Polyp đại tràng nói chung là một vùng mô bất thường nhô ra trong lòng đại tràng và được xuất phát từ niêm mạc của đại tràng. Polyp sẽ có nhiều loại khác nhau nhưng polyp đại tràng 5mm là loại thường gặp hơn cả. Với việc có nên loại bỏ polyp 5mm hay không phụ thuộc vào nhiều yếu tố cần được xem xét một cách kỹ lưỡng.
Polyp đại tràng là một khối nhỏ bao gồm các tế bào được hình thành trên niêm mạc đại tràng (ruột già). Phần lớn các polyp là lành tính nhưng qua thời gian, một số polyp đại tràng có thể phát triển ác tính thành ung thư đại tràng, hậu quả nguy hiểm nhất có thể gây tử vong. Polyp đại tràng có thể mắc ở bất kỳ ai và có thể ở dạng đơn polyp hoặc đa polyp ở đại tràng.
Polyp đại tràng thường sẽ không gây ra triệu chứng rõ ràng. Điều quan trọng là phải thăm khám định kỳ và tầm soát thường xuyên sẽ giúp phát hiện bệnh ở giai đoạn sớm để có được phương án điều trị kịp thời.
Các loại polyp đại tràng phổ biến nhất là polyp tăng sản và polyp tuyến. Bên cạnh đó cũng có các loại polyp khác được tìm thấy trong đại tràng nhưng tỷ lệ gặp là rất thấp.
Polyp tăng sản – Polyp tăng sản thường có kích thước nhỏ, nằm ở phần cuối của đại tràng (thường là trực tràng và đại tràng sigma). Loại polyp này không có khả năng trở thành ác tính nên không đáng lo ngại.
Polyp tuyến – Hai phần ba polyp đại tràng được xác định là polyp tuyến. Hầu hết các polyp này sẽ không phát triển thành ung thư, nhưng khả năng trở thành ung thư là vẫn có.
Polyp tuyến lành tính nhưng vẫn có khả năng hóa ung thư sau một thời gian, gồm polyp tuyến ống, polyp nhung mao, polyp tuyến ống nhung mao. Khả năng ung thư của các polyp nhóm này sẽ phụ thuộc vào kích thước polyp đại tràng:
– Polyp đại tràng < 1cm: Nguy cơ ung thư từ 0 – 2%;
– Polyp đại tràng từ 1cm – 2cm: Nguy cơ ung thư từ 10 – 20%;
– Polyp đại tràng từ 2cm trở lên: Nguy cơ ung thư cao từ 30 – 50%.
Hầu hết các polyp đại tràng sẽ không có triệu chứng rõ ràng mà thường vô tình được phát hiện trong quá trình thăm khám sức khỏe định kỳ hoặc đang thực hiện chẩn đoán một bệnh khác. Tuy nhiên, khi nhận thấy các triệu chứng sau đây thì cần thăm khám bác sĩ ngay:
– Đau bụng.
– Có máu trong phân.
– Thay đổi thói quen đại tiểu tiện kéo dài hơn một tuần.
– Theo kèm những biểu hiện của thiếu máu.
Những trường hợp sau nên được kiểm tra polyp đại tràng thường xuyên:
– Người từ 50 tuổi trở lên.
– Người có các yếu tố nguy cơ như tiền sử gia đình mắc bệnh về đại tràng hoặc ung thư đại tràng.
Nhìn chung, polyp đại tràng có kích thước từ 2mm đến 2cm đã có thể cắt được. Việc lựa chọn có nên cắt polyp hay không sẽ còn tùy thuộc vào loại polyp cũng như số lượng polyp tại đại tràng. Cụ thể như sau:
– Nếu là polyp tăng sản: Người bệnh có thể chưa cần cắt polyp vì tiến triển của nhóm này hầu như sẽ không chuyển hoá thành ung thư;
– Nếu là polyp tuyến: Với trường hợp số lượng polyp là không nhiều, người bệnh có thể sẽ được chỉ định cắt polyp qua nội soi và thực hiện nhiều lần (mỗi lần cắt từ 5 – 10 polyp). Còn với trường hợp người bệnh có hàng trăm polyp dọc theo khung đại tràng thì sẽ được xem xét cắt bỏ đoạn đại tràng có polyp.
Lưu ý là không phải lúc nào cũng có thể phân biệt rõ polyp tăng sản với polyp tuyến thông qua nội soi mà thường phải dựa vào kết quả mô bệnh học từ mẫu polyp đã được cắt bỏ.
Tiến triển của các polyp đại tràng với kích thước dưới 5mm thường là rất chậm. Theo các nghiên cứu chỉ ra rằng, kích thước và bản chất của các polyp đường kính dưới 5mm thường sẽ không có sự thay đổi lớn khi kiểm tra bằng nội soi sau 4 – 5 năm.
Thông thường, đối với polyp đại tràng 5mm trở lên, bác sĩ sẽ tiến hành loại bỏ trong quá trình nội soi, đồng thời thực hiện sinh thiết để xem có chứa tế bào ung thư hay không. Tuy nhiên, các polyp nghi ngờ ung thư hoặc là dạng tổn thương chưa xác định sẽ không được thực hiện cắt qua nội soi. Bác sĩ sẽ chỉ định sinh thiết và có thể kết hợp một số phương pháp chẩn đoán khác để kiểm tra, sau đó đưa ra hướng điều trị phù hợp.
Đối với những polyp nhỏ hơn và không gây ra triệu chứng, có thể chưa cần cắt bỏ nhưng cần phải theo dõi bằng nội soi định kỳ. Cá biệt, một số trường hợp ít gặp dù polyp đại tràng nhỏ dưới 5mm nhưng có bề mặt sần sùi, giống khối u ác tính thì sẽ được chỉ định cắt bỏ và tiến hành làm sinh thiết. Tuy nhiên, để không quá lo lắng, người bệnh sẽ được khuyên nên cắt ngay polyp khi có thể (số lượng polyp ít, vị trí cắt thuận tiện) hoặc hẹn nội soi tái khám sau 1 năm.
Sau khi cắt polyp đại tràng, chế độ ăn uống và sinh hoạt của người bệnh có thể trở lại như bình thường nhanh chóng nhưng nhất định cần được theo dõi, thăm khám định kỳ để đánh giá hiệu quả điều trị và xử lý kịp thời nếu polyp tái phát.
Như vậy, polyp đại tràng nói chung và polyp đại tràng 5mm nói riêng sẽ được đánh giá cụ thể để kết luận có nên cắt bỏ hay không. Người bệnh cần xem xét và lựa chọn cơ sở y tế uy tín, chủ động tiến hành thăm khám, sớm phát hiện bệnh nếu có để được hướng dẫn phương án xử lý hiệu quả nhất.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh