Niệu quản là bộ phận nối giữa thận và bàng quang. Nếu sỏi kẹt ở đây sẽ rất nguy hiểm nếu không điều trị tốt. Kịp thời nhận ra những triệu chứng sỏi niệu quản sẽ giúp bạn chủ động thăm khám và điều trị bệnh hiệu quả.
Niệu quản là bộ phận nhỏ hẹp, do đó chỉ một viên sỏi có kích thước nhỏ cũng có thể tạo nên những dấu hiệu rõ ràng. Những triệu chứng sỏi niệu quản thường gặp là:
– Vùng thắt lưng bị đau âm ỉ: Sỏi di chuyển trong niệu quản có thể gây đau vùng lưng, lan dần xuống theo đường đi của sỏi. Đau âm ỉ có thể là do sỏi có kích thước chưa quá lớn.
– Gặp cơn đau đột ngột: Đau quặn thận là cơn đau thường gặp khi viên sỏi rơi từ thận xuống niệu quản, cơn đau quặn đột ngột đến và rất dữ dội, từ mạn lưng lan xuống dưới. Cơn đau có thể qua nhanh nhưng cũng có thể đau hàng giờ. Bệnh nhân phải dùng thuốc giảm đau đồng thời nhập viện theo dõi ngay.
– Bệnh nhân bị đau dưới sườn nhưng thành bụng không bị co cứng. Đây là dấu hiệu khi sỏi niệu quản nằm ở đoạn trên sát thận.
– Đi tiểu khó chịu, bị buốt, rát…: Khi sỏi niệu quản tiến tới vùng chậu, gần với bàng quang, niêm mạc bàng quang có thể bị kích thích và đau buốt. Trong trường hợp là nam giới, bệnh nhân có thể khó chịu cả khi đi tiểu lẫn khi phóng tinh.
– Nước tiểu có màu đỏ, màu hồng: Lúc này viên sỏi đã cọ xát vào niêm mạc gây đau và chảy máu, máu hòa với nước tiểu và đi ra ngoài.
– Nước tiểu có màu đục, hôi, xuất hiện mủ: Khi sỏi niệu quản trú ngụ lâu ngày trong cơ thể gây ra nhiễm trùng thì có hiện tượng này xảy ra. Đồng thời người bệnh cũng hay rét run, có thể sốt. Cần nhanh chóng đến ngay cơ sở y tế để điều trị vì tình trạng này nếu gặp nhiễm trùng huyết thì có thể nguy hiểm tính mạng.
Một số triệu chứng sỏi niệu quản khác có thể xảy ra như đầy hơi, nôn mửa, đầy hơi… đây là dấu hiệu của suy thận khi sỏi để lâu mà không được điều trị. Bệnh nhân cũng có thể khó đi tiểu khi sỏi niệu quản gây biến chứng tắc nghẽn đường tiểu.
Thường khi sỏi niệu quản đã gây nên những dấu hiệu ở trên thì đều là tình trạng gấp và cần điều trị ngay. Do đó nếu gặp bất cứ triệu chứng nào kể trên thì cần thăm khám chuyên khoa tiết niệu để được điều trị sớm nhất có thể.
Sỏi niệu quản gây những cơn đau vùng mạn lưng lan xuống vùng bẹn và bộ phận sinh dục
Điều trị sỏi niệu quản sẽ dựa trên kích thước, tình trạng, vị trí và loại sỏi để có phương pháp phù hợp. Hiện nay, sỏi niệu quản có thể điều trị bằng thuốc hoặc bằng các giải pháp tán sỏi công nghệ cao.
Sỏi niệu quản có thể được chỉ định điều trị bằng thuốc (phương pháp nội khoa) trong trường hợp sỏi nhỏ, sỏi mới hình thành và có thể đẩy ra ngoài theo đường tiểu. Tùy thuộc vào cơ thể và tình trạng của mỗi người, bác sĩ thường kê một số nhóm thuốc như:
Thuốc giảm đau có tác dụng xoa dịu những cơn đau do sỏi gây ra.
Thuốc giãn cơ với mục đích làm giãn cơ và thông thoáng đường kính niệu quản, giúp viên sỏi “chui” ra ngoài dễ dàng hơn.
Thuốc kiềm hóa nước tiểu nếu cần.
