Polyp trực tràng là các khối tân sinh phát triển từ lớp niêm mạc trực tràng, có thể đơn độc hoặc đa ổ, với kích thước và hình thái đa dạng. Bản chất của polyp là sự tăng sinh quá mức của các tế bào biểu mô tuyến hoặc tổ chức liên kết dưới niêm mạc. Đây là tổn thương tiền ung thư thường gặp trong nhóm bệnh lý đại trực tràng, đặc biệt ở người lớn tuổi.
Polyp trực tràng có thể có cuống hoặc không cuống, đa phần là tổn thương lành tính nhưng một số thể loại như polyp tuyến (adenomatous polyp) có nguy cơ cao tiến triển thành ung thư nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời.
Polyp trực tràng là bệnh lý đường tiêu hóa thường gặp.
Nguyên nhân chính xác của polyp trực tràng chưa được xác định rõ, tuy nhiên có nhiều yếu tố được ghi nhận liên quan đến nguy cơ hình thành polyp, bao gồm:
Đột biến gen: Các đột biến ở gen điều hòa chu kỳ tế bào có thể thúc đẩy quá trình tăng sinh bất thường của biểu mô niêm mạc trực tràng, hình thành polyp.
Di truyền: Người có tiền sử gia đình mắc polyp đại trực tràng hoặc hội chứng đa polyp (FAP, Lynch…) có nguy cơ mắc bệnh cao hơn.
Viêm mạn tính niêm mạc đại – trực tràng: Các tình trạng như viêm loét đại tràng, bệnh Crohn hoặc nhiễm khuẩn kéo dài có thể kích thích hình thành polyp.
Dị vật, táo bón kéo dài: Làm tổn thương và kích thích niêm mạc trực tràng, tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của polyp.
Lối sống không lành mạnh:
Hút thuốc lá, sử dụng rượu bia, chế độ ăn ít chất xơ, nhiều thịt đỏ và chất béo bão hòa.
Ít vận động thể chất, béo phì.
Tuổi tác: Tỷ lệ mắc polyp trực tràng tăng dần theo tuổi, đặc biệt sau 50 tuổi.
Tiền sử ung thư: Nữ giới có tiền sử ung thư buồng trứng, tử cung hoặc từng có polyp đại trực tràng trước đó.
Việc xác định chính xác nguyên nhân cần thông qua thăm khám lâm sàng kết hợp với các cận lâm sàng như nội soi đại trực tràng, sinh thiết và xét nghiệm di truyền trong các trường hợp nghi ngờ hội chứng di truyền.
Polyp trực tràng thường diễn biến âm thầm, nghèo triệu chứng, đặc biệt là khi polyp nhỏ và chưa gây biến chứng. Tuy nhiên, ở một số trường hợp, người bệnh có thể gặp:
Đại tiện ra máu: Máu có thể lẫn trong phân hoặc nhỏ giọt sau đại tiện, không kèm đau rát (phân biệt với trĩ).
Rối loạn tiêu hóa: Bao gồm tiêu chảy mạn tính, phân lỏng, táo bón xen kẽ hoặc cảm giác mót rặn.
Đau bụng vùng hạ vị hoặc vùng chậu, có thể kèm buồn nôn.
Thiếu máu: Nếu chảy máu kéo dài nhưng không được chú ý.
Khi xuất hiện các triệu chứng nêu trên, đặc biệt là đại tiện ra máu không rõ nguyên nhân, người bệnh nên được nội soi đại trực tràng để tầm soát tổn thương.
Việc cắt polyp trực tràng thường được tiến hành trong quá trình nội soi.
Là phương pháp điều trị chính và ưu tiên hiện nay. Được thực hiện trong quá trình nội soi đại trực tràng.
Sau khi cắt, mẫu polyp được gửi đi xét nghiệm mô bệnh học để đánh giá tính chất lành hay ác tính, mức độ loạn sản hoặc xâm lấn.
Trong các trường hợp polyp lớn, không cuống hoặc nghi ngờ ác tính, có thể cần thực hiện nội soi can thiệp nâng cao (EMR/ESD) hoặc chỉ định phẫu thuật cắt đoạn ruột.
Người bệnh cần tái khám và nội soi kiểm tra lại theo chỉ định (thường sau 1-3 năm tùy kết quả mô học và số lượng polyp).
Đồng thời cần điều chỉnh lối sống: tăng cường chất xơ, hạn chế chất béo động vật, bỏ thuốc lá, duy trì cân nặng hợp lý và vận động thường xuyên.
Polyp trực tràng là tổn thương tiền ung thư thường gặp, dễ bỏ sót nếu không được tầm soát định kỳ. Việc phát hiện sớm và cắt bỏ kịp thời giúp ngăn ngừa hiệu quả nguy cơ tiến triển thành ung thư đại trực tràng – một trong những loại ung thư đường tiêu hóa có tỷ lệ mắc và tử vong cao.
Khuyến nghị: Người trên 45 tuổi, hoặc có yếu tố nguy cơ nên nội soi tầm soát đại trực tràng định kỳ, kể cả khi chưa có triệu chứng.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh