✴️ Chọc hút tế bào bằng kim nhỏ tuyến nước bọt (FNA tuyến nước bọt)

1.Tổng quan về u tuyến nước bọt.

           Nhìn chung, u tuyến nước bọt tương đối ít gặp, khoảng 2 – 4% các khối u vùng đầu cổ. Riêng ở Việt Nam, ước tính có khoảng 0.6 – 0.7 ca u tuyến nước bọt mới mắc/ 100.000 dân.U tuyến nước bọt chủ yếu gặp ở các tuyến nước bọt chính, trong đó u tuyến mang tai chiếm 65 – 80%, tỷ lệ ác tính 15%; u tuyến dưới hàm chiếm 10%, tỷ lệ ác tính 40%; số ít còn lại xuất hiện ở tuyến nước bọt dưới lưỡi và các tuyến nước bọt phụ nhưng  tỷ lệ ác tính khoảng 80%.

Có rất nhiều biện pháp để chẩn đoán u tuyến nước bọt như: khám lâm sàng, chẩn đoán hình ảnh, sinh thiết. Trong đó, phương pháp tế bào học chọc hút bằng kim nhỏ (FNA tuyến nước bọt) được đánh giá là phương pháp hiệu quả ngay cả trong giai đoạn sớm.

 

2. Xét nghiệm chọc hút tế bào tuyến nước bọt bằng kim nhỏ (FNA tuyến nước bọt) là gì?

Chọc hút tế bào tuyến nước bọt bằng kim nhỏ (FNA- Fine Needle Aspiration) là một thủ thuật sử dụng kim cỡ nhỏ xuyên qua da để thu thập một lượng tế bào của các tổn thương ở tuyến nước bọt, nhằm xác định bản chất tổn thương trước khi bác sĩ lâm sàng quyết định kế hoạch điều trị của bệnh nhân.

 

3. Chỉ định và chống chỉ định của FNA tuyến nước bọt.

  • Chỉ định: Bất kỳ tổn thương nào có thể sờ được của tuyến nước bọt (phì đại, u lan tỏa, u hai bên, nốt đơn độc tuyến nước bọt)
  • Chống chỉ định: Hầu như không có, trừ trường hợp rối loạn đông máu.

 

4. Giá trị chuẩn đoán của FNA tuyến nước bọt.

          Độ nhạy và độ đặc hiệu của FNA tuyến nước bọt phụ thuộc vào nhiều yếu tố như kinh nghiệm thực hiện thủ thuật của người lấy mẫu, kinh nghiệm đọc của bác sĩ giải phẫu bệnh, chất lượng của tiêu bản...

Nhìn chung , các báo cáo cho thấy độ nhạy của FNA tuyến nước bọt khoảng 62%-98%, độ đặc hiệu 81-97%. Âm tính giả và dương tính giả ít gặp. Độ nhạy và độ đặc hiệu phân biệt các tổn thương tân sinh và không tân sinh lần lượt là 79-97% và 71-98%. Độ chính xác để phân biệt các tổn thương lành tính với các tổn thương ác tính của FNA khoảng 81-98%.

 

5. Kết quả tế bào học tuyến nước bọt theo hệ thống Milan

Hệ thống Milan gồm 6 nhóm chẩn đoán :

  • Nhóm I: Không chẩn đoán (Non – Diagnostic): phết không đủ tiêu chuẩn chất lượng/số lượng để cung cấp thông tin chẩn đoán.
  • Nhóm II: Không tân sinh (Non – Neoplastic): mẫu phết có các biến đổi lành tính, không tân sinh, bao gồm viêm cấp và mạn tính, các thay đổi về cấu trúc và nhiễm trùng.
  • Nhóm III: Không điển hình ý nghĩa không xác định (Atypia of Undetermined Significance): mẫu phết không có đủ đặc điểm tế bào học và số lượng để đưa ra một chẩn đoán chắc chắn thuộc nhóm không tân sinh hoặc tân sinh. Tuy nhiên, mẫu phết này có các đặc điểm đủ để loại trừ chẩn đoán nhóm I.
  • Nhóm IV: Tân sinh (Neoplasm) gồm:
    • Nhóm IVa:Lành tính (Benign): Chẩn đoán khi mẫu phết có các đặc điểm hình thái tế bào đặc trưng của một u biểu mô hoặc trung mô lành tính.
    • Nhóm IVb: Tân sinh tuyến nước bọt có khả năng ác tính không chắc chắn (Salivary Gland Neoplasm of Untercain Malignant): Chẩn đoán này dành cho các mẫu phết tế bào có đặc điểm hình thái thuộc nhóm tân sinh nhưng không chẩn đoán được loại mô học. Nhóm này được dùng trong các trường hợp không thể loại trừ được u ác tính.
  • Nhóm V: Nghi ngờ ác tính (Suspicious for Malignancy): Mẫu phết chỉ thỏa một số tiêu chuẩn tế bào học của tổn thương ác tính, nhìn chung đặc điểm tế bào học của mẫu phết gợi ý một tổn thương ác tính.
  • Nhóm VI: Ác tính (Malignant): Mẫu phết tế bào có đủ đặc điểm chẩn đoán ác tính.

 

6. Tế bào học một số bệnh lý thường gặp

Viêm tuyến nước bọt cấp tính

  • Mẫu phết chủ yếu bạch cầu đa nhân trung tính ± vi khuẩn.
  • Mô bào.
  • Mảnh vụn tế bào viêm hoại tử
  • Hình thành mô hạt giai đoạn sớm.

Viêm tuyến nước bọt cấp tính

 

Viêm hạt tuyến nước bọt

  • Mẫu phết ít tế bào,
  • Cụm mô bào dạng biểu mô,
  • Số lượng thay đổi tế bào viêm cấp và mạn tính,
  • ± Đại bào nhiều nhân,
  • ± Nền hoại tử.

U hỗn hợp tuyến nước bọt (Mixed tumor/pleomorphic adenoma): Tế bào trung mô, tế bào thượng mô và mô đệm

  • Tế bào trung mô và mô đệm: tế bào hình thoi dạng biểu mô, chất dạng sợi, tế bào cơ biểu mô dạng tương bào
  • Tế bào thượng mô: dẹt, xếp cấu trúc ống, bè, tuyến, nhú…

 

Nhóm IV-a (tổn thương tân sinh lành tính) : U tuyến nước bọt đa dạng

 

U Warthin

  • Mẫu phết gồm 3 thành phần: limphô bào, phồng bào, đại thực bào
  • Phồng bào: xếp thành đám phẳng, bào tương có hạt, bờ rõ, nhân lệch
  • Limphô bào: đa dạng, ưu thế là các tế bào trưởng thành có kích thước nhỏ

 

Tổn thương tân sinh lành tính (IV- a): U Warthin. Mẫu phết u Warthin với nền tiêu bản nhiều lympho bào và phồng bào.

 

U mỡ

  • Mẫu phết có các đám và mảng tế bào có tỷ lệ nhân/bào tương rất thấp, tế bào chất sáng.
  • Mỗi tế bào có 1 không bào lớn, chiếm toàn bộ bào tương,
  • Nhân nhỏ, tăng sắc, bị đẩy lệch về 1 phía,
  • Nền có thể có những giọt lipid.

Carcinôm nhầy bì

Carcinôm nhầy bì là một tổn thương tân sinh ác tính của biểu mô tuyến, đặc trưng bởi các tế bào dạng biểu mô, tế bào trung gian và các tế bào tiết nhầy, tế bào trụ, tế bào sáng, tế bào gai với tỷ lệ thay đổi tùy theo độ mô học của tổn thương

  • Hỗn hợp gồm tế bào tiết nhày, tế bào trung gian (tế bào tròn hoặc bầu dục xếp thành đám, kích thước trung bình)
  • Mức độ xuất hiện của các phồng bào, tế bào trụ, tế bào sáng thay đổi.
  • Lympho bào xuất hiện ở gần 20% trường hợp.
  • Các tế bào nằm trên mô đệm nhầy.

Nhóm VI (Tổn thương ác tính) Carcinôm nhầy bì độ thấp.

Mẫu phết chứa chủ yếu chất nền dạng nhầy và những đám tế bào dạng biểu mô và nhầy lỏng lẻo.

 

Carcinôm tế bào túi tuyến

Carcinôm túi tuyến là một tân sinh ác tính của tế bào biểu mô, trong đó có ít nhất một số tế bào biệt hóa theo hướng túi tuyến chế tiết dịch trong. Phần lớn các mẫu phết carcinôm túi tuyến có các đặc điểm sau:

  • Mẫu phết giàu tế bào, gồm các tế bào biểu mô đơn dạng.
  • Các tế bào u đa diện, tỷ lệ nhân/bào tương thấp, tế bào chất nhiều có không bào nhỏ, ái kiềm.
  • Bào tương có các hạt “zymogen” với số lượng thay đổi, những hạt này dương tính khi nhuộm PAS.
  • Chủ yếu là các tế bào rời rạc hoặc kết đám lỏng lẻo, không hình thành cấu trúc thùy.

Carcinôm ống tuyến nước bọt

Carcinôm ống tuyến nước bọt là một tổn thương ác tính độ cao có các đặc điểm tế bào học sau đây.

  • Phết giàu tế bào.
  • Tế bào xếp thành mảng, đám ba chiều dày đặc và các nhóm tế bào dạng sàng với đặc điểm tế bào ác tính rõ ràng.
  • Các tế bào đa diện kích thước từ trung bình đến lớn với ranh giới rõ ràng, tế bào chất nhiều ưa acid.
  • Nhân lớn tròn đến bầu dục, đa dạng, tăng sắc với hạch nhân rõ.
  • Phân bào nhiều.
  • Nền hoại tử; nhân trần lớn.

 

 

7. Biến chứng

Biến chứng của FNA tuyến nước bọt hiếm gặp.Việc lấy mẫu ở vùng tuyến nước bọt dưới hàm thường gây đau nhẹ cho bệnh nhân và có thể gây tụ máu nhẹ.

Các biến chứng như tổn thương các cấu trúc xung quanh hoặc gieo rắc tế bào u theo đường kim chưa được ghi nhận.

Chảy máu nặng hoặc nhồi máu tại u sau thủ thuật hiếm xảy ra.

 

8.Tổng kết

FNA tuyến nước là một phương tiện cận lâm sàng thực hiện nhanh, chính xác, có giá trị chẩn đoán cao, ít tốn kém với tỷ lệ biến chứng thấp. Kỹ thuật này đã giúp chọn lọc đúng các trường hợp cần phẫu thuật, giảm hơn phân nửa số trường hợp phải mổ, đồng nghĩa với việc nâng cao hiệu quả điều trị và giảm chi phí đáng kể cho người bệnh.

 

TÀI LIỆU THAM KHảO:

1.The Milan System for Reporting Salivary Gland Cytopathology – William C.Faquin & Esther Diana Rossi.

2.Bài giảng lý thuyết tế bào học, 2015 – 2016, Bộ môn Giải phẫu bệnh Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch.

3.Fine – Needle Biopsy of Superficial and Deep Masses – Giorgio Gherardi.

Atlas of Fine Needle Aspiration Cytology, Second Edition – Henryk A. Domanski.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top