Sỏi tiết niệu bệnh học là một bệnh lý rất phổ biến, chiếm gần 1/2 các bệnh lý hệ tiết niệu. Bệnh nếu không được phát hiện sớm và điều trị đúng cách sẽ gây nhiều biến chứng nguy hiểm. Vì vậy việc nắm rõ các thông tin về bệnh sẽ giúp bạn chủ động hơn trong trường phải đối mặt với căn bệnh này.
Sỏi tiết niệu là hiện tượng các khối rắn như sỏi xuất hiện trong hệ tiết niệu do các tinh thể khoáng chất trong nước tiểu lắng đọng lâu ngày kết tinh lại. Đa số sỏi được hình thành ở thận rồi theo dòng nước tiểu di chuyển đến các vị trí khác nhau của đường tiết niệu.
Sỏi đường tiết niệu bao gồm sỏi thận, sỏi niệu quản, sỏi bàng quang và sỏi niệu đạo với các thành phần hóa học khác nhau. Bao gồm:
Sỏi calcium: xuất hiện do sự tăng nồng độ calci trong nước tiểu cùng một số yếu tố khác quyết định kết thành sỏi niệu. Sỏi calcium chiếm 85% trong tổng các trường hợp.
Sỏi oxalat: tỷ lệ người bệnh mắc phải sỏi oxalat cao hơn ở các nước nhiệt đới. Đặc biệt, oxalat có thể kết hợp với calci để tạo thành sỏi oxalat calci.
Sỏi phosphat: đây là loại sỏi có kích thước lớn, hình san hô và cản quang. Sỏi được hình thành do nhiễm khuẩn đường tiết niệu hoặc do vi khuẩn proteus gây nên. Vi khuẩn này tạo ra men urease làm phân huỷ thành amoniaque, kiềm hóa nước tiểu và kết tủa thành sỏi. Sỏi chiếm khoảng 5-15% tổng số các trường hợp mắc bệnh.
Sỏi Acid uric: khi trong nước tiểu xuất hiện quá nhiều axit uric.
Sỏi Cystin: là sỏi không cản quang và có màu vàng nhạt. Sỏi được hình thành do việc tái hấp thu chất Cystin ở ống thận. Đây là loại sỏi tương đối hiếm gặp nhưng hay tái phát.
Các nguyên nhân chính gây bệnh sỏi tiết niệu:
Thói quen uống ít nước và nhịn tiểu thường xuyên.
Chế độ ăn uống thiếu khoa học, hợp lý: ăn nhiều đạm, nhiều mỡ động vật, nhiều muối, nhiều đường hay nhiều thức ăn có chứa oxalat; Hoặc chế độ ăn ít chất xơ, ít canxi, ít kali cũng là nguyên nhân gây sỏi tiết niệu
Tác dụng phụ của thuốc Tây: bổ sung quá nhiều vitamin C, D cho cơ thể. Hoặc việc sử dụng không đúng chỉ định các thuốc lợi tiểu, kháng sinh nhóm cephalosporin, nhóm penicilin, các thuốc nhuận tràng…trong một thời gian dài.
Rối loạn chuyển hóa gây tăng calci trong máu và calci trong nước tiểu.
Dị dạng đường tiết niệu bẩm sinh hoặc có hẹp đường tiết niệu gây ứ đọng nước tiểu tạo điều kiện thuận lợi hình thành nên sỏi.
Thường xuyên lười vận động hoặc hay ngồi một chỗ
Sống, học tập và làm việc trong môi trường nóng bức, nhiều khói bụi.
Ảnh hưởng của các bệnh lý: viêm đường tiết niệu, u xơ tiền liệt tuyến, huyết áp cao, béo phì…
Tiền sử gia đình: Những người có tiền sử gia đình bị sỏi có nguy cơ bị sỏi tiết niệu gấp 2 lần so với bình thường.
Sỏi tiết niệu thường gây ra những triệu chứng cơ bản sau:
Những cơn đau cấp tính: Đau vùng hông lưng là biểu hiện đầu tiên và hay gặp nhất trong bệnh lý sỏi tiết niệu. Người bệnh đau âm ỉ kéo dài hay sẽ có những cơn đau quặn thận tùy thuộc vào tính chất và vị trí của viên sỏi. Cơn đau có thể xảy ra đột ngột hay sau một vận động gắng sức. Đau giảm khi dùng thuốc giảm đau, giãn cơ và nghỉ ngơi. Đau có thể kèm theo cảm giác chướng bụng, buồn nôn ảnh hưởng nhiều tới sinh hoạt cũng như sức khỏe của người bệnh.
Bất thường khi đi tiểu: xuất hiện tình trạng tiểu lắt nhắt, tiểu gắt buốt, tiểu ra máu. Nước tiểu đổi sang màu vàng đậm hoặc nâu sẫm… Đôi khi nước tiểu đục do có thể bị ứ mủ bể thận. Đây là biểu hiện nghiêm trọng cần phải được can thiệp điều trị sớm tránh những biến chứng nguy hiểm khác.
Đau nhức ở cơ quan sinh dục nam giới: Do tình trạng sỏi cọ xát vào niệu đạo, nam giới sẽ cảm thấy đau nhức ở ở dương vật.
Một số triệu chứng khác như sốt cao hoặc rét run…khi sỏi gây viêm nhiễm đường tiết niệu
Sỏi tiết niệu nếu không được phát hiện sớm và điều trị đúng cách cách sẽ gây nhiều biến chứng nguy hiểm. Đó là:
Ứ nước tiểu: khi sỏi phát triển đến kích thước nhất định sẽ bị nằm kẹt đường niệu làm tắc nghẽn đường tiểu gây tình trạng ứ đọng.
Giãn đài bể thận và thận ứ nước: sỏi làm cản trở sự bài tiết của nước tiểu khiến đường niệu bị ứ trệ và phình đại gây giãn đài bể thận và làm suy giảm chức năng thận.
Viêm đường tiết niệu: bệnh cạnh việc ứ đọng nước tiểu, sự di chuyển và cọ xát của sỏi có làm tổn thương niêm mạc gây chảy máu nhiễm trùng. Điều này tạo điều kiện để vi khuẩn xâm nhập, tấn công gây viêm nhiễm đường tiết niệu. Nếu kết hợp cùng ứ niệu có thể gây hoại tử thận, thận ứ mủ, nặng hơn là nhiễm khuẩn huyết.
Viêm khe thận mạn tính: xảy ra khi sỏi tiết niệu mắc vào các khe thận. Tại đây chúng có thể gây viêm kéo gây xơ hóa thận, tăng huyết áp.
Suy thận: đây là biến chứng nặng nề nhất của sỏi tiết niệu. Suy thận có thể là cấp tính hoặc mãn tính.
Vỡ thận: khi thận bị ứ nước quá lâu hoặc nhiễm trùng nghiêm trọng khiến thận bị sưng viêm có thể gây vỡ thận đột ngột. Người bệnh có thể tử vong nếu không cấp cứu kịp thời.
Việc chẩn đoán sỏi tiết niệu được thực hiện bằng cách cách sau:
Chẩn đoán lâm sàng: hỏi người bệnh để xác định thông tin liên quan đến bệnh như tiền sử, vị trí đau, các triệu chứng và tiến hành ấn và kiểm tra.
Chẩn đoán cận lâm sàng: xét nghiệm nước tiểu, siêu âm đường niệu, chụp X-quang, chụp CT. Mục đích để có kết luận chính xác vị trí, số lượng, kích thước sỏi và tình trạng bệnh lý của người bệnh.
Căn cứ vào tình trạng bệnh lý mà bác sĩ sẽ chỉ định phương pháp điều trị phù hợp nhất.
Điều trị nội khoa: đối với trường hợp sỏi có kích thước nhỏ dưới 5mm chưa gây biến chứng hoặc biến chứng nhẹ có thể tự đào thải qua đường niệu. Bác sĩ sẽ chỉ định người bệnh uống thật nhiều nước và tăng cường đi bộ mỗi ngày. Đồng thời kết hợp uống thuốc làm tan sỏi, thuốc giãn cơ trơn, thuốc kháng sinh, thuốc giảm đau để hỗ trợ khả năng tống xuất sỏi cũng như làm giảm các triệu chứng của bệnh.
Điều trị ngoại khoa: khi sỏi kích thước lớn và gây biến chứng. Bác sĩ sẽ chỉ định can thiệp ngoại khoa để loại bỏ sỏi. Các phương pháp ngoại khoa có thể được áp dụng: tán sỏi ngoài cơ thể, tán sỏi qua da, nội soi tán sỏi ngược dòng, phẫu thuật nội soi và phẫu thuật mổ mở lấy sỏi. Việc áp dụng phương pháp phẫu thuật nào cần căn cứ vào vị trí, kích thước của sỏi và tình trạng sức khỏe của người bệnh. Hiện nay với sự xuất hiện của các phương pháp tán sỏi công nghệ cao ít xâm lấn thì việc điều trị sỏi đã trở nên nhẹ nhàng, đơn giản hơn rất nhiều. Chúng ta hoàn toàn có thể loại bỏ sỏi mà không cần phải chịu nhiều đau đớn, khó chịu mà vẫn an toàn.
Xây dựng chế độ ăn và lối sống khoa học giúp làm giảm nguy cơ hình thành sỏi ở hệ tiết niệu. Cụ thể:
Uống đủ nước mỗi ngày từ 2-2,5 lít để giúp hệ tiết niệu hoạt động hiệu quả hơn.
Bổ xung nhiều rau xanh, hoa quả, chất xơ vào khẩu phần ăn hàng ngày.
Hạn chế sử dụng những loại thực phẩm chứa nhiều oxalat, đồ ăn mặn, đồ ăn có nhiều dầu mỡ hay chứa quá nhiều đạm.
Tăng cường tập luyện thể dục thể thao mỗi ngày nên để giúp các cơ quan hoạt động tốt hơn.
Giữ tinh thần thoải mái, tránh để căng thẳng, stress.
Không nhịn tiểu quá lâu để tránh việc tích tụ các cặn, chất độc trong hệ tiết niệu.
Thăm khám sức khỏe định kỳ thường xuyên nhằm phát hiện sớm các yếu tố gây bệnh để có phương án điều trị kịp thời.
Trên đây là những thông tin về bệnh sỏi tiết niệu bệnh học. Hy vọng sẽ giúp bạn biết cách phòng ngừa và điều trị bệnh một cách hiệu quả, phù hợp nhất.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh