Trẻ nghĩ nếu mình nói hoặc hành xử khác đi thì có lẽ mọi chuyện đã không như vậy. Trẻ cũng cảm thấy tồi tệ vì không thể bảo vệ cha mẹ hoặc người mình thương yêu.
Một số yếu tố làm tăng tính nhạy cảm của trẻ với bạo hành:
Có mối liên hệ trực tiếp với bạo hành.
Bị bạo hành trong một thời gian dài.
Bị căng thẳng tiếp diễn vì chuyển trường, gia đình có khó khăn tài chính, không có bạn bè.
- Hiểu hành vi của trẻ
Trẻ bị bạo hành hoặc chứng kiến bạo hành có thể:
Cảm thấy mình có trách nhiệm hoặc có lỗi trước những gì xảy ra.
Đột nhiên muốn được ở một mình.
Trông buồn rầu hơn bình thường.
Trở nên rất năng động hoặc tăng động quá mức.
Trở nên hung dữ hoặc thường xuyên gây gổ, đánh lộn.
Có vẻ mơ màng, sao nhãng.
Giật mình vì tiếng động mạnh.
Trở lại những nỗi sợ cũ hoặc xuất hiện những nỗi sợ mới.
Không muốn đi ngủ.
Nằm mơ thấy ác mộng.
Ăn nhiều hơn hoặc ít hơn trước.
Hay gặp rắc rối ở nhà hoặc ở trường.
Khó tập trung.
Kêu đau đầu, đau bụng.
Một lần nữa, điều quan trọng không phải là đếm xem trẻ có bao nhiêu dấu hiệu kể trên mà cần tìm kiếm những dấu hiệu kín đáo cho thấy có chuyện gì đó bất ổn. Cha mẹ cần tìm hiểu xem hành vi, bữa ăn, giấc ngủ của trẻ có thay đổi không? Trông trẻ có vẻ lo lắng, buồn rầu không? Các biểu hiện của trẻ có thể xấu đi khi bé phải chuyển nhà hoặc chuyển trường, khi có người thân trong gia đình qua đời hoặc bố mẹ chia tay.
Điều quan trọng là lắng nghe và nói với con rằng những cảm xúc mà bé đang trải nghiệm không có gì sai. Điều này giúp ngăn ngừa trẻ:
Nghĩ rằng bạo hành là điều bình thường.
Trở nên bối rối và tự trách mình.
Nghĩ rằng mình không nên hỏi han hay bàn luận về bạo hành.
Quen với việc chối bỏ cảm xúc hay cứ giữ chúng mãi trong mình.
Cảm thấy mình thật điên rồ.
Cảm thấy cô đơn, tách biệt với bạn bè.
Hình thành niềm tin không đúng đắn về nguyên nhân của bạo hành, ví dụ tự kết tội mình.
- Động viên bé thể hiện suy nghĩ và cảm xúc
Lắng nghe mà không phán xét.
Bình tĩnh trả lời con, không tỏ vẻ lo lắng hay tức giận. Ví dụ bạn có thể nói “Mẹ xin lỗi vì khiến con phải nhìn thấy mẹ đau. Mẹ không hề nghĩ là điều này khiến con buồn đến vậy. Chắc con cảm thấy khổ sở lắm”.
Giúp con nhận dạng cảm xúc. Ví dụ bạn có thể nói “Chuyện xảy ra hôm nay trước cổng trường khiến mẹ rất sợ. Con cảm thấy thế nào?"
Nếu bạn không thể trả lời câu hỏi nào đó của con thì hãy dũng cảm thừa nhận. Sau đó hãy giúp bé tìm kiếm thông tin và tiếp tục trao đổi với con về vấn đề còn bỏ ngỏ.
Viết ra giấy những nỗi lo của con và cùng bé trao đổi từng vấn đề một.
Động viên con viết hoặc vẽ về những suy nghĩ và cảm xúc của mình nếu bé tỏ ra sẵn sàng.
- Giúp bé cảm thấy an toàn và kiểm soát cảm xúc
Nói với con rằng chuyện xảy ra không phải lỗi của bé.
Giúp trẻ tạo một góc an toàn để trú ẩn khi cảm xúc dâng trào quá mạnh (ví dụ một góc yên tĩnh để đọc sách hay nghe nhạc).
Lên kế hoạch giúp con đối phó với các yếu tố kích thích (tiếng động lớn, tiếng người nói to hay những cảnh gợi nhớ về bạo hành). Có thể bé sẽ chọn cách lui vào một góc yên tĩnh để nghe nhạc hoặc chạy sang chơi với bạn hàng xóm.
Cho con tham gia các hoạt động ngoại khóa bé cảm thấy an toàn.
Thận trọng khi nói trước mặt con. Đừng đưa ra những nhận xét thù hận hay cáu giận.
Trả lời con một cách rõ ràng, phù hợp với lứa tuổi. Ví dụ bạn có thể nói về những việc cụ thể mà nhà trường đang thực hiện để bảo vệ học sinh, như không cho người lạ vào trường.
Để con tự đưa ra một số quyết định như ngồi học ở đâu, đọc sách gì, chơi trò gì lúc nghỉ giải lao.
Làm gương hoặc dạy trẻ các kỹ năng giải quyết xung đột như lắng nghe ý kiến của bên kia rồi đi tới thỏa thuận và thể hiện cảm xúc, thay vì dùng bạo lực.
Đừng hứa những điều bạn không thể thực hiện. Thay vì nói “Bố sẽ bảo vệ con, không để đứa nào động đến cái chân lông con nữa!”, hãy nói “Bố con mình cùng nhau lên kế hoạch giúp con cảm thấy an toàn khi con thấy sợ nhé”.
Giúp trẻ lên kế hoạch đối phó nếu bạo hành lại xảy ra.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh