✴️ Tìm hiểu về kỹ thuật đặt sonde JJ niệu quản

1. Tổng quan về Sonde JJ

1.1. Sonde JJ là gì?

Sonde JJ (hay còn gọi là JJ stent, Double J stent) là một loại ống thông mềm, rỗng, thường được làm từ nhựa dẻo hoặc silicone, dùng để đặt trong niệu quản, có tác dụng dẫn lưu nước tiểu từ thận xuống bàng quang.

Ống có thiết kế cong hai đầu hình chữ J, giúp giữ chắc ở vị trí bể thận và bàng quang. Sonde JJ có nhiều kích thước khác nhau, được lựa chọn tùy theo giải phẫu của từng bệnh nhân.

Sonde JJ niệu quản

Sonde JJ có 2 đầu cong và nhiều kích thước để phù hợp với từng cơ thể, được làm từ nhựa dẻo hoặc silicone

1.2. Tác dụng của Sonde JJ

  • Dẫn lưu nước tiểu từ thận xuống bàng quang, giảm tình trạng tắc nghẽn niệu quản do sỏi, phù nề hoặc khối u.

  • Ngăn ngừa tổn thương thận do tăng áp lực trong thận trong các trường hợp bế tắc cấp hoặc mạn.

  • Hỗ trợ lành vết thương sau can thiệp niệu quản hoặc sau phẫu thuật lấy sỏi, tạo hình niệu quản.

  • Làm giãn niệu quản trước thủ thuật nội soi tán sỏi bằng ống mềm, giúp dụng cụ đi qua dễ dàng hơn.

1.3. Chỉ định đặt Sonde JJ

  • Tắc nghẽn niệu quản do:

    • Sỏi (ở bất kỳ vị trí nào trong niệu quản)

    • U chèn ép niệu quản (ung thư, thai lớn…)

    • Hẹp sau phẫu thuật, tán sỏi, hoặc do viêm

  • Hỗ trợ sau phẫu thuật đường niệu (tán sỏi thận, nội soi lấy sỏi)

  • Chuẩn bị trước thủ thuật nội soi ống mềm

  • Chấn thương niệu quản, viêm niệu quản

  • Dẫn lưu tạm thời trong bệnh lý ác tính ổ bụng gây chèn ép đường tiết niệu

2. Quy trình đặt Sonde JJ niệu quản

Các bước thực hiện:

  1. Gây mê toàn thân

  2. Tư thế sản khoa

  3. Đặt ống nội soi bàng quang qua niệu đạo

  4. Xác định vị trí niệu quản cần đặt sonde

  5. Luồn Sonde JJ từ niệu đạo → bàng quang → niệu quản → bể thận

  6. Kiểm tra vị trí bằng hình ảnh học (X-quang, C-arm) để đảm bảo 2 đầu sonde đúng vị trí

Đặt sonde jj niệu quản

Đặt sonde JJ vào niệu quản được thực hiện bằng phương pháp nội soi ngược dòng

3. Một số câu hỏi thường gặp

3.1. Bao lâu thì rút Sonde JJ?

  • Thông thường: rút sau 2–6 tuần tùy nguyên nhân

  • Trường hợp hẹp hoặc phức tạp: có thể để lâu hơn, thậm chí thay định kỳ mỗi 3–6 tháng

  • Ống bằng nhựa dẻo: lưu < 3 tháng; ống silicone: có thể để tới 12 tháng

Bắt buộc phải tái khám và rút đúng hẹn, tránh nguy cơ nhiễm trùng, hình thành sỏi trên ống stent

3.2. Có khó chịu khi đặt Sonde JJ không?

Một số tác dụng phụ thường gặp:

  • Tiểu máu nhẹ, đặc biệt sau vận động mạnh

  • Tiểu buốt, tiểu nhiều lần, cảm giác căng tức bàng quang

  • Đau vùng thắt lưng, hông, bẹn, có thể lan xuống cơ quan sinh dục

  • Đa số triệu chứng giảm sau vài ngàyhết hoàn toàn sau khi rút ống

Cần báo bác sĩ nếu có:

  • Sốt, tiểu máu nhiều hoặc có cục máu

  • Đau tăng dần, tiểu buốt kéo dài

  • Tiểu mủ, ớn lạnh

3.3. Biến chứng có thể gặp

  • Nhiễm trùng niệu, đặc biệt nếu không đảm bảo vô khuẩn khi đặt

  • Tổn thương niệu quản, gập/gãy sonde, thủng niệu đạo hoặc bàng quang

  • Cặn sỏi bám vào sonde nếu lưu lâu hoặc không kiểm tra định kỳ

Nguy cơ biến chứng giảm đáng kể nếu đặt tại cơ sở y tế chuyên khoa, bác sĩ giàu kinh nghiệm và thực hiện đúng quy trình.

4. Hướng dẫn chăm sóc bệnh nhân đang lưu Sonde JJ

  • Uống nhiều nước: ≥2 lít/ngày (trừ khi có chống chỉ định)

  • Tránh vận động mạnh, hạn chế nâng vật nặng

  • Tuân thủ thuốc theo chỉ định (giảm đau, kháng sinh nếu có)

  • Không tự ý ngưng hoặc rút ống

  • Tái khám đúng lịch hẹn để theo dõi và rút/đổi sonde

5. Kết luận

Sonde JJ là một kỹ thuật can thiệp hỗ trợ hiệu quả trong nhiều bệnh lý tiết niệu, giúp dẫn lưu nước tiểu, ngăn ngừa tổn thương thận và hỗ trợ điều trị sỏi niệu quản. Tuy nhiên, người bệnh cần hiểu rõ vai trò – chỉ định – thời gian lưu sonde – các triệu chứng có thể gặp, đồng thời tuân thủ hướng dẫn chăm sóc và tái khám đúng lịch để hạn chế tối đa biến chứng.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top