✴️ Sỏi bùn túi mật – tiền thân sỏi mật

Nội dung

1. Sỏi bùn túi mật là gì

Túi mật nằm giữa gan và ruột, là nơi lưu trữ dịch mật được sản xuất ra từ gan và tiết chất dịch này vào ruột non giúp hỗ trợ quá trình tiêu hóa.

Sỏi bùn túi mật là sự tích tụ các thành phần dịch mật dẫn đến lắng đọng tinh thể cholesterol, canxi bilirubinat hoặc các muối canxi khác trong túi mật.

Nếu bùn túi mật không đáng kể thì có thể tự bị đẩy ra khỏi túi mật nhờ quá trình co bóp của túi mật. Nhưng khi có sự kết hợp của các tinh thể trong bùn mật và chất nhầy của màng túi mật trong thời gian kéo dài chính là điều kiện thuận lợi để tạo thành sỏi cholesterol trong túi mật.

Sỏi bùn túi mật là tiền thân của sỏi mật

Bùn mật và chất nhầy của màng túi mật tích tụ trong trong thời gian kéo dài chính là điều kiện thuận lợi để tạo thành sỏi cholesterol trong túi mật (ảnh minh họa)

 

2. Triệu chứng của sỏi bùn túi mật

Sỏi bùn túi mật thường không có biểu hiện rõ ràng, chúng thường diễn biến trong âm thầm, tuy nhiên sỏi bùn dễ gây viêm, gây biến chứng hơn sỏi viên.

Một số trường hợp sỏi bùn túi mật gây nên đau bụng, sốt, đầy trướng, chậm tiêu, khó tiêu, buồn nôn, lợm giọng. Khi có những biểu hiện cụ thể này cũng là lúc sỏi bùn mật trở nên nguy hiểm và có thể dẫn đến những biến chứng như gây ứ tắc dịch mật, rò dịch mật hoặc viêm túi mật, viêm tụy cấp…

Các đối tượng có nguy cơ cao mắc bệnh sỏi bùn túi mật là người bị đái tháo đường, phụ nữ mang thai, người thừa cân/béo phì, người béo phì giảm cân quá nhanh, người nuôi ăn qua đường tĩnh mạch, người bệnh sử dụng một số loại thuốc giảm mỡ máu và một số thuốc điều trị khác…

Biểu hiện của sỏi bùn túi mật

Một số trường hợp sỏi bùn túi mật gây nên đau bụng, sốt, đầy trướng, chậm tiêu, khó tiêu, buồn nôn (ảnh minh họa)

 

3. Làm gì khi bị sỏi bùn túi mật?

Sỏi bùn túi mật có thể dẫn đến những nguy cơ tiềm tàng như sỏi mật, viêm túi mật cấp tính… Vì vậy, bạn cần đi khám sức khỏe định kỳ để phát hiện sỏi bùn túi mật sớm và có biện pháp tán sỏi phù hợp. Hoặc khi có các dấu hiệu của sỏi bùn túi mật cần đi khám để có biện pháp điều trị kịp thời.

Ngoài ra có thể phòng ngừa, hạn chế nguy cơ hình thành sỏi bùn túi mật bằng các biện pháp sau:

3.1. Chế độ ăn lành mạnh

Duy trì chế độ ăn uống khoa học, lành mạnh: hạn chế ăn những thực phẩm chứa nhiều cholesterol có trong mỡ/nội tạng động vật, trứng, sữa, bơ, thịt bò…

Bổ sung thêm rau, củ, quả tươi hoặc các thực phẩm giàu chất xơ hòa tan như gạo lứt, trái bơ, đậu bắp…

3.2. Tập thể dục thường xuyên

Thường xuyên tập thể dục để tăng cường sự dẻo dai của cơ thể, giúp phòng chống béo phì, đái tháo đường và các vấn đề về sức khỏe khác có thể dẫn đến bùn túi mật. Để phòng bệnh hiệu quả thì cần phải duy trì sinh hoạt điều độ, giữ trọng lượng cân đối để đảm bảo sức khỏe tốt và phòng tránh được các bệnh về túi mật.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top