✴️ Đại trực tràng là gì? Các bệnh lý thường gặp ở đại trực tràng

Nội dung

1. Tổng quan về đại trực tràng

1.1. Đại trực tràng là gì?

Đại trực tràng là một đoạn ruột thẳng dài khoảng 11-15cm, là một phần của đại tràng, nằm ở cuối đại tràng và nối giữa đại tràng với ống hậu môn. Đoạn đầu của trực tràng có hình sigma nhưng ở đoạn cuối giãn ra tạo thành các bóng trực tràng. Khi nhìn nghiêng, trực tràng có hình dạng như dấu chấm hỏi, nằm vòng quanh ruột non, uốn cong theo mặt trước của xương cùng – cụt.

Đại trực tràng là gì

Đại trực tràng là gì

 

1.2. Đại trực tràng nằm ở vị trí nào?

Do có sự khác nhau về cấu tạo cơ quan sinh dục của nam giới và nữ giới nên vị trí đại trực tràng ở hai giới cũng có sự khác biệt.

– Nam giới: vị trí của trực tràng nằm ở sau bàng quang, túi tinh, ống dẫn tinh, tuyến tiền liệt và nối đến trung tâm đáy xương chậu.

– Nữ giới: trực tràng thường nằm ở khu vực tử cung và âm đạo. Phía trước trực tràng là thân tử cung, cổ tử cung và vòm âm đạo. Phía sau là phần phúc mạc trực tràng gắn với thành sau của âm đạo.

 

1.3. Cấu tạo của đại trực tràng như thế nào?

Theo kết quả giải phẫu học, trực tràng được cấu tạo gồm 5 lớp:

– Lớp niêm mạc

– Lớp dưới niêm mạc

– Lớp cơ gồm lớp vòng trong và lớp cơ dọc bên ngoài

– Lớp dưới thanh mạc

– Lớp thanh mạc

 

1.4. Chức năng của đại trực tràng là gì?

Đại trực tràng là một bộ phận vô cùng quan trọng trong hệ tiêu hóa. Theo các chuyên gia, đại trực tràng có nhiệm vụ giữ chất thải và tham gia vào quá trình đào thải các chất cặn bã ra ngoài cơ thể. Cụ thể:

Chức năng giữ chất thải:

Ngay sau khi tiếp nhận thức ăn, dạ dày làm nhiệm vụ co bóp và tiêu hóa thành dạng dịch lỏng. Sau đó chúng được chuyển đến ruột non, đại tràng và cuối cùng là trực tràng. Các chất dinh dưỡng sẽ được ruột non hấp thụ đầu tiên. Sau đó, các vi khuẩn trong đại tràng tiếp nhận và tiếp tục phân giải chất dịch lỏng còn lại để tách các vitamin và khoáng chất còn sót lại, giúp cơ thể có thể hấp thu tối đa các chất dinh dưỡng. Những chất dư thừa không tiêu hóa được hoặc không có lợi cho cơ thể sẽ được đại tràng giữ lại.

Chức năng bài tiết:

Tiếp theo là quá trình đào thải các chất thải ra ngoài cơ thể bằng đại tiện. Đây cũng là quá trình để đại trực tràng phát huy được chức năng chính của mình. Đầu tiên, các chất thải từ đại tràng sẽ được đẩy xuống trực tràng thông hoa sự hoạt động của kết tràng. Đồng thời, các dây thần kinh liên kết được kích thích và truyền tín hiệu đến vỏ đại não. Vỏ đại não sẽ phản hồi thông tin bằng cách tạo cảm giác muốn đi đại tiện. Lúc này, trực tràng sẵn sàng hoạt động để đẩy chất thải ra ngoài thông qua hậu môn.

Có thể nói, trực tràng có vai trò vô cùng quan trọng đối với quá trình tiêu hóa của cơ thể. Nếu cơ quan này gặp vấn đề sẽ dẫn đến những bất thường ở hoạt động đại tiện. Từ đó ảnh hưởng lớn đến các hoạt động khác của cơ thể.

 

2. Các bệnh thường gặp ở đại trực tràng

2.1. Viêm đại trực tràng

Viêm đại trực tràng là tình trạng nhiễm khuẩn do vi khuẩn xâm nhập, tấn công gây tổn thương và viêm loét niêm mạc đại trực tràng. Các tổn thương có thể khu trú tại một vài điểm hoặc lan rộng khắp niêm mạc đại trực tràng với nhiều mức độ khác nhau. Ở mức độ nhẹ niêm mạc đại trực tràng kém bền vững và rất dễ bị chảy máu. Với mức độ nặng hơn, các vết viêm có thể bị loét, xung huyết và thậm chí là hình thành các ổ áp-xe.

Viêm trực tràng là bệnh phổ biến nhất trong trong các bệnh lý về trực tràng. Bệnh không phân biệt tuổi tác và giới tính, và thường gặp nhất ở những người có thói quen thường xuyên uống rượu, bia, hút thuốc lá, chế độ ăn không khóa học, không đảm bảo vệ sinh hoặc sử dụng thuốc kháng sinh trong thời gian dài…

Viêm trực tràng cấp tính nếu không can thiệp sớm sẽ tiến triển nặng thành viêm mãn tính rất khó điều trị. Nguy hiểm hơn, bệnh có thể biến chứng gây phình giãn, thủng đại trực tràng, nhiễm trùng huyết hoặc ung thư đại trực tràng đe dọa tính mạng người bệnh.

Viêm đại trực tràng là bệnh lý phổ biến nhất trong các bệnh liên quan đến đại trực tràng

Viêm đại trực tràng là bệnh lý phổ biến nhất trong các bệnh liên quan đến đại trực tràng

 

2.2. Polyp đại trực tràng

Polyp đại trực tràng là hiện tượng xuất hiện khối u nằm thành ruột hoặc ở trực tràng do sự tăng sinh tổ chức quá mức của niêm mạc trực tràng. Thực tế cho thấy phần lớn các polyp này là lành tính. Tuy nhiên vẫn tồn tại một số trường hợp có khả năng trở thành ác tính (ung thư). Kích thước polyp càng lớn thì nguy cơ ung thư hoặc tiền ung thư càng cao.

Polyp đại trực tràng là bệnh lý nguy hiểm. Do đó, việc xây dựng chế độ ăn uống và sinh hoạt khoa học sẽ giúp phòng ngừa hoặc cải thiện được tình trạng bệnh hiệu quả.

 

2.3. Sa trực tràng

Sa trực tràng là tình trạng một phần hoặc toàn bộ thành trực tràng bị lộn lại và chui ra ngoài lỗ hậu môn. Theo các kết quả nghiên cứu cho thấy, bệnh sa trực tràng có thể gặp ở mọi đối tượng. Tuy nhiên, nữ giới có nguy cơ mắc bệnh cao hơn từ 15-20% nam giới. Nguyên nhân bởi nữ giới trải qua quá trình mang thai và sinh nở. Đặc biệt ở những trường hợp sinh khó, nữ giới phải rạch tầng sinh môn khiến trực tràng bị kéo lệnh và giãn ra. Từ đó làm tăng nguy cơ sa trực tràng.

Sa trực tràng tuy không quá nguy hiểm nhưng nếu chủ quan và không chữa trị, bệnh có thể gây nhiều biến chứng gây hại đối với sức khỏe người bệnh như chảy máu hậu môn khi đại tiện, tắc nghẽn ống hậu môn, viêm loét trực tràng, vỡ trực tràng, tắc ruột…

 

2.4. Bệnh Crohn

Bệnh Crohn hay bệnh viêm ruột là tình trạng viêm nhiễm lan rộng và ăn sâu vào các lớp mô của đường ruột. Bệnh xuất hiện với các triệu chứng đau bụng, tiêu chảy nghiêm trọng, cơ thể mệt mỏi, chán ăn, giảm cân bất thường…. Theo các chuyên gia, nguyên nhân gây bệnh Crohn thường liên quan đến yếu tố di truyền hoặc gặp các vấn đề về hệ thống miễn dịch.

Bệnh không có cách chữa trị khỏi hoàn toàn và rất dễ gây ra các biến chứng nguy hiểm như: loét ruột, tắc ruột, ung thư. Bởi vậy, người bệnh tuyệt đối không được chủ quan mà cần có các biện pháp chăm sóc và điều trị hỗ trợ để giúp ức chế tình trạng bệnh, cải thiện các triệu chứng và duy trì sức khỏe đại trực tràng ổn định lâu dài.

 

2.5. Ung thư đại trực tràng

Ung thư đại trực tràng là bệnh lý nguy hiểm nhất, xảy ra khi lớp niêm mạc đại trực tràng xuất hiện các khối u ác tính có chứa tế bào ung thư hoặc bắt nguồn từ những polyp đại trực tràng tiến triển thành.

Ung thư đại trực tràng khởi phát ở những người có chế độ ăn uống và lối sống thiếu khoa học hoặc là biến chứng của các bệnh lý đại trực tràng mãn tính. Người ung thư đại trực tràng thường gặp các triệu chứng như đau bụng, đầy hơi, khó tiêu, rối loạn đại tiện kéo dài, đại tiện ra máu, cơ thể mệt mỏi, suy nhược, thiếu máu…

Ung thư đại trực tràng có thể chữa khỏi nếu được phát hiện sớm và được điều trị đúng

Ung thư đại trực tràng có thể chữa khỏi nếu được phát hiện sớm và được điều trị đúng

Bệnh tương đối nguy hiểm nhưng khả năng điều trị khỏi cao nếu như được phát hiện sớm và có phác đồ điều trị đúng. Tuy nhiên, ung thư đại trực tràng thường khó phát hiện. Đa phần bệnh đều được phát hiện ở giai đoạn nặng, khi các khối u ác tính đã di căn sang các cơ quan khác như gan, hạch bạch huyết, xương…. Do đó, mỗi người cần tự giác chăm sóc sức khỏe bản thân, chú ý đến những biểu hiện và triệu chứng bất thường của cơ thể và khám sức khỏe định kỳ hàng năm để có thể sớm phát hiện các dấu hiệu bệnh (nếu có).

 

3. Cách phát hiện bệnh lý trực tràng

Các bệnh lý đại trực tràng nếu được phát hiện sớm sẽ giúp việc điều trị đạt hiệu quả cao hơn. Vậy các phương pháp để chẩn đoán các bệnh lý liên quan đến đại trực tràng là gì? Theo các chuyên gia, hiện nay, phương pháp tốt nhất để chẩn đoán các bệnh về trực tràng là nội soi đại trực tràng. Đặc biệt với việc ứng dụng hiệu quả các công nghệ nội soi hiện đại như nội soi NBI 5P cho phép các bác sĩ quan sát sắc nét bề mặt niêm mạc trực tràng. Từ đó có thể phát hiện mọi biểu hiện bất thường dù là nhỏ nhất.

Nội soi đại trực tràng kết hợp với sinh thiết tế bào là phương pháp chẩn đoán xác định, mang lại tỷ lệ chính xác 100% trong chẩn đoán các bệnh lý trực tràng nói chung, trong đó có ung thư trực tràng từ giai đoạn khởi phát.

Bên cạnh đó, một số phương pháp khác để chẩn đoán các bệnh lý liên quan đến đại trực tràng là chụp X-quang có bơm thuốc cản quang, chụp cản quang kép, chụp CT scanner, chụp MRI, PET.

 

4. Các biện pháp bảo vệ sức khỏe đại trực tràng

Cải thiện sức khỏe là cách tốt nhất để bảo vệ sức khỏe đại trực tràng, giúp chức năng đại trực tràng phát huy hiệu quả. Dươi đây là các phương pháp bảo vệ sức khỏe đại trực tràng”:

– Duy trì chế độ ăn uống cân bằng, lành mạnh và đảm bảo tiêu chí ăn sạch – uống sôi.

– Uống đủ nước mỗi ngày để nâng cao quá trình bài tiết của đại trực tràng.

– Ưu tiên sử dụng các loại thực phẩm giàu chất xơ, các vitamin và khoáng chất cần thiết cho cơ thể.

– Bổ sung các loại thực phẩm giúp làm sạch trực tràng như súp lơ xanh, chanh, cải bó xôi, ngũ cốc…

– Giảm thói quen ăn nhiều thịt đỏ, các loại thực phẩm chế biến sẵn có chất bảo quản, đồ ăn cay nóng, đồ ăn nhanh.

– Ngừng hút thuốc lá và hạn chế sử dụng các loại đồ uống chứa cồn như rượu, bia…

– Tập thể dục thể thao mỗi ngày bằng các bài tập vận động đơn giản như đi bộ, đạp xe, bơi lội, yoga,… để cải thiện đường tiêu hóa.

– Thực hiện khám sức khỏe và kiểm tra sàng lọc định kỳ hàng năm theo hướng dẫn của bác sĩ để phát hiện sớm các bệnh lý đại trực tràng, kể cả khi chưa có các dấu hiệu và triệu chứng bất thường.

Hy vọng bài viết trên đã phần nào giúp bạn hiểu rõ đại trực tràng là gì và các bệnh lý liên quan đến đại trực tràng thường gặp. Từ đó mỗi người tự chủ động xây dựng cho mình chế độ ăn và lối sống khoa học, lành mạnh để phòng ngừa các bệnh lý có thể xảy ra.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top