✴️ “Xóa tan” sỏi tiết niệu với tán sỏi ngược dòng bằng laser

Nội dung

1. Tán sỏi ngược dòng bằng laser là gì?

Tán sỏi ngược dòng bằng laser là phương pháp sử dụng ống nội soi theo đường niệu đạo đến vị trí có sỏi. Sau đó, sử dụng năng lượng laser để bắn phá làm vỡ sỏi. Sỏi sau khi tán sẽ được đưa ra ngoài.  Nhờ kỹ thuật ưu việt này mà tán sỏi ngược dòng dần thay thế các phương pháp lấy sỏi truyền thống trước đây : mổ hở lấy sỏi, nội soi sau phúc mạc…Hiện nay, tán sỏi bằng laser được đánh giá là phương pháp tiên tiến hàng đầu và ngày càng được áp dụng rộng rãi.  Phương pháp với độ an toàn cao, hạn chế tối đa nguy cơ tái phát sỏi, thích hợp cho sỏi ở nhiều vị trí và kích thước khác nhau.

Thực hiện tán sỏi ngược dòng bằng laser, người bệnh không phải mổ và thời gian hồi phục nhanh chóng

Với tán sỏi ngược dòng bằng laser người bệnh không phải mổ và thời gian hồi phục nhanh chóng.

 

2. Phương pháp áp dụng trong trường hợp nào?

Bệnh nhân được chỉ định điều trị sỏi bằng tán sỏi nội soi ngược dòng cần đảm bảo các điều kiện sau:

  • Sỏi niệu quản đoạn 1/3 giữa và 1/3 dưới.

  • Sỏi bàng quang không tự thoát ra ngoài theo nước tiểu.

  • Sỏi thận có kích thước < 2.5 cm

  • Sỏi thận bị sót hoặc tái phát trở lại sau phẫu thuật mở.

  • Sỏi niệu quản di chuyển lên thận sau phẫu thuật lấy sỏi nội soi sau phúc mạc.

 

3. Đối tượng không áp dụng phương pháp tán sỏi bằng laser

Tán sỏi ngược dòng bằng laser không được chỉ định trong các trường hợp sau:

  • Có dị tật ở niệu quản, niệu quản bị hẹp, gấp khúc không đặt được máy nội soi.

  • Sỏi thận có kích thước > 2.5cm

  • Bệnh nhân đang bị nhiễm khuẩn đường tiết niệu chưa điều trị hoặc thận bị ứ nước

  • Bệnh nhân  có các chống chỉ định về gây mê hồi sức: suy hô hấp, tim..

 

4. Quy trình nội soi tán sỏi ngược  dòng bằng laser

Tùy theo tình trạng cụ thể, trước khi tán sỏi 10-15 ngày, bệnh nhân có thể được đặt ống thông niệu quản (sonde JJ)

  • Bước 1:Bệnh nhân được gây mê nội khí quản và hướng dẫn nằm ngửa theo tư thế sản khoa.

  • Bước 2: Bác sĩ tiến hành soi bàng quang để rút ống thông JJ, sỏi niệu quản – bể thận để đánh giá niệu quản, đặt guidewire đài bể thận.

  • Bước 3: Tiếp theo, đặt sheath 12Fr vào niệu quản lên đài bể thận, trượt đồng trục với guide wire.

  • Bước 4: Rút guide wire, nòng Sheath, đưa ống mềm nội soi lên đài bể thận qua sheath.

  • Bước 5: Xác định vị trí, số lượng và kích thước sỏi. Nếu niệu quản bị chít hẹp, gấp khúc không đặt được Sheath thì chỉ định đặt ống mềm nội soi trực tiếp. Nếu vẫn không được thì sẽ chuyển sang hướng điều trị khác.

  • Bước 6: Sử dụng năng lượng Holmium Laser tán sỏi thành những mảnh nhỏ.

  • Bước 7: Bơm rửa để lấy mảnh sỏi sau tán hoặc rọ lấy sỏi và kiểm tra sạch sỏi.

  • Bước 8: Rút ống nội soi mềm, đặt ống thông JJ ngược dòng và Foley niệu đạo.

     

Sau khi tán sỏi:

  • Bệnh nhân sau khi tán ỏi sẽ được theo dõi tình trạng ổ bụng; số lượng, màu sắc nước tiểu nhằm phát hiện sớm những tổn thương niệu quản – bể thận có thể xảy ra.

  • Cho bệnh nhân uống nhiều nước, khoảng 2-3 lít mỗi ngày để loại bỏ hết sỏi.

  • Rút Foley niệu đạo sau 1-2 ngày và ra viện

  • Hẹn bệnh nhân tái khám sau 2-4 tuần để đánh giá tỷ lệ sạch sỏi và rút sonde JJ.

 

4. Ưu – nhược điểm của phương pháp

4.1. Ưu điểm tán sỏi ngược dòng bằng laser

  • Đây là phương pháp hiện đại, ít xâm lấn trong điều trị sỏi đường tiết niệu, áp dụng được với nhiều loại sỏi (kể cả sỏi san hô).

  • Tán sỏi ngược dòng là phẫu thuật theo đường tự nhiên của cơ thể (đường dẫn nước tiểu) nên không có vết mổ, không chảy máu nhiều.

  • Kỹ thuật giúp bảo tồn tối đa chức năng thận, ít đau đớn.

  • Thời gian nằm viện ngắn, chỉ sau 1-2 ngày bệnh nhân có thể xuất viện, tiết kiệm chi phí, giảm nguy cơ nhiễm khuẩn bệnh viện. Bệnh nhân nhanh chóng trở lại cuộc sống thường ngày.

  • Tỷ lệ sạch sỏi cao, đạt tới trên 90%.

  • Giảm tối đa các nguy cơ sau mổ so với phương pháp mổ hở: chảy máu, nhiễm trùng vết mổ, dính ruột,..

     

    Tán sỏi ngược dòng bằng laser được đánh giá là phương pháp tiên tiến hàng đầu trong điều trị sỏi tiết niệu

    Tán sỏi ngược dòng bằng laser được đánh giá là phương pháp tiên tiến hàng đầu trong điều trị sỏi tiết niệu

4.2. Biến chứng nội soi tán sỏi ngược dòng bằng laser

Với nhiều ưu điểm vượt trội kể trên, nhưng cũng giống như các phương pháp phẫu thuật khác, phương pháp này vẫn còn tiềm ẩn một số biến chứng sau:

  • Nguy cơ thủng niệu quản do đốt laser nhầm vị trí hoặc không may bị lan.

  • Sốt, đi tiểu ra máu sau khi thực hiện phẫu thuật

  • Không đặt được ống nội soi để tiếp cận vị trí có sỏi, phải chuyển mổ hở.

Để hạn chế những biến chứng trên, khi có ý định thực hiện tán sỏi, bạn nên lựa chọn các bệnh viện uy tín với đội ngũ chuyên gia y bác sĩ giàu kinh nghiệm cũng như hệ thống trang thiết bị hiện đại giúp quá trình tán sỏi an toàn, hiệu quả.

 

5. Chăm sóc sau tán sỏi

Để bệnh nhân nhanh hồi phục và hạn chế sỏi tái phát thì chế độ sinh hoạt, dinh dưỡng sau tán sỏi cũng đóng vai trò quan trọng. Gia đình và người bệnh cần lưu ý một số điểm sau:

  • Uống đủ nước mỗi ngày: Uống khoảng 2 lít nước mỗi ngày sẽ giúp thanh lọc cơ thể, lọai bỏ được những chất cặn bã, gây hại ra khỏi cơ thể. Tuy nhiên cũng không nên uống quá nhiều nước vì sẽ gây gánh nặng cho thận.

  • Ăn các loại thực phẩm dễ tiêu hóa: Sử dụng các loại thực phẩm dễ tiêu hóa giúp cơ thể hấp thu tốt hơn đồng thời không tạo áp lực cho bệnh nhân khi đi vệ sinh.

  • Không nên nhịn tiểu: Việc nhịn tiểu kéo dài sẽ làm tăng áp lực bàng quang, dẫn đến hiện tượng trào ngược bàng quang niệu quản, viêm bể thận. Điều này làm chậm quá trình hồi phục của bệnh nhân sau tán sỏi và có thể gây sỏi trở lại.

  • Hạn chế sử dụng các thực phẩm giàu oxalate như: rau bina, cải xoăn, lá củ dền, khoai lang, đậu phộng,… Hàm lượng oxalate cao làm tăng nguy cơ hình thành sỏi tiết niệu. Sau khi tán sỏi, người bệnh cũng nên tuân thủ chế độ ăn nhạt, giảm lượng muối trong các bữa ăn.

Với phương pháp điều trị sỏi tiết niệu bằng tán sỏi ngược dòng bằng laser, người bệnh sẽ ít đau hơn, không để lại sẹo và tránh được những biến chứng sau so với mổ hở. Tuy nhiên, hiệu quả của phương pháp cũng phụ thuộc vào kinh nghiệm của bác sĩ nên cần đến bệnh viện uy tín để thực hiện.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top