✴️ Tán sỏi qua da – Ít xâm lấn, hiệu quả điều trị cao

Có nhiều phương pháp điều trị sỏi hệ tiết niệu. Trong đó tán sỏi qua da là phương pháp ít xâm lấn và mang lại hiệu quả điều trị cao. Hiện nay phương pháp này đang được áp dụng rộng rãi để điều trị sỏi thận và sỏi niệu quản.

 

1. Tán sỏi qua da là phương pháp tán sỏi như thế nào?

Tán sỏi qua da là phương pháp nội soi đặc biệt để tán sỏi thận và sỏi niệu quản đem lại hiệu quả điều trị rất cao. Sau khi bệnh nhân được gây mê toàn thân, bác sĩ dùng một kim nhỏ chọc qua da ở phần lưng vào trong thận hoặc vị trí cần tán sỏi. Đường hầm của kim chọc dò được nong rộng cỡ 5mm. Độ rộng của đường hầm cho phép đưa máy nội soi tiếp cận vị trí viên sỏi cần tán. Năng lượng laser sẽ dùng để tán nhỏ viên sỏi thành những mảnh vụn và đồng thời hút ra ngoài. Sau khi xử lý xong sỏi, bác sĩ đặt một ống thông thận giúp cho việc kiểm tra sau mổ. Sau 24 đến 48 giờ, ông thông sẽ được rút ra.

Tán sỏi qua da là gì

Tán sỏi qua da là phương pháp tán sỏi hiệu quả, ít xâm lấn, nhanh hồi phục

 

2. Tán sỏi qua da chỉ định và chống chỉ định với những đối tượng nào?

2.1. Tán sỏi qua da áp dụng cho những trường hợp cụ thể sau:

Tán sỏi qua da là phương pháp tán sỏi tiên tiến, ít xâm lấn, hiệu quả cao. Nhưng không phải ai bị sỏi cũng có thể áp dụng phương pháp này.

– Áp dụng cho những bệnh nhân có sỏi lớn trên 2cm, bao gồm cả sỏi san hô phức tạp.

– Áp dụng cho những trường hợp đã thực hiện tán sỏi ngoài cơ thể nhưng chưa loại bỏ hết sỏi.

2.2. Tán sỏi qua da không áp dụng cho những đối tượng bệnh nhân:

Phương pháp này chống chỉ định cho bệnh nhân bị rối loạn đông máu, có nguy cơ chảy máu cao và những bệnh nhân có thất thường về mạch máu thận.

Những bệnh nhân bị huyết áp cao việc chống chỉ định tán sỏi bằng phương pháp này chỉ là tạm thời.

Với những bệnh nhân đang dùng thuốc điều trị, cần ngưng thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ.

Phụ nữ có thai, bệnh nhân bị bệnh tiểu đường cũng thuộc nhóm chống chỉ định.

Nhóm bệnh nhân bị u ở thận, bị suy thận.

Chống chỉ định với bệnh nhân không gây mê được bằng đường nội khí quản

tán sỏi qua da áp dụng cho những ai

Qua thăm khám lâm sàng và cận lâm sàng, bác sĩ có chỉ định cụ thể những đối tượng bệnh nhân nào có thể thực hiện phương pháp tán sỏi qua da

 

3. Quy trình thường quy của phương pháp tán sỏi qua da

Một quy trình tán sỏi qua da, thông thường sẽ gồm những bước sau:

– Người bệnh được thăm khám lâm sàng với bác sĩ chuyên khoa. Thực hiện các thăm khám, xét nghiệm cận lâm sàng. Sau khi bác sĩ xác định chính xác vị trí, kích thước sỏi trong hệ tiết niệu sẽ tư vấn phương pháp tán sỏi phù hợp.

– Khi đã lựa chọn được phương pháp điều trị tán sỏi qua da. Bệnh nhân được lựa chọn thời gian phù hợp để thực hiện tán sỏi trong phòng mổ vô khuẩn.

– Bệnh nhân được bác sĩ gây mê nội khí quản.

– Bác sĩ phẫu thuật dùng một kim luồn một đường hầm nhỏ từ da vùng lưng vào vị trí có sỏi.

– Đường hầm của kim chọc dò được nong bằng dụng cụ chuyên biệt, đạt kích thước vừa ý đủ để đưa máy nội soi tán sỏi tiếp cận viên sỏi bên trong cơ thể.

– Năng lượng laser của máy nội soi tán sỏi sẽ tán viên sỏi thành những mảnh vụn nhỏ và hút chúng ra ngoài theo đường hầm nhỏ vừa tạo.

– Bác sĩ đặt dẫn lưu bằng một ống chuyên dụng. Sau 24 đến 48 giờ, ống dẫn lưu được rút.

– Người bệnh theo dõi tại viện trong thời gian từ 3 đến 4 ngày.

 

4. Ưu điểm vượt trội của phương pháp tán sỏi qua da

– Đây là phương pháp tán sỏi ít xâm lấn, hiệu quả điều trị sỏi cao. Tránh được các biến chứng so với phương pháp mổ mở lấy sỏi.

– Phẫu thuật tạo đường hầm nhỏ rất nhẹ nhàng, vết mổ chỉ 5mm. Thời gian nằm viện trung bình chỉ từ 3 đến 4 ngày. Nhanh hồi phục sức khỏe. Người bệnh có thể trở lại đi làm và học tập chỉ sau 7 ngày.

– Hạn chế tối đa tình trạng nhiễm trùng sau mổ vì xâm lấn rất ít, vết mổ chỉ nhỏ 5mm. Ưu điểm rất vượt trội so với phương pháp mổ truyền thống.

– Tán sỏi qua da là phương pháp ít gây tổn hại cho thận. Nhất là với trường hợp có sỏi san hô, phương pháp này bảo tồn chức năng thận hầu như hoàn toàn.

 

5. Chăm sóc người bệnh sau thực hiện nội soi tán sỏi qua da

5.1. Chăm sóc người bệnh tại viện:

– Sau khi thực hiện tán sỏi, bệnh nhân hồi tỉnh tại phòng hồi sức. Tại đây, người bệnh có thể ngồi dậy đi lại nhẹ nhàng. Ngày thứ nhất, dùng thức ăn nhẹ như cháo loãng, súp…

– Ngày thứ 2 sau tán sỏi, người bệnh được bác sĩ dẫn đi chụp đài bể thận, kiểm tra ống dẫn lưu. Xác định chính xác việc không có sỏi bị sót. Ống dẫn lưu được rút ra khỏi cơ thể.

– Ống dẫn lưu thận được rút, người bệnh có thể thấy hiện tượng rỉ ra một chút nước tiểu. Đây là hiện tượng bình thường và hết sau từ 3 đến 6 giờ. Miệng vết dẫn lưu sẽ được băng ép.

– Thời gian lưu viện từ 3 đến 4 ngày. Sau xuất viện về nhà bệnh nhân có thể trở lại làm việc sau 7 ngày kể từ ngày thực hiện tán sỏi.

5.2. Chăm sóc dinh dưỡng

– Cung cấp nước đủ cho cơ thể, uống từ 1,5 đến 2 lít mỗi ngày.

– Tuyệt đối không được nhịn tiểu vì bất cứ lý do gì.

– Bổ sung các thực phẩm dễ tiêu hóa, giúp dễ bài xuất dịch máu, thành phần hữu  hình trên thận hoặc niệu quản xuống bàng quang để tống xuất ra ngoài qua đường tiểu.

– Chế độ ăn dễ tiêu hóa còn giúp bệnh nhân nhanh hấp thu, phục hồi sức khỏe. Nhanh liền vết thương…

– Xây dựng chế độ ăn nhiều hoa quả, trái cây tươi để hạn chế tạo sỏi.

– Không vận động mạnh, không làm việc nặng, không mang vác.

Với những ưu điểm trên đây, người bệnh có thêm những thông tin hữu ích trong việc quyết định lựa chọn “chia tay” với sỏi tiết niệu.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top