Sỏi bàng quang là tình trạng lắng đọng các tinh thể khoáng chất (chủ yếu là canxi, phosphate, urat…) trong nước tiểu tại bàng quang, tạo thành các khối rắn. Sỏi có thể hình thành tại chỗ do tình trạng ứ đọng nước tiểu kéo dài hoặc di chuyển từ trên xuống (sỏi từ thận hoặc niệu quản rơi xuống bàng quang).
Sỏi bàng quang có thể tồn tại đơn độc hoặc đa sỏi, với kích thước thay đổi. Trong giai đoạn đầu, nếu sỏi nhỏ và chưa gây biến chứng, có thể áp dụng điều trị nội khoa kết hợp chế độ sinh hoạt hợp lý. Tuy nhiên, khi sỏi phát triển lớn hơn hoặc gây viêm loét, chảy máu, bít tắc cổ bàng quang, cần chỉ định can thiệp ngoại khoa.
Trước đây, phương pháp mổ mở là lựa chọn chính trong điều trị sỏi bàng quang kích thước lớn. Tuy nhiên, với sự phát triển của công nghệ y học, kỹ thuật nội soi tán sỏi ngược dòng bằng laser đã thay thế mổ hở nhờ tính hiệu quả, an toàn và ít xâm lấn.
Nội soi lấy sỏi bàng quang bằng laser áp dung được cho sỏi bàng quang mọi kích thước
Nội soi tán sỏi ngược dòng bằng laser là kỹ thuật sử dụng ống nội soi đưa từ niệu đạo qua niệu đạo vào bàng quang để tiếp cận sỏi. Nguồn năng lượng laser được sử dụng để phá vỡ viên sỏi thành các mảnh vụn nhỏ, sau đó được hút hoặc bơm rửa ra ngoài.
Đây là phương pháp can thiệp qua đường tự nhiên, không tạo vết mổ, ít đau, thời gian hồi phục nhanh, giảm thiểu nguy cơ tái phát sỏi và các biến chứng liên quan.
Nội soi tán sỏi bàng quang ngược dòng bằng laser được chỉ định trong các trường hợp:
Sỏi bàng quang có kích thước ≥10 mm.
Sỏi kích thước <10 mm nhưng không có khả năng tự di chuyển xuống và được đào thải qua đường niệu đạo.
Sỏi tồn tại kéo dài gây ra triệu chứng: tiểu khó, tiểu buốt, tiểu máu vi thể, đau bụng dưới, tiểu nhiều lần.
Kỹ thuật không được thực hiện trong các trường hợp sau:
Nhiễm khuẩn đường tiết niệu đang tiến triển hoặc chưa được kiểm soát.
Dị dạng niệu quản hoặc niệu đạo, gây khó khăn trong việc đưa máy nội soi (hẹp, gấp khúc, dị dạng bẩm sinh).
Rối loạn đông máu chưa được kiểm soát, hoặc đang sử dụng thuốc chống đông không thể ngưng.
Suy thận nặng (thận ứ nước độ III–IV, creatinin huyết thanh tăng cao).
Bệnh nhân không đủ điều kiện gây mê toàn thân hoặc tê tủy sống.
Điều trị nội soi lấy sỏi bàng quang ngược dòng không xâm lấn, dùng năng lượng laser để tán vụn sỏi
Phương pháp tán sỏi bàng quang nội soi ngược dòng bằng laser hiện là kỹ thuật điều trị ít xâm lấn mang lại nhiều lợi ích vượt trội:
Hiệu quả cao: Tán được hầu hết các loại sỏi bàng quang, bao gồm cả sỏi kích thước lớn, với tỷ lệ làm sạch sỏi gần như 100%.
Không vết mổ: Thực hiện qua đường niệu đạo nên không để lại sẹo phẫu thuật.
Ít đau, phục hồi nhanh: Giảm thiểu đau sau thủ thuật, người bệnh có thể sinh hoạt nhẹ sau vài giờ và ra viện sau 24 giờ.
Thời gian can thiệp ngắn: Trung bình 30–60 phút, giảm thiểu thời gian gây mê và thời gian nằm viện.
Một số tình huống có thể ảnh hưởng đến chỉ định hoặc hiệu quả của kỹ thuật:
Chống chỉ định tương đối hoặc tuyệt đối: như nhiễm khuẩn tiết niệu chưa kiểm soát, dị dạng niệu đạo hoặc niệu quản, rối loạn đông máu chưa được hiệu chỉnh, suy thận độ nặng (độ III–IV).
Biến chứng tiềm tàng: Có thể xảy ra các biến chứng như tổn thương niêm mạc bàng quang, thủng bàng quang, tiểu máu sau can thiệp.
Do đó, kỹ thuật cần được thực hiện tại các cơ sở y tế có trang thiết bị hiện đại và đội ngũ chuyên khoa niệu giàu kinh nghiệm.
Chuẩn bị trước phẫu thuật:
Bệnh nhân được khám lâm sàng, làm các xét nghiệm máu, nước tiểu, chức năng đông máu, hình ảnh học (siêu âm, X-quang, CT nếu cần).
Giải thích rõ ràng về kỹ thuật, lợi ích và nguy cơ, ký cam kết phẫu thuật.
Thực hiện thủ thuật:
Vô cảm: Gây tê tủy sống hoặc gây mê toàn thân.
Đặt bệnh nhân ở tư thế sản khoa.
Đưa ống nội soi qua niệu đạo vào bàng quang để xác định vị trí sỏi.
Tán sỏi bằng nguồn laser năng lượng cao (Holmium laser) thành các mảnh vụn nhỏ.
Bơm rửa và hút sạch vụn sỏi khỏi bàng quang.
Đặt sonde tiểu hoặc ống thông niệu đạo (JJ stent) tùy trường hợp; sonde được rút sau 1–2 tuần.
Thời gian thực hiện: Trung bình 30–60 phút tùy số lượng và kích thước sỏi.
Sau phẫu thuật: Bệnh nhân được theo dõi tại phòng bệnh; có thể ăn nhẹ sau 3–6 giờ và xuất viện sau 24 giờ nếu ổn định.
Uống đủ nước: Tối thiểu 2–2,5 lít/ngày (trừ khi có chống chỉ định) để tăng bài tiết nước tiểu, hỗ trợ đào thải vụn sỏi còn sót và ngăn ngừa tái phát.
Chế độ ăn lành mạnh:
Ăn thức ăn dễ tiêu, nhiều chất xơ (rau xanh, trái cây).
Tránh thức ăn nhiều muối, nhiều đạm động vật, thực phẩm chứa oxalat cao (chocolate, trà đặc, rau bina...).
Tránh các yếu tố nguy cơ:
Hạn chế rượu bia, bỏ thuốc lá, tránh nhịn tiểu.
Duy trì vận động nhẹ nhàng sau ra viện để tăng lưu thông nước tiểu.
Tái khám theo lịch: Rút sonde đúng hẹn, siêu âm kiểm tra sỏi sót nếu cần.
Kết luận:
Tán sỏi bàng quang nội soi ngược dòng bằng laser là phương pháp điều trị hiện đại, hiệu quả cao, ít xâm lấn, phù hợp với đa số bệnh nhân có chỉ định ngoại khoa. Tuy nhiên, cần được thực hiện tại các cơ sở có đủ năng lực chuyên môn và trang thiết bị để đảm bảo an toàn và hiệu quả tối đa.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh