Sốc nhiễm khuẩn là tình trạng nhiễm trùng huyết nặng, gây suy đa cơ quan và tụt huyết áp không đáp ứng với bù dịch, có thể gặp ở bất kỳ đối tượng nào bị nhiễm vi khuẩn. Khi xảy ra sau thủ thuật nạo phá thai, sốc nhiễm khuẩn có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng, thậm chí tử vong nếu không được điều trị kịp thời.
Các phương pháp nạo phá thai bao gồm:
Sảy thai tự nhiên: Thai và rau tự động được tống xuất khỏi tử cung mà không có sự can thiệp y tế.
Phá thai ngoại khoa: Lấy thai và rau ra khỏi buồng tử cung bằng thủ thuật, thường sử dụng phương pháp hút chân không.
Phá thai nội khoa: Sử dụng thuốc để kích thích tống xuất thai và mô rau, mô phỏng cơ chế sảy thai tự nhiên.
Phá thai không an toàn: Thực hiện phá thai tại nhà hoặc các cơ sở phi y tế, thường không đảm bảo kỹ thuật vô trùng.
Sốc nhiễm khuẩn thường xảy ra sau các thủ thuật này do:
Nạo phá thai không hoàn toàn: Mô thai còn sót lại là nguồn tiềm ẩn gây nhiễm trùng.
Xâm nhập vi khuẩn vào máu: Gây nhiễm trùng toàn thân và phản ứng viêm hệ thống (sepsis).
Các yếu tố làm tăng nguy cơ sốc nhiễm khuẩn sau nạo phá thai gồm:
Thực hiện thủ thuật bằng dụng cụ không được tiệt trùng đúng quy trình.
Thời gian dụng cụ y tế lưu lại trong tử cung kéo dài.
Phá thai không an toàn tại các cơ sở không đạt chuẩn.
Bệnh lý nền: Đái tháo đường, suy giảm miễn dịch, các bệnh mạn tính khác.
Bỏ sót thai sau phá thai nội khoa mà không được siêu âm kiểm tra.
Sốc nhiễm khuẩn cần được nhận diện sớm. Các dấu hiệu bao gồm:
Sốt cao hoặc hạ thân nhiệt.
Chảy máu âm đạo nhiều, đau bụng dữ dội.
Lạnh chi, da tái tím.
Rối loạn ý thức: Lơ mơ, kích thích, mệt lả.
Ớn lạnh, run.
Hạ huyết áp, đặc biệt tụt huyết áp tư thế.
Tiểu khó hoặc vô niệu.
Nhịp tim nhanh, đánh trống ngực.
Thở nhanh, khó thở.
Nếu không được điều trị kịp thời, sốc nhiễm khuẩn có thể gây:
Suy hô hấp cấp.
Suy tuần hoàn.
Suy gan, suy thận.
Hoại tử mô.
Tử vong.
Trong một số trường hợp, cần phẫu thuật cắt tử cung hoàn toàn (gồm tử cung, cổ tử cung, buồng trứng, ống dẫn trứng) để kiểm soát ổ nhiễm khuẩn.
Chẩn đoán dựa trên lâm sàng phối hợp với các cận lâm sàng:
Xét nghiệm máu: Công thức máu, cấy máu tìm vi khuẩn, khí máu động mạch, chức năng gan thận.
Xét nghiệm dịch sinh học: Cấy nước tiểu, đờm, dịch não tủy, mô tổn thương.
Chẩn đoán hình ảnh:
Siêu âm tử cung đánh giá sót thai.
CT Scan bụng - chậu để phát hiện ổ áp xe, tắc nghẽn, dị vật.
Xquang ngực kiểm tra tràn dịch màng phổi, viêm phổi.
Điện tâm đồ (ECG): Đánh giá rối loạn nhịp tim.
Điều trị sốc nhiễm khuẩn cần được khởi động ngay lập tức, không chờ kết quả vi sinh.
Hồi sức tích cực:
Thở máy nếu cần.
Bù dịch và sử dụng thuốc vận mạch nâng huyết áp (norepinephrine, dopamine).
Theo dõi huyết động học liên tục.
Kháng sinh phổ rộng phối hợp:
Ampicillin + Gentamicin + Clindamycin hoặc Metronidazol.
Điều chỉnh phác đồ kháng sinh theo kết quả cấy và kháng sinh đồ.
Can thiệp ngoại khoa:
Phẫu thuật lấy bỏ mô sót, dẫn lưu ổ áp xe.
Mở bụng thăm dò trong trường hợp nghi ngờ thủng ruột, áp xe sâu.
Sốc nhiễm khuẩn do nạo phá thai có tỷ lệ tử vong cao, phụ thuộc vào:
Thời gian phát hiện và khởi trị.
Mức độ suy đa cơ quan.
Tuổi và tình trạng nền của bệnh nhân.
Tiên lượng cải thiện đáng kể nếu được chẩn đoán và điều trị sớm.
Các biện pháp phòng ngừa hiệu quả bao gồm:
Thực hiện phá thai tại cơ sở y tế đạt chuẩn, bởi nhân viên y tế được đào tạo.
Tuân thủ quy trình vô khuẩn trong tất cả các thủ thuật.
Không tự ý phá thai hoặc phá thai tại các cơ sở không được cấp phép.
Tuân thủ chỉ định, theo dõi và tái khám sau phá thai, đặc biệt sau phá thai nội khoa.
Nhận biết sớm và xử trí kịp thời các dấu hiệu nhiễm trùng.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh