1. Nguyên lý tán sỏi bằng sóng xung kích
Sóng xung kích có bản chất là sóng áp lực âm với bước sóng ngắn. Các máy tán sỏi ngoài cơ thể đều gồm 4 bộ phận chính:
Nguồn tạo sóng xung kích: gồm 3 loại là điện thủy lực, điện từ trường và áp điện.
Thiết bị tập trung sóng vào tiêu điểm;
Hệ thống định vị sỏi: có thể bằng siêu âm, soi huỳnh quang hoặc kết hợp cả hai.
Môi trường dẫn truyền sóng.
Quy trình tán sỏi: bệnh nhân được hướng dẫn nằm trên máy tán sỏi, phần lưng tương ứng với vị trí của sỏi tiếp xúc với nguồn tạo sóng xung kích. Sau khi định vị được vị trí có sỏi, bác sĩ sẽ điều khiển sóng xung kích tập trung vào viện sỏi và phát xung để tán sỏi. Mỗi liệu trình thường không sử dụng quá 3000 nhịp sóng xung kích để đảm bảo an toàn cho nhu mô thận nhưng vẫn tán được sỏi.
Thời gian tán sỏi trung bình kéo dài khoảng 30 – 45 phút. Sau đó, bệnh nhân có thể nghỉ ngơi 15-20 phút rồi về nhà mà không cần nằm lại viện. Trong quá trình tán sỏi, người bệnh không hề có một can thiệp nào khác vào cơ thể. Sau tán 7-15 ngày, các mảnh sỏi sẽ tự thoát ra ngoài theo đường nước tiểu.
2. Các yếu tố ảnh hưởng đến thành công của phương pháp tán sỏi ngoài cơ thể
2.1 Độ lớn của sỏi
Tỷ lệ sạch sỏi của phương pháp tán sỏi ngoài cơ thể giảm dần theo độ lớn của sỏi. Đối với sỏi có kích thước trên 20mm thì tỷ lệ sạch sỏi chỉ dưới 50%. Ngoài ra, số lượng sỏi càng nhiều thì tỷ lệ sạch sỏi càng thấp.
2.2 Vị trí của sỏi
Tỷ lệ thành công khi điều trị sỏi dưới đài thận bằng tán sỏi ngoài cơ thể thấp hơn so với lấy sỏi qua da và nội soi người dòng bằng ống mềm.
Phương pháp tán sỏi bằng sóng xung kích thường áp dụng cho sỏi thận và sỏi niệu quản đoạn 1/3 trên
2.3 Thành phần hóa học của sỏi
Các loại sỏi cứng như sỏi canxi monohydreat, canxi phosphat và sỏi cystin rất khó vỡ khi tán sỏi bằng sóng xung kích. Trước khi tán sỏi cần kiểm tra bằng CT scan không cản quang để đánh giá độ cứng của sỏi. Với những sỏi có độ cứng cao (độ hounsfield >1000 đơn vị) thì không nên điều trị bằng tán sỏi ngoài cơ thể.
2.4 Béo phì
Khi thực hiện tán sỏi ngoài cơ thể cho người có thể trạng béo phì (BMI > 30) và có khoảng cách từ da đến vị trí sỏi > 9-10 cm thì khả năng thất bại rất cao bởi vì năng lượng sóng bị giảm 10-20% khi đi sâu vào cơ thể 6cm.
3. Chỉ định điều trị
Phương pháp tán sỏi ngoài cơ thể được chỉ định tùy thuộc vào các yếu tố: tình trạng sỏi, lựa chọn và nhu cầu của bệnh nhân, điều kiện – trang thiết bị của bệnh viện; chi phí điều trị, chính sách chi trả của bảo hiểm và kinh nghiệm của bác sĩ phẫu thuật.
Sỏi thận: Theo hướng dẫn của hội Niệu châu Âu, khi sỏi có kích thước trên 6-7 mm nên chủ động can thiệp bằng sóng xung kích. Nếu kích thước sỏi nhỏ hơn 6-7 mm mà bệnh nhân xuất hiện các triệu chứng bệnh thì cũng nên cân nhắc can thiệp. Tán sỏi ngoài cơ thể thường được áp dụng cho sỏi thận có kích thước dưới 15mm, không nằm ở đài thận dưới và cấu trúc thận bình thường
Sỏi niệu quản: tán sỏi ngoài cơ thể áp dụng cho sỏi niệu quản đoạn 1/3 trên sát đài bể thận và kích thước dưới 10mm. Đối với sỏi niệu quản đoạn 1/3 giữa hoặc dưới thì tán sỏi nội soi ngược dòng có ưu thế hơn sóng xung kích
4. Chống chỉ định
Phụ nữ mang thai do sóng xung kích có nguy có làm tổn thương thai nhi.
Người bệnh đang bị rối loạn đông máu do sóng xung kích có nguy cơ tụ máu trong nhu mô hoặc dưới vỏ thận và nguy cơ tiểu máu kéo dài. Trước khi tán sỏi cần điều chỉnh chức năng đông máu từ 12-48 giờ và theo dõi khả năng chảy máu sau 24 giờ tán sỏi. Trường hợp bệnh nhân đang dùng thuốc chống đông máu thì bắt buộc phải ngưng thuốc 1 tuần trước khi tán sỏi.
Người bệnh đang bị viêm đường tiết niệu cấp tính: tán sỏi có thể phát tán vi khuẩn và độc tố vào mấu và các cơ quan khác.
Tắc nghẽn đường tiết niệu vị trí dưới sỏi (hẹp cổ đài thận, hẹp khúc nối bể thận – niệu quản, hẹp niệu quản, u xơ tuyến tiền liệt, hẹp niệu đạo..): sẽ cản trở sự đào thải tự nhiên của mảnh vụn sỏi theo đường nước tiểu ra ngoài.
Bệnh nhân béo phì: khoảng cách từ da đến vị trí có sỏi quá lớn nên năng lượng của sóng không đủ mạnh để tán được sỏi.
5. Biến chứng tán sỏi bằng sóng xung kích
Tỷ lệ xảy ra biến chứng khi tán sỏi ngoài cơ thể rất thấp. Các biến chứng thường gặp liên quan đến mảnh vụn sỏi và nhiễm trùng đường tiết niệu. Những mảnh sỏi có kích thước dưới 5mm có thể tự trôi ra ngoài theo nước tiểu. Tuy nhiên những mảnh sỏi này vẫn có thể gây ra nhiễm trùng niệu kéo dài, đau quặn thận hoặc tăng kích thước trở lại.
Trong quá trình tán sỏi, vi khuẩn và các nội độc tố có trong nước tiểu cũng có thể phát tán vào máu và các mô xung quanh do hậu quả của sóng xung kích.
Một số biến chứng người bệnh có thể gặp sau khi tán sỏi ngoài cơ thể là:
Biến chứng do vụn sỏi: sỏi kẹt niệu quản, cơ đau quặn thận
Biến chứng do nhiễm trùng: vi khuẩn trong nước tiểu, sốc nhiễm trùng.
Biến chứng do tác động lên nhu mô thận: khối máu tụ quanh thận (có hoặc không có triệu chứng), tiểu máu đại thể.
Một số biến chứng khác: rối loạn nhịp tim.
Sau khi tán sỏi, người bệnh cần theo dõi sát, khi phát hiện những dấu hiệu đáng ngờ nào thì cần thông báo cho bác sĩ để được can thiệp kịp thời.
Với những ưu điểm vượt trội: tán sỏi không đau, không có vết mổ, người bệnh không phải nằm viện, tiết kiệm thời gian, chi phí,..tán sỏi bằng sóng xung kích đang dần thay thế các phương pháp điều trị sỏi tiết niệu khác. Để nâng cao hiệu quả điều trị, người bệnh nên lựa chọn các bệnh viện uy tín, có đội ngũ bác sĩ giàu kinh nghiệm để đảm bảo an toàn, hạn chế tối đa các rủi ro không mong muốn.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh