1. Triệu chứng cảnh báo phổi tắc nghẽn mạn tính
1.1. Khó thở
Khó thở là triệu chứng đặc trưng của bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính. Người bệnh thường cảm thấy khó thở, thở gấp, phải gắng sức để thở. Ban đầu, khó thở xuất hiện khi gắng sức. Khi bệnh tiến triển nặng, khó thở xảy ra ngay cả khi nghỉ ngơi.
1.2. Ho mạn tính
Ho mạn tính trong bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính là tình trạng ho kéo dài và gần như không thể khỏi hoàn toàn. Nó thường là triệu chứng ban đầu của bệnh và được chú ý nhiều nhất vì người bệnh thường ho mãn tính sau khi hút thuốc hoặc tiếp xúc với các chất kích ứng. Bệnh nhân có thể ho có đờm hoặc không.
1.3. Tăng đờm
Đờm là một chất sản sinh trong đường thở giúp loại bỏ các bụi bẩn trong phế quản và được thải ra nhờ hoạt động ho. Tuy nhiên, khi đờm trở nên đặc và dính vào đường thở, nó lại trở thành nơi trú ngụ của vi khuẩn và dễ gây nên các vấn đề về hô hấp.
1.4. Thở khò khè và tức ngực
Thở khò khè thường được mô tả như âm thanh huýt sáo khi hít sâu hoặc khi thở ra, được gây ra bởi sự thu hẹp hoặc tắc nghẽn đường thở.
Tức ngực thường được mô tả như cảm giác có áp lực đè lên phổi hoặc ngực và làm cho việc thở trở nên khó khăn. Tức ngực có thể xuất hiện khi có nhiễm trùng phổi và khiến cho việc thở sâu gây đau làm cho người bệnh phải thở ngắn và nông.
1.5. Mệt mỏi
Mệt mỏi cũng là một triệu chứng của bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính. Những bệnh nhân mắc các bệnh về phổi thường mệt mỏi nhiều hơn gấp 3 lần so với những người bình thường.
1.6. Chán ăn và sút cân.
Chán ăn và sút cân cũng là triệu chứng thường gặp khi bị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và thường xảy ra khi bệnh ở giai đoạn nặng hoặc rất nặng. Khi không được giải quyết, những triệu chứng này có thể dẫn đến suy dinh dưỡng, một tình trạng nghiêm trọng có thể đe dọa tính mạng người bệnh. Chán ăn và sút cân, đồng thời có thể là dấu hiệu của những bệnh lý khác như ung thư phổi hay lao phổi.
Theo nghiên cứu, mức độ tiến triển nặng lên của bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính thường được đánh giá thông qua các triệu chứng: khó thở, ho mạn tính và khạc đờm. Vì thế ngay từ khi thấy xuất hiện dấu hiệu bệnh, người bệnh cần đi khám ngay.
Tới các bệnh viện có chuyên khoa Hô hấp, người bệnh sẽ được làm các xét nghiệm và kiểm tra cần thiết nhằm chẩn đoán và điều trị sớm bệnh. Căn cứ vào tình trạng và mức độ bệnh cụ thể, bác sĩ sẽ đưa ra phác đồ điều trị phù hợp.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh