Viêm đại tràng giả mạc là bệnh lý đường tiêu hóa còn xa lạ với nhiều người. Tuy nhiên căn bệnh này đang có xu hướng gia tăng gây ảnh hưởng xấu tới sức khỏe. Cùng tìm hiểu về viêm đại tràng giả mạc qua bài viết dưới đây sẽ giúp độc giả có thêm kiến thức cần thiết về căn bệnh này.
Nguyên nhân gây viêm đại tràng giả mạc
Có nhiều nguyên nhân gây viêm đại tràng giả mạc:
Do vi khuẩn Clostridium difficile gây ra.
Do loạn khuẩn đường ruột vì dùng kháng sinh
Suy giảm miễn dịch vì nhiều lý do khác nhau, đặc biệt là ở người già.
Yếu tố làm tăng nguy cơ viêm đại tràng giả mạc
Những người ở trong bệnh viện hoặc nhà dưỡng lão
Người cao tuổi đặc biệt trên 65 tuổi
Người mắc các bệnh đại tràng như bệnh viêm ruột hoặc ung thư đại trực tràng
Những người từng trải qua phẫu thuật đường ruột
Người từng điều trị hóa trị ung thư
Triệu chứng cảnh báo bệnh viêm đại tràng giả mạc
Thông thường khi bị viêm đại tràng giả mạc, người bệnh sẽ thấy xuất hiện các triệu chứng như đau bụng, tiêu chảy nhiều lần.
Ngoài ra, người bệnh có thể sốt, có khi lên tới 38 – 39 độ C, nôn hoặc buồn nôn, phân có khi lỏng có thể có máu hoặc có chất nhầy và mủ kèm theo.
Các triệu chứng của viêm đại tràng giả mạc có thể bắt đầu trong vòng 1 – 2 ngày sau khi bắt đầu dùng một loại kháng sinh, hoặc có thể không xảy ra cho đến vài tuần sau khi ngừng kháng sinh.
Khi thấy các dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh, người bệnh cần tới ngay các cơ sở y tế, bệnh viện có chuyên khoa Tiêu hóa để bác sĩ thăm khám và chỉ định làm các xét nghiệm kiểm tra cần thiết.
Chẩn đoán viêm đại tràng giả mạc
Xét nghiệm mẫu phân: Đây là phương pháp sử dụng một số mẫu phân khác nhau để phát hiện vi khuẩn lây nhiễm trong đại tràng.
Xét nghiệm máu: Phương pháp này có thể chỉ ra chỉ số cao bất thường của các tế bào máu trắng (bạch cầu), từ đó chẩn đoán chính xác bệnh.
Nội soi đại tràng: Giúp quan sát toàn bộ đại tràng, kiểm tra bên trong ruột già xem có các dấu hiệu của viêm đại tràng giả mạc, những mảng tổn thương.
Chẩn đoán hình ảnh: Nếu có những triệu chứng nghiêm trọng hoặc nghi ngờ mắc viêm đại tràng giả mạc, bác sĩ có thể tiến hành chụp X-quang hoặc chụp CT bụng để tìm kiếm các biến chứng như phình đại tràng hoặc vỡ ruột…
Các phương pháp chẩn đoán viêm đại tràng giả mạc nêu trên chỉ mang tính chất gợi ý. Tùy vào thăm khám cụ thể mà bác sĩ sẽ đưa ra chỉ định xét nghiệm, chụp chiếu phù hợp.
Điều trị viêm đại tràng giả mạc
Điều trị viêm đại tràng giả mạc thường có liên quan đến sử dụng thuốc kháng sinh hiện tại và bắt đầu một loại thuốc kháng sinh có hiệu quả để chống lại vi khuẩn Clostridium difficile. Trong trường hợp hiếm hoặc bệnh nặng thì có thể chỉ định phẫu thuật.
Dù điều trị bằng phương pháp nào cũng cần có sự chỉ định cụ thể của bác sĩ. Người bệnh cần tuân thủ theo đúng phác đồ điều trị của bác sĩ để cải thiện sớm tình trạng sức khỏe.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh