa quả, rau xanh để cung cấp chất xơ, vitamin và khoáng chất cho cơ thể.

– Không ăn nhiều các loại thực phẩm chứa nhiều oxalat, thực phẩm nhiều dầu mỡ. Không ăn quá mặn và ăn ít thịt đỏ để hạn chế sự kết tinh của sỏi.

– Hạn chế uống rượu bia, hút thuốc lá…

– Không làm việc và học tập quá sức, nên xen kẽ việc nghỉ ngơi khoa học

– Duy trì thói quen tập thể dục thể thao đều đặn để nâng cao sức khỏe, tăng sức đề kháng.

– Thực hiện khám sức khỏe định kỳ nhằm phát kịp thời sự xuất hiện của sỏi, áp dụng sớm các phương pháp điều trị thích hợp.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top