✴️ Bệnh não gan là gì? Ảnh hưởng nhiều đến người bệnh ra sao

Bệnh não gan là gì?

Bệnh não gan hoặc hôn mê gan được định nghĩa là những rối loạn não thứ phát gây ra do tình trạng suy gan quá nặng. Lúc này, bệnh nhân sẽ mất ý thức về hành vi, lời nói, mắt mờ mất định hướng, mệt mỏi và yếu cơ.

– Bệnh não gan là một tập hợp các triệu chứng rối loạn tâm thần kinh phức tạp xảy ra trên nhóm bệnh nhân có suy chức năng gan.

– Bệnh lý thường xảy ra trên bệnh nhân xơ gan, tuy nhiên cũng có thể là một biểu hiện của suy gan cấp hoặc có shunt nối bất thường hệ cửa chủ ở những trường hợp không có xơ gan.

– Bệnh não gan là yếu tố độc lập tiên lượng tử vong ở bệnh nhân xơ gan, theo thống kê khoảng 58% bệnh nhân tử vong sau 1 năm và 77% sau 3 năm khi xuất hiện bệnh não gan.

– Chẩn đoán bệnh não gan chủ yếu dựa vào lâm sàng, nồng độ NH3 có giá trị rất hạn chế trong chẩn đoán ngoại trừ có giá trị tiên lượng trong trường hợp có suy gan cấp.

– Điều trị các yếu tố nguy cơ tiềm tàng là vấn đề then chốt trong quản lý dự phòng bệnh não gan.

– Lactulose giúp cải thiện các triệu chứng của bệnh não gan tuy nhiên do bản chất kém dung nạp dẫn đến kém tuân thủ điều trị khi sử dụng kéo dài.

– Rifaximin giúp giảm 50% số lần nhập viện liên quan tới bệnh não gan.

– Bệnh não gan tối thiểu thường xuất hiện 60-80% ở bệnh nhân xơ gan hoặc 1/3 sẽ tiến triển thành bệnh não gan lộ rõ.

Bệnh não gan hoặc hôn mê gan được định nghĩa là những rối loạn não thứ phát gây ra do tình trạng suy gan quá nặng.

 

Nguyên nhân gây bệnh não gan

Chức năng cơ bản của gan là giúp chuyển hóa các chất như vitamin, protein… thành các chất đơn giản và thải độc.Tuy nhiên, khi bệnh xơ gan ở giai đoạn cuối, chức năng gan không còn đảm bảo khiến cho độc tố bị tồn lại trong máu nhất là amoniac và gây ra chứng não gan.
Não gan rất nguy hiểm. Bệnh có thể khiến bệnh nhân tử vong bất cứ lúc nào nếu không có sự can thiệp kịp thời của bác sĩ.

 

Các giai đoạn của bệnh não gan

Bệnh não gan được chia làm 5 giai đoạn. Cụ thể là:
-Giai đoạn 1: Không có biểu hiện gì bất thường.
-Giai đoạn 2: Bệnh nhân bắt đầu có sự suy giảm nhận thức, lo lắng và mất tập trung.
-Giai đoạn 3: Bệnh nhân luôn ở trong tình trạng mất định hướng thời gian, thay đổi tính cách rõ rệt và có những hành vi không thích hợp.
-Giai đoạn 4: Bệnh nhân có biểu hiện ngủ gà, lẫn lộn, mất định hướng toàn thể… và  có hành vi bất thường.
-Giai đoạn 5: Đây là giai đoạn cuối của bệnh. Bệnh nhân bắt đầu bước vào hôn mê, mất ý thức, các kiểm tra thần kinh không đáp ứng.

 

Yếu tố nguy cơ

– Tăng lượng chất chứa nitơ do chảy máu tiêu hóa, tăng ure huyết, nhiễm trùng mà đặc biệt là nhiễm trùng dịch ổ trướng, mất cân bằng điện giải, truyền máu, táo bón, mất nước trong tiêu chảy cấp và không tuân thủ duy trì lactulose.

– Giảm thải các độc tố do shunt nối cửa-chủ, phẫu thuật, TIPS.

– Rối loạn hệ dẫn truyền thần kinh do thuốc: benzodiazepine hoặc thuốc kích thích thần kinh.

– Tổn thương tế bào gan do tiếp tục sử dụng rượu, ung thư tế bào gan, TACE, huyết khối tĩnh mạch cửa cấp.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top