✴️ Những điều cần biết về viêm loét đại tràng

Nội dung

Đại tràng hay còn gọi là ruột già là phần gần cuối trong hệ thống tiêu hóa, gắn liền với phần cuối cùng của hệ tiêu hóa là ống hậu môn. Khung đại tràng gồm đại tràng phải (hay còn gọi là đại tràng lên) bắt đầu từ manh tràng nơi ruột non đổ vào ruột già. Liên tục với đại tràng ngang rồi đổ xuống đại tràng trái (hay còn gọi là đại tràng xuống), và cuối cùng là đại tràng xích-ma nối với trực tràng.

Đại tràng có chức năng chính là nhận thức ăn đã được tiêu hóa và hấp thụ nước, các chất điện giải từ thức ăn và cùng với sự phân hủy bã thức ăn của các vi khuẩn thành phân. Giữ phân cho đến khi đủ lượng đại tràng sẽ co bóp tạo nhu động và bài tiết phân qua hậu môn.

Viêm loét đại tràng là tình trạng viêm đại tràng mạn tính thường gặp. Đây là một dạng bệnh viêm ruột (IBD), tương tự như bệnh Crohn’s. Trong các trường hợp nghiêm trọng, vết loét hình thành trên niêm mạc đại tràng. Những vết loét này có thể chảy máu, tạo ra chất nhầy.

Triệu chứng của viêm loét đại tràng

Triệu chứng đầu tiên của viêm loét đại tràng thường là tiêu chảy. Phân trở nên lỏng hơn, tiêu chảy có thể bắt đầu từ từ hoặc đột ngột. Bệnh nhân cũng thường kèm đau quặn bụng và cảm giác mót rặn đi cầu dữ dội. Các triệu chứng phụ thuộc vào mức độ và sự lan rộng của viêm. Các triệu chứng phổ biến nhất của viêm loét đại tràng bao gồm:

  • Đau bụng
  • Tiêu chảy có thể có nhầy máu

Những triệu chứng sau đây cũng có thể xuất hiện:

  • Mệt mỏi hoặc kiệt sức;
  • Sụt cân;
  • Ăn không ngon;
  • Thiếu máu;
  • Tăng thân nhiệt;
  • Mất nước;
  • Mót rặn.

Các triệu chứng thường tồi tệ hơn vào sáng sớm. Các triệu chứng có thể âm thầm hay không xuất hiện trong nhiều tháng hoặc nhiều năm. Tuy nhiên, chúng thường sẽ quay lại mà không cần điều trị và thay đổi tùy thuộc vào vị trí của đại tràng bị ảnh hưởng.

            các triệu chứng của viêm loét đại tràng

Phân loại

Các triệu chứng có thể khác nhau tùy thuộc vào vị trí viêm.

Viêm loét trực tràng (Ulcerative proctitis)

Loại này chỉ ảnh hưởng đến đoạn cuối của đại tràng, tức là trực tràng. Viêm loét trực tràng thường là loại viêm loét đại tràng nhẹ nhất. Các triệu chứng bao gồm:

  • Xuất máu trực tràng, đây có thể là triệu chứng duy nhất của bệnh;
  • Đau vùng bụng dưới;
  • Thường xuyên bị mót rặn.

Viêm trực tràng và đại tràng sigma (Proctosigmoid)

Tổn thương của bệnh nằm ở phần thấp đại tràng, gây nên các triệu chứng:

  • Đi tiêu phân lỏng có máu;
  • Đau quặn bụng hoặc đau âm ỉ;
  • Mót rặn nhiều.

Viêm đại tràng trái (Left-sided colitis)

Tổn thương ở đại tràng trái và trực tràng thường gây nên các biểu hiện:

  • Đi tiêu phân lỏng có máu;
  • Đau quặn vùng bụng trái;
  • Sụt cân.

Viêm toàn bộ đại tràng (Pancolitis)

Triệu chứng gồm:

  • Thường tiêu lỏng phân máu nặng;
  • Đau quặn bụng hoặc đau âm ỉ;
  • Mệt mỏi, uể oải;
  • Sụt cân rõ.

Viêm đại tràng tối cấp (Fulminant colitis)

Đây là tình trạng viêm đại tràng hiếm gặp, cũng xảy ra ở toàn bộ đại tràng, có khả năng đe dọa tính mạng. Những triệu chứng bao gồm đau bụng dữ dội, sốt và tiêu chảy nhiều, có thể dẫn đến mất nước và sốc.

Viêm đại tràng tối cấp có thể dẫn đến thủng đại tràng và phình đại tràng nhiễm độc, khiến tình trạng bệnh trở nên nặng nề hơn.

Chế độ ăn

Một vài điều chỉnh trong chế độ ăn có thể giúp cảm thiện triệu chứng:

  • Ăn lượng ít hơn, chia nhỏ bữa ăn thành khoảng 5-6 bữa ăn mỗi ngày;

  • Bù đủ nước nhằm tránh mất nước;

  • Tránh cà phê và rượu bia để giảm đi lỏng;

  • Tránh sử dụng nước uống có gas;

  • Ghi nhớ các món ăn đã ăn để lưu ý những món làm triệu chứng trầm trọng hơn.

Bác sĩ có thể hướng dẫn một chế độ ăn tạm thời tùy vào tình trạng bệnh như:

  • Chế độ ăn ít chất xơ;

  • Chế độ ăn không có đường;

  • Chế độ ăn ít chất béo;

  • Chế độ ăn ít muối.

Nguyên nhân gây ra viêm loét đại tràng

Nguyên nhân chính xác chưa thật sự rõ ràng nhưng bệnh có liên quan đến 1 số yếu tố sau:

Di truyền

Có khoảng 1/5 bệnh nhân viêm loét đại tràng có một người bà con cũng có tình trạng tương tự.

Môi trường

Những yếu tố môi trường tác động gây nên triệu chứng:

  • Chế độ ăn;
  • Ô nhiễm môi trường;
  • Hút thuốc lá;
  • Vệ sinh cá nhân kém.

Hệ thống miễn dịch

Đáp ứng miễn dịch bất thường với các tác nhân như vi khuẩn, sau loại bỏ tác nhân, các tế bào miễn dịch vẫn tiếp tục phản ứng với tế bào niêm mạc đại tràng. Một giả thuyết khác cho thấy viêm loét đại tràng có thể là một tình trạng tự miễn dịch. Một lỗi trong hệ thống miễn dịch có thể khiến nó chống lại chính tế bào đại tràng.

Yếu tố nguy cơ

Những yếu tố nguy cơ được biết:

  • Tuổi: Bệnh có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi nhưng nhiều nhất là độ tuổi 15-30.

  • Chủng tộc: Người da trắng có nguy cơ bệnh cao hơn.

  • Di truyền: một số nghiên cứu gần đây đã xác định những gen cụ thể liên quan tới bệnh.

Chẩn đoán

Khi một người bệnh đến khám, bác sĩ sẽ hỏi họ về những triệu chứng và tiền sử bệnh. Bác sĩ cũng sẽ hỏi liệu có người thân nào bị viêm loét đại tràng, bệnh viêm ruột hay bệnh Crohn hay không.

Bệnh nhân cũng sẽ được khám vùng bụng và kiểm tra các dấu hiệu thiếu máu, nồng độ sắt trong máu. Một số xét nghiệm có thể giúp loại trừ các bệnh lý khác, bao gồm bệnh Crohn, nhiễm trùng tiêu hóa hay hội chứng ruột kích thích. Các xét nghiệm này gồm:

  • Tổng phân tích tế bào máu;

  • Xét nghiệm phân;

  • X-quang đại tràng có thuốc cản quang;

  • Chụp cắt lớp vi tính vùng bụng chậu;

  • Nội soi đại tràng.

Điều trị

Để đánh lùi được bệnh, các bác sĩ chuyên khoa tiêu hóa sẽ phân loại, đánh giá tình trạng và lên kế hoạch điều trị. Những bệnh nhân có triệu chứng nặng sẽ cần phải nhập viện trong khi những bệnh nhân nhẹ đến trung bình có thể điều trị và theo dõi ngoại trú. Việc điều trị sẽ tập trung vào:

  • Kiểm soát các triệu chứng đang diễn tiến cho đến khi chúng thuyên giảm

  • Duy trì sự ổn định để ngăn ngừa tái phát.

Kiểm soát viêm loét đại tràng diễn tiến

Điều trị sẽ liên quan đến việc sử dụng một số loại thuốc.

5-aminosalicylic acid

Đây là lựa chọn điều trị tiêu chuẩn cho viêm loét đại tràng. Aminosalicylates có xu hướng hiệu quả trong việc giảm viêm. Thuốc thường ở dạng thuốc viên, nhưng đôi khi các bác sĩ kê đơn tọa dược (thuốc nhẹt hậu môn). Đối với những người bị dị ứng với sulfa, cũng có sẵn các dạng không chứa sulfa.

Tác dụng phụ có thể có: buồn nôn, nổi ban, đau đầu, tiêu chảy…

Steroids

Nếu các triệu chứng trở nên nghiêm trọng hoặc không đáp ứng với aminosalicylates, bác sĩ có thể kê toa thuốc thuộc nhóm steroid. Những thuốc này cũng có thể làm giảm viêm.

Sử dụng steroid kéo dài, đặc biệt là steroid đường uống, có thể có tác dụng phụ nghiêm trọng. Một bác sĩ thường sẽ đề nghị ngừng điều trị steroid ngay khi tình trạng bệnh ổn định. Tác dụng phụ ngắn hạn có thể có: nổi mụn và các vấn đề da khác, rối loạn giấc ngủ, khó tiêu, u buồn, phù… Tác dụng phụ khi dùng lâu dài như rối loạn đường huyết, đục thủy tinh thể, cao huyết áp, loãng xương, mỏng da và bầm da, tăng cân, ức chế miễn dịch…

Nếu các phương pháp điều trị trên không hiệu quả, hoặc khi bác sĩ tiêu hóa cần ngừng sử dụng steroid, thuốc ức chế miễn dịch có thể giúp giảm triệu chứng, trong đó dùng nhiều nhất là azathioprine. Những thuốc này làm giảm hoạt động miễn dịch và làm dịu phản ứng viêm ở đại tràng và trực tràng.

Tác dụng phụ có thể có: nôn ói, tiêu chảy, tổn thương gan, thiếu máu, nhiễm trùng…

Chế phẩm sinh học

Một số chế phẩm thuốc ức chế hoại tử u có thể được kê toa như: infliximab (Remicade), adalimumab (Humira), golimumab (Simponi)….

Xeljanz

Một loại thuốc mới là Xeljanz, một chất ức chế Janus kinase. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng nó có thể mang lại hiệu quả hơn so với corticosteroid.

Năm 2018, Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) đã phê duyệt liều Xeljanz 5 và 10 miligam hai lần mỗi ngày để điều trị loại viêm loét đại tràng này. Các tác dụng phụ có thể xảy ra bao gồm tiêu chảy, tăng cholesterol và nổi bóng nước ở da.

Điều trị viêm loét đại tràng nặng

Bệnh nhân cần nhập viện để tránh nguy cơ suy kiệt, mất nước và các biến chứng đe dọa tính mạng như vỡ đại tràng. Điều trị bao gồm truyền dịch và thuốc.

Duy trì sự ổn định

Ngay khi các triệu chứng thuyên giảm, duy trì liều aminosalicylate đều đặn có thể giúp ngăn ngừa tái phát. Nếu tái phát xảy ra thường xuyên mặc dù điều trị bằng aminosalicylate, bác sĩ tiêu hóa có thể kê toa azathioprine.

Những người bị viêm loét đại tràng lan rộng cần điều trị duy trì lâu dài. Nếu người bệnh đã thuyên giảm trong 2 năm mà không bị tái phát, bác sĩ có thể điều chỉnh quá trình điều trị này.

Phẫu thuật

Nếu tất cả phương pháp điều trị nội khoa tích cực không cải thiện bệnh, phương pháp pháp thuật có thể được đề xuất như cắt bỏ 1 phần hay toàn bộ đại tràng, hoặc tạo hậu môn nhân tạo trên thành bụng tự đoạn ruột ở chỗ đoạn nối ruột non và đại tràng

Biến chứng

Ung thư đại trục tràng

Viêm loét đại tràng, đặc biệt là khi các triệu chứng nghiêm trọng hoặc tổn thương diện tích rộng sẽlafm tăng nguy cơ phát triển ung thư đại trực tràng, trong đó nam giới có nguy cơ này cao hơn so với nữ giới.

Phình đại tràng nhiễm độc

Biến chứng này xảy ra ở một vài trường hợp viêm loét đại tràng nặng. Đại tràng phình to lên, làm tăng có nguy cơ thủng đại tràng, nhiễm trùng máu và sốc nhiễm trùng.

Các biến chứng khác

Các biến chứng có thể có khác của viêm loét đại tràng bao gồm:

  • Viêm da, khớp và mắt;
  • Bệnh gan;
  • Loãng xương;
  • Thủng đại tràng;
  • Chảy máu nghiêm trọng;
  • Mất nước nặng.

Để ngăn ngừa giảm mật độ xương, bệnh nhận có thể cần bổ sung vitamin D, canxi và các loại thuốc khác.

Theo dõi tái khám thường xuyên, theo sát lời khuyên của bác sĩ và nhận biết được các triệu chứng có thể giúp ngăn ngừa sự phát triển của các biến chứng này.

Xem thêm: Hạn chế nguy cơ bị ung thư đại trực tràng

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top