Thuốc lợi tiểu để bệnh nhân đi tiểu nhiều hơn, làm tăng khả năng đẩy sỏi niệu quản ra ngoài.
Các loại thuốc kháng sinh phù hợp khác.
Đối với việc điều trị bằng thuốc, ngoài việc tuân thủ theo chỉ định dùng thuốc của bác sĩ, bệnh nhân cần uống thật nhiều nước, có chế độ ăn uống hợp lý để đẩy được sỏi ra ngoài theo đường tự nhiên.
2.2. Điều trị sỏi niệu quản bằng phương pháp tán sỏi công nghệ cao
Sỏi niệu quản nếu có kích thước lớn, không thể đẩy ra ngoài theo đường tự nhiên sẽ được chỉ định các phương pháp tán sỏi công nghệ cao. Trước đây, đối với các sỏi lớn thường phải mổ mở để lấy sỏi ra ngoài, gây đau đớn và để lại sẹo dài cũng như gặp các biến chứng nhiễm trùng, chảy máu sau mổ. Tuy nhiên hiện nay các giải pháp tán sỏi được ưu tiên thay thế mổ mở vì những ưu điểm ít xâm lấn, ít đau, không có sẹo và nhanh hồi phục. Các giải pháp tán sỏi được áp dụng với từng trường hợp cụ thể như sau:
Áp dụng cho sỏi niệu quản ⅓ trên với kích thước bé hơn 1cm nhưng điều trị nội khoa không hiệu quả. Sóng xung kích sẽ được phát ra từ máy tán sỏi, hội tụ tại viên sỏi và làm sỏi vỡ thành mảnh vụn. Người bệnh chỉ cần nằm yên trên máy tán sỏi, không cần mổ, không đau và tán xong có thể về nhà ngay.
Áp dụng cho sỏi niệu quản ⅓ trên với kích thước lớn hơn 1,5 cm. Thay vì rạch vết lớn như mổ mở truyền thống, tán sỏi qua da chỉ tạo một đường hầm nhỏ qua da tầm 5mm, sau đó luồn thiết bị nội soi vào và dùng năng lượng laser cực lớn để bắn vỡ sỏi. Những mảnh vỡ sẽ được bơm hút ra ngoài. Đây được coi là bước đột phá điều trị sỏi niệu quản ⅓ trên kích thước lớn thay cho mổ mở truyền thống.
Áp dụng cho sỏi niệu quản ⅓ giữa, ⅓ dưới mọi kích thước. Phương pháp này tán sỏi theo đường tự nhiên, luồn ống nội soi từ niệu đạo vào bàng quang, tiến lên niệu quản và bắn vỡ sỏi thành mảnh nhỏ. Sỏi cũng được bơm hút ra ngoài. Tán sỏi nội soi ngược dòng không có vết mổ, không đau, bệnh nhân có thể xuất viện sau 24h và rất chóng hồi phục.
Mổ mở sẽ được áp dụng trong trường hợp sỏi có kích thước quá lớn, điều trị bằng các phương pháp tán sỏi nêu trên không hiệu quả.
Bệnh nhân cần chú ý ngăn chặn việc tái phát sỏi niệu quản chứ không nên cho rằng điều trị xong là hết hẳn, sỏi không bao giờ tái lại. Chế độ ăn uống và sinh hoạt có ảnh hưởng rất lớn đến việc tái phát sỏi nên cần tham khảo ý kiến bác sĩ cụ thể về vấn đề này.
Tốt nhất nên lên thực đơn kỹ lưỡng về những thực phẩm cần tránh, bổ sung nhiều nước, rau xanh và chăm chỉ vận động sau khi điều trị sỏi. Không quên tái khám định kỳ theo yêu cầu của bác sĩ chuyên khoa để theo dõi sát sao tình trạng hệ tiết niệu của mình, kịp thời xử lý nếu có dấu hiệu tái phát sỏi.
Mắc sỏi niệu quản cần chú ý đến chế độ ăn uống, sinh hoạt, chú ý bổ sung nhiều nước và rau xanh
Triệu chứng sỏi niệu quản ở mỗi người sẽ không giống nhau, do đó nếu có một trong những dấu hiệu bất thường như trong bài viết đã nêu, cần thăm khám ngay tại cơ sở uy tín để được xử lý kịp thời, tránh biến chứng như suy thận, thậm chí hỏng thận, phải cắt bỏ.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh