✴️ 6 nguyên nhân phổ biến gây nên bệnh rò hậu môn

Rò hậu môn là một bệnh lý tiêu hóa phổ biến

Rò hậu môn là một bệnh lý tiêu hóa phổ biến, gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe và chất lượng cuộc sống của người bệnh

 

 

1. Nguyên nhân dẫn đến bệnh rò hậu môn

1.1. Áp xe hậu môn có thể gây ra rò hậu môn

Một ổ áp xe hậu môn trực tràng nếu không được điều trị và vỡ ra, dịch mủ phá miệng, sẽ tạo thành đường rò hậu môn, như vậy áp xe trực tràng và rò hậu môn là 2 giai đoạn của một quá trình bệnh lý, áp xe xuất hiện trước, là giai đoạn cấp tính, sau đó hình thành rò hậu môn từ áp xe không được chữa trị triệt để là giai đoạn mãn tính. Chính vì thế, để phòng tránh rò hậu môn, người bệnh cần chú ý và điều trị triệt để áp xe trực tràng đã có trước đó.

1.2. Tuyến hậu môn bị viêm nhiễm

Khi các tuyến hậu môn bị viêm nhiễm sẽ tạo thành các ổ viêm chứa mủ, mủ lan rộng lâu ngày tạo lỗ rò ở hậu môn, rò hậu môn kết hợp với các tuyến hậu môn bị viêm nhiễm khiến bệnh lý trở nên rất phức tạp, đồi hỏi cách điều trị lâu và chuyên sâu hơn.

1.3. Áp lực hậu môn – trực tràng

Áp lực hậu môn trực tràng có thể đến từ nhiều nguyên nhân như táo bón mạn tính, tiêu chảy, mang thai…Khi áp lực chèn lên vùng hậu môn liên tục gia tăng có thể khiến cho các vật bên trong trực tràng sa ra ngoài, tiếp xúc với môi trường gây viêm nhiễm và hình thành các đường rò.

1.4. Vệ sinh không sạch sẽ cũng là yếu tố gây rò hậu môn

Khu vực hậu môn là nơi chứa được rất nhiều vi khuẩn, nếu không được vệ sinh sạch sẽ có thể gây viêm nhiễm, ngứa ngáy, khó chịu. Phản ứng thông thường của mọi người là hay gãi mỗi khi xuất hiện triệu chứng ngứa, đối với vùng hậu môn, vì niêm mạc vị trí này rất mỏng nên rất dễ gây tổn thương, trầy xước, khiến vi khuẩn có cơ hội xâm nhập hình thành nên lỗ rò.

1.5. Do biến chứng của các loại phẫu thuật gần hậu môn

Một số loại phẫu thuật có thể dẫn tới biến chứng rò hậu môn, chẳng hạn như phẫu thuật điều trị các tạng sa chậu hông.

1.6. Các bệnh lý khác

Một số các bệnh lý như bệnh Crohn ; Viêm túi thừa; Viêm tuyến mồ hôi mủ; Nhiễm bệnh lao; HIV…cũng có thể dẫn tới sự xuất hiện của bệnh lý rò hậu môn.

 

2. Dấu hiệu của rò hậu môn

Rò hậu môn có rất nhiều biểu hiện, trong đó một số dấu hiệu nổi bật nhất được ghi nhận, bao gồm:

– Đau hậu môn liên tục, tình trạng đau có thể tồi tệ hơn khi người bệnh ngồi xuống, di chuyển hoặc ho mạnh.

Rò hậu môn gây đau đớn, khó chịu

Rò hậu môn thường có những triệu chứng gây đau đớn, khó chịu

 

– Chảy dịch hôi tại khu vực rì, chất nhầy xuất hiện ngày một dày đặc ở gần hậu môn khiến vị trí này luôn ẩm ướt, khó chịu, ngứa ngáy.

– Người bệnh khi đi tiêu thấy ra nhiều chất nhầy hoặc máu.

– Sưng, đỏ, nhức quanh hậu môn và trong trường hợp kèm theo áp xe, người bệnh có biểu hiện sốt cao.

– Vùng da quanh hậu môn dễ bị kích ứng.

 

3. Các dạng của rò hậu môn

Căn cứ vào đặc điểm đường rò và vị trí mà bệnh lý rò hậu môn được chia thành một số dạng chính như sau:

– Rò hậu môn hoàn toàn: Có vị trí lỗ trong và ngoài thông với nhau.

– Rò hậu môn không hoàn toàn: Đường rò có đặc điểm là chỉ có 1 lỗ hay còn gọi là rò một.

– Rò hậu môn phức tạp: Đường rò sắp xếp rất ngoằn ngoèo nhiều ngóc ngách, có nhiều lỗ thông ra ngoài da.

– Rò hậu môn đơn giản: Đường rò thường thẳng và ít ngóc ngách.

– Rò hậu môn trong cơ thắt: Là loại rò mà đường rò nông, loại rò hậu môn này khá phổ biến, khi điều trị thường cho kết quả tốt, ít tái phát.

– Bệnh rò hậu môn xuyên cơ thắt: Đường rò có vị trí đi xuyên qua cơ thắt và là hậu quả của bệnh lý  áp xe vùng hố ngồi trực tràng.

– Rò hậu môn ngoài cơ thắt: Đường rò không qua cơ thắt, là hậu quả của áp xe vùng chậu hông trực tràng.

 

4. Phương pháp điều trị rò hậu môn

Rò hậu môn phải phẫu thuật mới có thể điều trị triệt để vì các lỗ rò không thể lành, đồng thời nếu trì hoãn chữa trị càng lâu, vết rò càng có nhiều cơ hội tiếp xúc với môi trường bụi bẩn – nơi có rất nhiều vi khuẩn dễ dàng theo đường rò xâm nhập vào cơ thể, sẽ khiến bệnh trở nên phức tạp và trầm trọng hơn.

Có rất nhiều kỹ thuật mổ rò hậu môn, trong đó loại phẫu thuật phổ biến nhất là cắt dọc theo toàn bộ chiều dài của lỗ rò để hở, tìm được lỗ rò trong, lấy hết tổ chức xơ trong đó, phá đi các ngóc ngách tạo đường rò mà không được làm tổn thương cơ thắt vì dễ gây đại tiện không tự chủ, sau đó bằng các kỹ thuật chuyên môn giúp vết thương lành trở lại.

Sau khi mổ vá lỗ rò và lành lại, người bệnh hoàn toàn có thể quay trở về cuộc sống sinh hoạt bình thường mà không gặp bất kỳ ảnh hưởng hay di chứng gì từ cuộc phẫu thuật

 

5. Lời khuyên cho người bị rò hậu môn

Nên đi khám với bác sĩ ngay khi có các dấu hiệu nghi ngờ bị rò hậu môn. Bác sĩ sẽ tiến hành thăm khám, kiểm tra vùng hậu môn một cách nhẹ nhàng, vừa giúp phát hiện chính xác bệnh lý, vừa tạo tâm lý thoải mái cho người bệnh

Nếu nghi ngờ có lỗ rò hoặc nhiều hơn một lỗ rò trong vùng hậu môn, trực tràng thì bác sĩ có thể sẽ yêu cầu thực hiện thêm các xét nghiệm, thăm dò chức năng để chẩn đoán và xác định phương pháp điều trị phù hợp nhất bao gồm:

Khám lâm sàng;

Soi trực tràng;

Siêu âm, chụp MRI hoặc CT scan

Trên đây là những kiến thức cơ bản nhất về bệnh lý rò hậu môn, hy vọng sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về căn bệnh nguy hiểm này để can thiệp kịp thời tránh biến chứng.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top