Tên tiếng Việt: Cỏ ngọc, Tử thảo
Tên khoa học: Lithospermum erythrorhizon Sieb. & Zucc.
Họ: Boraginaceae (Vòi voi)
Công dụng: Chữa viêm da, bỏng hay ung thư nang lông, dùng để phòng và trị các bệnh đậu mùa, sởi, thủy đậu, và nổi mẩn lở ngứa
A. Mô tả
- Cây thảo, sống hàng năm, cao 0,6 – 1,2 m. Thân mọc đứng, có nhiều lông, ngọn uốn cong. Lá mọc so le, cứng, hình mác thuôn, mép nguyên, hai mặt nháp.
- Hoa màu trắng, sau ngả màu vàng nhạt.
- Quả hình trứng, đường kính khoảng 3 mm, màu trắng, nhẵn bóng, có đài tồn tại.
B. Bộ phận dùng
- Rễ (Radix Lethospermi), thu hái vào mùa xuân lúc cây mọc mầm hoặc mùa thu sau khi lấy quả, loại sạch đất, cát rồi phơi hay sấy khô.
- Không rửa nước để tránh các hoạt chất bị phân hủy. Còn dùng lá.
C. Tác dụng dược lý
- Phần trên mặt đất và rễ tử thảo chứa chất có tác dụng ức chế tiết nội tiết tố hướng sinh dục từ tuyến yên. Cao tử thảo, tiêm cho động vật thí nghiệm, ức chế động dục, ức chế chức năng buồng trứng và tinh hoàn. Hoạt tính của tuyến giáp cũng bị giảm. Cao tử thảo gây sẩy thai trong thai kỳ đầu ở thỏ và chuột nhắt. Các kết quả nghiên cứu gợi ý là có thể dùng chế phẩm bào chế từ tử thảo làm thuốc chống sinh sản.
- Cao nước rễ tử thảo làm giảm rõ rệt mức glucose trong huyết tương chuột nhắt trắng. Từ cao nước này, đã tách phân đoạn có hoạt tính chứa các lithospemian A, B và C với các trọng lượng phân tử : 6.700, 750.000 và 280.000, tương ứng. Cả ba chất này biểu lộ hoạt tính hạ đường máu một cách độc lập ở chuột nhắt trắng bình thường cũng như ở chuột gây đái tháo đường với aloxan.
- Cao ether của rễ tử thảo, phân đoạn tan trong ether dầu hỏa và phân đoạn tan trong aceton tách từ phân đoạn ether dầu hỏa có tác dụng ức chế sự phát triển của Staphylococcus aureus. Staph epidermidis, Sarcina lutea và Bacillus subtilis, và ức chế yếu Saccharomyces cerevisiae. Chất β, β’ – dimethylacrylshikonin và hydroxyisovalerylshikonin ức chế sự phát triển của Bacillus subtilis, Staph. aureus và Sarcina lutea. Ở nồng độ 20 – 30 µg/ml, shikonin có tác dụng diệt vi khuẩn trên Lactobacillus và thể hiện hoạt tính chống amip rõ rệt trên Entamoeba histolytica ở 0,5 – 10 µg/ml trong môi trường nuôi cấy. Tuy vậy, khi cho chuột cống trắng được gây bệnh amip đường ruột uống liều hàng ngày 0,25 – 0,50 mg shikonin cho mỗi chuột, trong 6 ngày, thuốc lại có tác dụng điều trị yếu.
- Shikonin và acetylshikonin có tác dụng giảm đau nhẹ, tác dụng hạ sốt mức độ vừa trên chuột nhắt trắng và ức chế độ thấm mao mạch gây bởi histamin khi cho chuột cống trắng uống. Acetylshikonin cũng có tác dụng chống viêm ở chuột cống trắng cắt bỏ tuyến thượng thận. Chất β, β’ – dimethylacrylshikonin có tác dụng chống viêm trong những thử nghiệm ức chế sự thấm mao mạch gây bởi histamin ở chuột cống trắng, ức chế phù bàn chân ở chuột cống trắng nguyên vẹn và chuột cắt bỏ tuyến thượng thận, và ức chế u hạt gây bằng viên bông.
- MDS – 004, một dẫn chất pentaacetyl hóa của shikonin có hoạt tính dược lý mạnh hơn shikonin, có tác dụng thúc đẩy nhanh sự tạo thành u hạt gây bởi viên bông khi áp dụng tại chỗ cùng với viên bông ở chuột cống trắng. Nó cũng ức chế mạnh thể dị ứng muộn. Khi cho uống, khác với shikonin, MDS-004 ức chế phù bàn chân chuột gây bởi caragenin, và có xu hướng chữa lành loét dạ dày gây bởi acid acetic ở chuột cống trắng. MDS-004 không gây tác dụng kích ứng trên da tai thỏ khi áp dụng liều tại chỗ 1 mg. Tử thảo có hoạt tính kháng nội tiết tố hướng sinh dục do các thành phần phenol oxy hóa của cây. Tuy hợp chất phenol chủ yếu của cây là acid cafeic có hoạt tính kháng nội tiết tố hướng sinh dục yếu sau khi oxy hóa, dẫn chất tự nhiên của nó là acid rosmarinic cùng các este tổng hợp là những chất ức chế mạnh nội tiết tố hướng sinh dục sau khi oxy hóa.
- Tử thảo có hoạt tính kháng đột biến mức độ vừa đối với benzo (a) pyren trong thử nghiệm dùng hệ Salmonella tiểu thể, với sự có mặt của benzo (a) pyren. Shikonin gây biến đổi ở dòng tế bào bệnh bạch cầu tiền tủy bào người HL 60 nuôi cấy. Nó gây sự phân đoạn DNA thành những bội số của 180 bp, và tăng tỷ lệ % những tế bào giảm bội, xác định bằng phương pháp đếm tế bào lưu tốc; sau khi nhuộm bằng propidium iodid. Sự tăng những tế bào giảm bội diễn ra sau sự hoạt hóa của enzym đóng vai trò quan trọng là caspase – 3. Sự phân đoạn DNA gây bởi shikonin hoàn toàn bị ức chế trong trưòng hợp xử lý trước với một chất ức chế đặc hiệu của caspase, cho thấy cơ chế gây chết tế bào của shikonin. Shikonin có hoạt tính chống ung thư cao đối với tế bào u báng sarcom 180 ở chuột cống trắng; ức chế hoàn toàn sự phát triển của u ở liều 5-10 mg/kg/ngày.
- Nước sắc tử thảo đem ủ trong 4 ngày với một dung treo chứa tế bào H9 và Virus HIV lấy ra từ tế bào H9 bị nhiễm mạn tính. Tìm kháng nguyên bằng cách soi tế bào với phương pháp miễn dịch huỳnh quang gián tiếp cho thấy tử thảo có hoạt lực kháng HIV thể hiện ở tác dụng làm giảm số lượng các tế bào bị nhiễm so với chứng. LD50 của shikonin và acetylshikonin là 20 và 41 mg/kg tương ứng khi tiêm phúc mạc, và > 1.000 mg/kg khi cho chuột nhắt trắng uống. LD50 tiêm phúc mạc của β, β’ – dimethylacrylshikonin ở chuột nhắt trắng là 48 mg/kg. Nghiên cứu dược động học cho thấy shikonin được hấp thụ nhanh sau khi uống hoặc tiêm bắp thịt. Sinh khả dụng là 34% khi uống, và 65% khi tiêm bắp.
D. Tính vị, công năng
Tử thảo có vị đắng, mặn, tính lạnh, có tác dụng thanh nhiệt, làm mát máu, tiêu độc.
E. Công dụng
- Tử thảo được dùng để phòng và trị các bệnh đậu mùa, sởi, thủy đậu, và nổi mẩn lở ngứa, với liều 8 – 12g rễ khô sắc uống. Chữa viêm da, bỏng hay ung thư nang lông, dùng tử thảo 30g sắc uống và bôi rửa ngoài. Chữa sốt, giải nhiệt, làm mát máu, dùng bài thuốc gồm tử thảo, hoàng liên, đại thanh diệp, mẫu đơn bì. Rễ tử thảo được dùng riêng hoặc phối hợp với cam thảo (để sống) và mộc hương, sắc uống để phòng bệnh sởi. Có thể dự phòng bệnh sởi bằng cách uống rễ tử thảo trong 3-5 ngày liền. Nếu có mắc sởi thì bệnh cũng nhẹ.
- Cách chế biến và sử dụng rễ tử thảo như sau : Rễ phơi khô, tán nhỏ, rây lấy bột mịn. Trẻ em, từ 1 tuổi trở xuống, mỗi lần uống 2g; 2 – 4 tuổi, 4g; 5 – 7 tuổi, 6g; 8-12 tuổi, 8g. Ngày dùng 3 lần. Hoà bột tử thảo với nước, đun sôi trong nửa giờ. Thêm đường uống cho đỡ đắng.
- Trong y học cổ truyền Trung Quốc, rễ tử thảo là thuốc chống viêm và hạ sốt trong điều trị sởi, eczema, và bỏng do nhiệt. Lá được dùng làm thuốc lợi tiểu. Y học cổ truyền Ấn Độ lại dùng rễ tử thảo làm thuốc lọc máu. Nước sắc rễ và nhánh cây dùng dưới dạng sirô để điều trị các bệnh phát ban như đậu mùa, sởi, và ngứa. Hạt có tác dụng lợi tiểu và làm tan sỏi, chữa bệnh gút và bệnh bàng quang. Nước hãm lá được dùng theo kinh nghiệm dân gian ở Tây Ban Nha làm thuốc an thần.
Bài thuốc có tử thảo:
- Chữa bệnh ôn nhiệt, sốt cao, phát ban: Rễ tử thảo 8 – 20g; huyền sâm, thiên hoa phấn, mạch môn, mỗi vị 10g. Sắc uống ngày một thang.
- Chữa vảy nến: Tử thảo 12g; hoè hoa (sống), sinh địa, thổ phục linh, thạch cao, mỗi vị 40g; ké đầu ngựa 20g, thăng ma 12g, chích cam thảo 4g. Sắc uống ngày một thang.
- Trị đậu chẩn không mọc: Tử thảo 80g. Sắc uống ngày 3 lần. (Tử Thảo Ẩm – Chính Hòa Bản Thảo).
- Trị huyết nhiệt, phát sốt (ôn bệnh): Tử thảo 12g, Cam thảo 4g, chỉ xác 10g. Sắc uống. Tác dụng: Lương huyết, giải nhiệt, lợi khí. (Tử Thảo Cam Thảo Chỉ Xác Tán – Chứng Trị Chuẩn Thằng).
- Chữa ban sởi mọc chưa hoàn toàn do nhiệt độc trong máu: Tử thảo 12g, thuyền thoái 10g, Ngưu bàng tử 12g. Sắc uống ngày một thang. (Kinh Nghiệm Dân Gian).
- Chữa lên sởi phòng sởi: Tử thảo 12g Cam thảo đất 14g. Sắc uống ngày một thang. (Kinh Nghiệm Dân Gian).
- Chữa mụn, nhọt, do nhiệt: Tử thảo 12g, Đương qui 12g, bạch chỉ 12g, huyết kiệt 1kg tán nhuyễn, bôi, xoa ngoài da. (Kinh Nghiệm Dân Gian).
Tham khảo:
Tử thảo nên đào lấy rễ vào mùa thu, ngâm ngập nước và thái thành lát mỏng, phơi khô dùng.
Kiêng kỵ: Không dùng Tử thảo trong trường hợp tỳ hư kèm tiêu chảy.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh
facebook.com/BVNTP
youtube.com/bvntp